Phí thoát nước TP.HCM giải oan lu chống ngập?

Khi mỗi m3 nước gánh thêm cả ngàn đồng tiền… nước thải, chẳng mấy ai dễ dàng nở nổi một nụ cười.

Trong khi cả TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đang oằn lưng chịu cảnh ‘cứ mưa to là ngập’, Sở Xây dựng TP.HCM đã đưa ra một đề xuất… thu hút mọi ánh nhìn. Trong tờ trình UBND TP về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn giai đoạn 2020-2024 thay thế cho phí bảo vệ môi trường (thu theo sử dụng nước sạch), Sở này đã đề xuất giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng).

Dù áp thêm một mức phí lên người dân, các công bộc ngành Xây dựng TP.HCM vẫn không quên so sánh và an ủi. Cứ theo lập luận của Sở này, mức thu phí dịch vụ thoát nước mà người dân tại đầu tàu kinh tế của cả nước có thể phải đóng tương đối thấp so với các địa phương từ Nam chí Bắc. Và kể cả khi đề xuất tại TP.HCM được thông qua trước các tỉnh bạn, gần 2 triệu hộ dân TP.HCM vẫn có thể tự trấn an, rồi đây, gánh trên vai những đồng bạn xa xôi còn nặng nề hơn thế.

Đề xuất “lu chống ngập” gây bão một thời. Ảnh minh họa

Đề xuất “lu chống ngập” gây bão một thời. Ảnh minh họa

Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn và trong trường hợp này, nếu được đóng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trước, người dân TP.HCM sẽ biết ngay, họ sẽ phải chi thêm tiền theo lộ trình nào. Cứ thuận chèo mát mái, năm 2021, mức giá sẽ là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và năm 2024 là 4.237 đồng, tức là cao lần lượt hơn giá khởi điểm từ trên 40% tới tận gần 300% sau 1 – 4 năm. Nhìn vào lộ trình này, tin rằng, các vị công bộc ngành đang có một niềm tin ngút trời xanh về triển vọng tăng thu nhập của hơn 8 triệu người dân trên địa bàn? Thôi thì, dù đúng dù sai, cũng nên cố coi đây là một điều đáng quý.

Câu hỏi quan trọng hơn là khoản tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ được sử dụng như thế nào? Hẳn nhiều người dân TP.HCM nỗ lực hài lòng trong tâm thế “đóng phí là yêu thành phố”, thế nên, điều tối thiểu họ đòi hỏi chỉ là những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của họ được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Ở điểm này, xuất hiện nhiều dấu nghi vấn lớn.

Theo tờ trình của Sở Xây dựng TP.HCM, ngoài 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có), phần tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...

Vậy nhưng, liệu TP.HCM có hết ngập? Những người quan tâm tới chất lượng sống cũng như sự phát triển của đô thị này không thể không biết một thực tế, tình trạng ngập lụt mỗi mưa lớn tại TP.HCM đang được coi như một lẽ “tất dĩ ngẫu”. Trong mùa mưa, với sự xâm nhập của triều cường, câu chuyện “đi bè tránh ngập” được nhắc tới hoàn toàn không theo cách… tiếu lâm.

TP.HCM có thiếu tiền chống ngập hay không? Câu trả lời là có nhưng cũng lại là không. Hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách được lãnh đạo TP.HCM bố trí cho việc chống ngập đang như “muối bỏ bể” vì ngập vẫn hoàn ngập. Người ta buộc phải nghe những lời chẳng dễ lọt tai như máy bơm không chống nổi ngập vì… mưa to quá thiết kế. Đại công trình chống ngập tại TP.HCM vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì… chậm tiến độ, điều khiến dư luận vẫn nghi nghi hoặc hoặc về dự án cả chục ngàn tỷ đồng này. Nếu rót thêm tiền theo cách cũ, hiệu quả đạt được có khả quan hơn hay không?

