Phi-li-pin: Bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao mới

Ngày 12-10, Tổng thống Phi-li-pin R.Ðu-téc-tê đã bổ nhiệm ông T.Lốc-xin làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông P.Cai-ê-ta-nô, người vừa thông báo kế hoạch chạy đua vào Hạ viện trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2019. Cùng ngày, ông T.Lốc-xin, 69 tuổi, đã xác nhận trên tài khoản mạng xã hội Twitter cá nhân về việc sẽ giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin. Ông T.Lốc-xin, một luật sư, chính trị gia và cựu nhà báo, hiện đang đảm nhiệm chức vụ Ðại sứ Phi-li-pin tại Liên hợp quốc.

I-ta-li-a: Thông qua ngân sách năm 2019

Ngày 11-10, Quốc hội I-ta-li-a đã thông qua các chỉ tiêu ngân sách của chính phủ bất chấp cảnh báo về mức thâm hụt. Dự báo chỉ tiêu ngân sách năm 2019 của chính phủ I-ta-li-a với mức thâm hụt ngân sách 2,4% đã được thông qua, cao hơn nhiều so chỉ tiêu trước đó. Ðảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) thông báo, kế hoạch ngân sách mới sẽ chấm dứt chính sách "thắt lưng buộc bụng" và thúc đẩy đầu tư.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ cảnh báo, I-ta-li-a phải tuân thủ kỷ luật ngân sách của Liên hiệp châu Âu (EU) trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng kế hoạch chi tiêu năm 2019 của chính phủ nước này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tài chính của Rô-ma. EU cũng quan ngại rằng các kế hoạch chi tiêu của I-ta-li-a đang tách rời khỏi những mục tiêu tài khóa đã được nhất trí
của EU.

Ca-na-đa: Siết chặt nhập khẩu thép

Chính phủ Ca-na-đa vừa thông báo sẽ áp dụng chế độ hạn ngạch mới và đánh thuế quan đối với bảy loại thép nhập khẩu. Theo đó, từ ngày 25-10 tới, nước này sẽ áp thuế nhập khẩu thép 25% đối với những trường hợp có mức nhập khẩu vượt quá mức thông thường. Nằm trong diện này có thép tấm nặng, thanh cốt thép, các sản phẩm ống thép năng lượng, thép tấm cán nóng, thép mạ kẽm… Ca-na-đa áp dụng những biện pháp trên trong bối cảnh Oa-sinh-tơn lo ngại rằng một số quốc gia sẽ tuồn nhôm và thép vào Ca-na-đa và biến đây trở thành sân đệm để đẩy hàng vào Mỹ.

Hồi tháng 6-2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã áp thuế trừng phạt đánh vào thép và nhôm nhập khẩu đối với Ca-na-đa và Mê-hi-cô, viện dẫn những lý do về an ninh quốc gia. Mặc dù Ca-na-đa và Mê-hi-cô mới đây đã nhất trí với Mỹ về việc cập nhật Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), nhưng những biện pháp thuế trên hiện vẫn tồn tại.

Áo: Ngăn chặn người nhập cư

Ngày 11-10, Chính phủ Áo thông báo nước này sẽ kéo dài thêm sáu tháng hoạt động kiểm soát tại khu vực biên giới chung với Hung-ga-ri và Xlô-vê-ni-a. Quyết định gia hạn này là một phần của bức thư mà Viên gửi tới Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu. Áo cho biết, hiện còn một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp đang đến và ở lại Áo, khiến tình hình nước này không ổn định.

Trước đó, Thủ tướng Áo X.Cút-dơ kêu gọi sửa đổi Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc, bởi Áo không chấp thuận một số điểm trong hiệp ước. Hiệp ước đề ra 23 mục tiêu để kiểm soát các hoạt động di cư hợp pháp, đồng thời quản lý tốt hơn dòng người di cư toàn cầu trong bối cảnh số người này lên tới 250 triệu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37903602-phi-li-pin-bo-nhiem-bo-truong-ngoai-giao-moi.html