Phía sau buổi tiệc thời trang xa hoa bậc nhất thế giới

Met Gala là sự kiện xa hoa và hoành tráng tột bậc của giới thời trang thế giới. Chương trình là cỗ máy in tiền khi thu hút sự quan tâm của nghệ sĩ và khán giả toàn cầu.

Tháng 11/2019, Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan công bố chủ đề của Met Gala 2020, diễn ra vào ngày 4/5/2020. Tuy nhiên, ngày 16/3/2020, Vogue đưa tin sự kiện hoãn vô thời hạn vì ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn thế giới. Tới 19/5/2020, Bảo tàng Metropolitan chính thức công bố sự kiện thường niên năm đó bị hủy bỏ.

Sau một năm 2020 lao đao vì dịch bệnh, thế giới bước sang 2021 cùng cuộc chiến chống Covid-19 vẫn còn dai dẳng. Sau 9 tháng, trên trang chủ của Vogue, “sân nhà” sự kiện, thông tin mới nhất về Met Gala là chủ đề năm 2021 vẫn chưa được công bố.

 Met Gala từng được ví von như lễ hội hóa trang của nghệ sĩ. Năm 2019, Billy Porter đã xuất hiện với bộ cánh dát vàng. Ảnh: Evan Agostini/AP Images.

Met Gala từng được ví von như lễ hội hóa trang của nghệ sĩ. Năm 2019, Billy Porter đã xuất hiện với bộ cánh dát vàng. Ảnh: Evan Agostini/AP Images.

Thông thường, để khách mời có thời gian chuẩn bị, chủ đề Met Gala sẽ được công bố từ trước đó nửa năm - như Met Gala 2020 là tháng 11/2019 cho sự kiện tổ chức vào tháng 5/2020. Do đó, nếu Met Gala 2021 được tổ chức, sự kiện sẽ chỉ có thể diễn ra vào sau tháng 9.

Nhưng một sự kiện xa hoa, hoành tráng như Met Gala không thể gấp rút chuẩn bị xong chỉ trong vòng nửa năm, nhất là giữa hoàn cảnh nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ mắc và tử vong vì Covid-19.

Tốn kém cho một đêm duy nhất

Met Gala là sự kiện thường niên được tổ chức nhằm mục đích gây quỹ cho Viện trang phục Mỹ, trực thuộc Bảo tàng Metropolitan tại New York. Buổi gala cũng đánh dấu lễ khai mạc triển lãm thời trang hàng năm của Viện trang phục.

Met Gala được liệt vào hàng sự kiện nổi bật, xa hoa, hoành tráng tột bậc của giới thượng lưu nói chung và ngành thời trang nói riêng. Nó được ví von như “viên ngọc trên chiếc vương miện của giới thượng lưu New York”.

Để góp mặt trong sự kiện, khách tham dự phải trả tiền mua vé. Và giá trị tấm vé này không hề rẻ. Theo Forbes, năm 1960, một tấm vé tham dự Met Gala được bán với mức giá 100 USD. Quy đổi sau lạm phát, con số này tương đương 830 USD.

Tới năm 2017, tức gần sáu thập kỷ sau đó, giá vé Met Gala là 30.000 USD. Nếu dự tiệc, người tham dự sẽ phải chi ít nhất 275.000 USD. Theo The New York Times, hai năm sau, tức 2019, giá vé tham dự đã tăng lên mức 35.000 USD/người, và dao động từ 200.000 USD tới 300.000 USD nếu người tham gia muốn dự tiệc do Gucci tài trợ.

Khi đã sở hữu tấm vé đắt đỏ, khách tham dự Met Gala sẽ bước vào công cuộc chuẩn bị dài lâu và tốn kém để tạo ra bộ trang phục dạ hội độc đáo, ấn tượng, nổi bật nhưng vẫn phải đúng với chủ đề của chương trình.