Là rất hợp lý những ý kiến cho rằng TP.HCM hãy đầu tư chống ngập xong rồi mới nên thu phí, để người dân không phải trả tiền cho một dịch vụ mà họ chưa từng được hưởng. Nhưng ngay cả trong tình huống đó, có công bằng hay không với những người lao động chân lấm tay bùn buộc phải nhịn bớt miệng hỗ trợ thành phố chống ngập khi tất cả các khoản tiền chi cho chống ngập, dù là ngân sách hay nguồn vay viện trợ từ trước tới nay đều đã được tính đếm để dồn xuống đôi vai của họ?

Sự thiếu hợp lý càng bộc lộ rõ khi nhìn vào những nguyên nhân khiến người dân TP.HCM phải chịu cảnh ngập lụt. Theo đó, hiện tượng bê tông hóa, mật độ công trình xây dựng cao, thậm chí, lấn chiếm kênh, rạch... cho các dự án bất động sản khiến đường thoát nước tự nhiên bị chặn. Đề xuất các nhà đầu tư có ý định xây nhà cao tầng phải có nghĩa vụ đóng phí giảm nhẹ tình trạng ngập lụt được một vị đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM đưa ra chưa nhận được sự hồi đáp như mong muốn, một phần bởi lẽ, khi đã là đại gia bất động sản, họ vừa được ưu ái về chính sách, vừa có ưu thế về truyền thông. Lựa chọn thu từ hàng triệu người dân xem ra lại là phương cách dễ dàng hơn?

Đã vậy, vẫn còn một điểm cắc cớ khác không thể không đề cập. Từ tháng 11/2019, giá nước tại TP.HCM được điều chỉnh ở mức cao nhất là 12.100 đồng/m3 đối với mục đích sinh hoạt, 17.900 đồng/m3 nếu ngoài mục đích sinh hoạt. Giá này sẽ tiếp tục tăng vào các năm 2020-2022. Khoản phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt đã được tính trong cơ cấu giá nói trên.

Trong trường hợp TP.HCM thu thêm tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, khoản phí bảo vệ môi trường nêu trên có bị trừ trên giá nước? Lộ trình tăng giá nước có tiếp tục thực hiện? Nếu không minh bạch, đàng hoàng, không loại trừ khả năng người dân sẽ phải gánh chịu phí chồng phí, giá chồng giá… Căn theo phản ánh của báo chí, có vẻ như, tờ trình của Sở Xây dựng TP.HCM chưa nhắc tới vấn đề nêu trên.

Còn nhớ, cách nay cũng xấp xỉ một năm, ý tưởng “dùng lu chống ngập” của một vị nữ Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã nhận được vô khối phản hồi thiếu thiện chí. Có vẻ như, đã có những tràng cười không dứt về giải pháp vội bị quy chụp là thiếu cơ sở khoa học, cảm tính, hay có thể gây nên những hệ lụy như… lu chứa nước sẽ là tổ cho lăng quăng sinh sôi, gây bệnh sốt xuất huyết. Sự thật có hoàn toàn như vậy?

Bỏ qua cả những lời giải thích muộn màng của vị nữ Đại biểu về việc “lu chống ngập” là ý tưởng các chuyên gia của JICA (Nhật Bản) nêu trong chương trình lắng nghe trao đổi, chỉ cần một phút bình tĩnh, suy xét, đề xuất nói trên rõ ràng là hữu lý. Trong khi hạ tầng thoát nước bị quá tải, nếu giảm được lượng nước chảy tràn trên bề mặt, hiện tượng ngập lụt sẽ được giảm thiểu. Đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra rất khốc liệt, sau những ngày dài mưa tầm tã có thể là chuỗi ngày nắng gắt, khô cạn, những phương cách trữ nước phù hợp, tất nhiên, không nhất thiết phải bằng những cái lu, còn giúp đảm bảo đời sống và việc sản xuất của người dân diễn ra bình thường. Tính toán nào sẽ có lợi hơn cho người dân, đóng tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải hay dùng “lu chống ngập”?

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/binh-luan/phi-thoat-nuoc-tphcm-giai-oan-lu-chong-ngap-3417705/