Phía sau ánh hào quang

Cuối cùng, tiền vệ Mesut Ozil cũng nói lời giã từ tuyển Đức sau nhiều năm cống hiến.

Ozil chia tay tuyển Đức

Với những ai yêu mến Ozil hay dành tình cảm cho tuyển Đức, sự việc này không có gì lạ bởi Ozil đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Nhưng phía sau vấn đề chuyên môn là nỗi niềm chất chứa của chàng tiền vệ tài hoa một thời. “Khi chiến thắng tôi là người Đức, khi thất bại tôi là người Thổ Nhĩ Kỳ”. Ozil chua chát phát biểu như vậy khi nó về quyết định chia tay Die Mannschaft. Tất nhiên, đây chỉ là một lát cắt nhỏ trong tất cả những gì Ozil đã trải qua, khi anh mang trong mình dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ.

Đức - một quốc gia tiến bộ, văn minh, đầu tàu kinh tế của châu Âu nhưng trên mảnh đất này vẫn còn tồn tại sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Nó len lỏi vào các trường học, nhà máy, cơ quan, tổ chức giống như một thứ ung nhọt khó bề chữa trị. Thế nên, việc Ozil đối diện với sự phân biệt chủng tộc chẳng phải là gì quá ghê gớm.

Một dịch giả đã từng viết: “Dường như nhiều người Đức đang quá tự mãn với quá khứ huy hoàng, đồng thời cho rằng, sinh ra là người Đức, mang trong mình dòng máu Đức cũng đồng nghĩa với trí tuệ và thành công. Có thể đây cũng là tiền đề cho suy nghĩ: Nước Đức đi xuống là lỗi của người nước ngoài và người nhập cư”. Trong trường hợp của Ozil, nhiều CĐV cho rằng, tuyển Đức sa sút là do lỗi chính của Ozil, người luôn chơi bóng với phong cách “lười nhác”.

Tuyển thủ Thụy Điển Jimmy Durmaz từng bị dọa giết, bị sỉ nhục về nguồn gốc Syria khi anh mắc lỗi gián tiếp khiến đội nhà phải nhận một bàn thua trước đội tuyển Đức tại World Cup 2018. Đúng như Ozil nói, khi chiến thắng, chẳng có chuyện gì xảy ra còn khi thất bại, mọi thứ tồi tệ nhất sẽ đổ lên đầu những cầu thủ như Ozil, Jimmy Durmaz và hàng trăm cầu thủ khác có cùng xuất phát điểm. Ngay cả nhà vô địch thế giới Paul Pogba thổ lộ anh đã từng bị chính CĐV Pháp kỳ thị.

Bóng đá là ngọn cờ đầu trong phong trào bình đẳng giới, chống phân biệt chủng tộc. Nhưng chính trong địa hạt bóng đá, vấn nạn này vẫn khiến những nhà làm bóng đá đau đầu. FIFA đã rất quyết tâm trong việc bài trừ phân biệt chủng tộc nhưng nỗ lực của tổ chức điều hành bóng đá thế giới suy cho cùng cũng chỉ như muối bỏ bể, bịt chỗ này, hổng chỗ kia. Thế nên, dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận sống chung với phân biệt chủng tộc.

Thái Hòa

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phia-sau-anh-hao-quang-d265850.html