Trang Insider đã điểm lại một vài bộ trang phục đắt đỏ từng được mặc lên thảm đỏ Met Gala. Chúng không chỉ gây ngỡ ngàng vì độ “chịu chơi” của nghệ sĩ, mà còn thể hiện sức sáng tạo cũng như tâm huyết các nhà mốt dồn vào các sản phẩm - với giá trị sử dụng có thể chỉ trong một đêm duy nhất.

Jared Leto và món trang sức mô phỏng theo hình dạng đầu và khuôn mặt của mình. Ảnh: Charles Sykes/AP Images.

Theo thống kê của The Cut, trên thảm đỏ Met Gala 2013, một bộ trang phục của nghệ sĩ có mức giá dao động trong khoảng từ 4.495 USD-35.680 USD. Cá biệt, một vài bộ còn vượt xa con số ấy.

Năm 2018, Blake Lively đã diện chiếc váy đỏ, với phần cúp ngực đính đá kết hợp họa tiết thêu tay mất đến 600 giờ để thực hiện, từ Versace kèm món nữ trang của Lorraine Schwart có giá 2 triệu USD. Tại Met Gala 2019, Jared Leto gây ngỡ ngàng vì món phụ kiện là bản sao chiếc đầu của mình từ nhà mốt Gucci. Một chiếc đầu như vậy, do hãng chuyên thiết kế hiệu ứng đặc biệt Makinarium thực hiện cho Gucci, có giá khoảng 11.368 USD.

Sự chú ý và hàng triệu USD cho ban tổ chức

Không chỉ là sự kiện vinh danh thời trang, những người sáng tạo cũng như công chúng chiêm ngưỡng và tôn sùng nó, Met Gala, dưới thời Anna Wintour, còn trở thành nơi gặp gỡ của nhiều nghệ sĩ, doanh nhân, chính trị gia, nhà làm phim…

Xuất hiện tại Met Gala không đơn thuần chỉ là nghệ sĩ trả tiền để đổi lại sự chú ý. Đó còn là cơ hội vàng để một người mở rộng quan hệ với giới thượng lưu thuộc nhiều lĩnh vực.

Donald Trump cầu hôn bà Melania Trump tại sự kiện Met Gala 2004. Ảnh: AP Images.

Met Gala cũng là cơ hội tốt để truyền thông có thêm tin tức về nghệ sĩ. Năm 2004, tại sự kiện Met Gala, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cầu hôn người vợ hiện tại là bà Melania Trump bằng chiếc nhẫn kim cương trị giá 1,5 triệu USD.

Năm 2019, Kanye West và Kim Kardashian đã cùng đến Met Gala nhưng mỗi người một phách. Trên thảm đỏ, trong khi vợ chủ động tiến về phía phóng viên để trả lời phỏng vấn, Kanye West chỉ thờ ơ tránh né.

Phải trả tiền để được góp mặt, lại không mang tính vinh danh thành tựu nghệ thuật của khách tham dự, nhưng mỗi năm, Met Gala vẫn thu hút tài tử, giai nhân đến góp mặt. Theo The New York Times, con số khách tham dự Met Gala 2019 là 550 người.

550 khách tham dự, với mức vé 35.000 USD, điều này đồng nghĩa ít nhất 19 triệu USD đã chảy vào ngân quỹ Viện trang phục Mỹ. Met Gala không hổ danh là một trong những nguồn thu tài chính chủ yếu của Viện thời trang Mỹ.

Từ năm 1995 tới 2019, tổng số tiền Met Gala quyên góp được cho Viện trang phục Mỹ đã cán mốc 200 triệu USD. Đây là con số đáng nể, nếu xét đến việc sự kiện này chỉ được tổ chức mỗi năm một lần, trong vài tiếng đồng hồ của đêm thứ hai đầu tháng 5.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phia-sau-buoi-tiec-thoi-trang-xa-hoa-bac-nhat-the-gioi-post1186276.html