Phi đội Nhật Bản 'hao mòn' vì chặn máy bay TQ, Nga xâm phạm quá nhiều

Các tiêm kích của Nhật Bản phải xuất kích ít nhất 3 lần mỗi ngày để ngăn chặn máy bay lạ tiếp cận không phận, đưa họ trở thành một trong những lực lượng bận rộn nhất thế giới.

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) được đánh giá là một trong những lực lượng không quân bận rộn nhất thế giới. Họ phải hoạt động với tần suất cao mỗi ngày để ngăn chặn nhiều máy bay lạ xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này, Channel News Asia cho biết.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia tự ấn định, đòi hỏi mọi máy bay đi vào vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. ADIZ không đồng nghĩa với không phận, nhưng được xem như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.

Khi máy bay lạ được xác định có hành động thù địch hoặc không phù hợp sẽ buộc phải rời khỏi ADIZ hoặc đối mặt với phản ứng quân sự. Số lượng các vụ xuất kích của JASDF để ngăn chặn máy bay lạ ở ADIZ tăng đều đặn, từ khoảng 300 vụ trong năm 2012 lên đến gần 1.200 vụ vào năm 2016.

Trong năm 2017, số vụ xâm nhập giảm xuống còn 900. 55% các vụ xâm nhập đến từ máy bay Trung Quốc, 43% đến từ máy bay Nga. Cuối quý III năm 2018 đã có 758 vụ xâm nhập, trung bình 3 vụ mỗi ngày.

Phần lớn máy bay Trung Quốc bị ngăn chặn ở ADIZ của Nhật Bản là máy bay chiến đấu, trong khi từ phía Nga chủ yếu là máy bay thu thập thông tin tình báo.

Phi đội F-15 bị "bào mòn"

JASDF đang vận hành khoảng 215 tiêm kích F-15J. Tiêm kích này rất phù hợp cho nhiệm vụ kiểm soát không phận và ngăn chặn tầm xa. F-15J có tốc độ rất nhanh để kịp thời tiếp cận máy bay lạ, phạm vi hoạt động xa, độ tin cậy và khả năng cơ động cao để nhận dạng trực quan các mục tiêu trên không.

2 tiêm kích F-15J của Nhật Bản xuất kích trong một nhiệm vụ ngăn chặn. Ảnh: AFP.

2 tiêm kích F-15J của Nhật Bản xuất kích trong một nhiệm vụ ngăn chặn. Ảnh: AFP.

Kể từ năm 2016, JASDF thường xuất kích 4 máy bay cho mỗi đợt ngăn chặn. Hai tiêm kích bay phía trước để nhận dạng trực quan mục tiêu. Hai máy bay phía sau để kiểm soát bất kỳ máy bay xâm nhập bổ sung nào cố gắng can thiệp.

Các vụ ngăn chặn cũng có thể sử dụng máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không E-2C để phối hợp, kiểm soát không phận và tránh bất ngờ về chiến thuật. JASDF rất coi trọng việc ngăn chặn hàng ngày.

Tuy vậy, những đợt xuất kích ngăn chặn hàng ngày này đang bào mòn phi đội F-15J của Nhật Bản. Trung Quốc có lượng máy bay chiến đấu gấp 6 lần so với JASDF và có thể tăng cường xâm nhập bất kỳ lúc nào họ cảm thấy phù hợp.

Tuổi thọ phi đội F-15J của Nhật Bản gần như phụ thuộc vào Trung Quốc. Giải pháp đơn giản nhất có thể là giảm số lượng máy bay cho mỗi đợt xuất kích, nhưng đó sẽ là một sự thay đổi chiến lược lớn.

Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến lược chia nhỏ các hành động để tăng cường sức mạnh và giành quyền kiểm soát thực tế trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp, tương tự như cách Bắc Kinh đã làm ở Biển Đông. Nỗi lo lắng này khiến Nhật Bản tin rằng họ cần liên tục thể hiện quyết tâm duy trì chủ quyền lãnh thổ.

Đối với Nhật Bản, một phản ứng hữu hình trước mọi sự xâm nhập của Trung Quốc là điều cần thiết. Ngược lại, các hành động do thám của Nga liên quan đến liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản chứ không ảnh hưởng đến toàn vẹn lãnh thổ của Tokyo.

Áp lực thay thế F-15J

Phi đội F-15J của Nhật Bản đang ngày một già đi, việc thay thế trở thành một vấn đề quan trọng. Giữa tháng 12/2018, chính phủ Nhật Bản đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi tuyên bố sẽ mua 105 tiêm kích tàng hình F-35A/B để thay thế một nửa phi đội F-15J không thể nâng cấp.

Trước đó, Nhật Bản đã đặt hàng 42 chiếc F-35A để thay thế cho phi đội F-4EJ lạc hậu. Nhật Bản chịu áp lực chính trị mạnh mẽ từ Mỹ trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại song phương nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước. Việc Tokyo mua rất nhiều F-35 sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại, qua đó giảm được áp lực từ Washington.

F-35A của Nhật Bản trong một chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: Lockheed Martin.

Tokyo cũng đồng ý mua các máy bay khác của Mỹ, gồm 9 máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-2D. Tuy vậy, Nhật Bản phải phụ thuộc vào sự trợ giúp tài chính của Mỹ trong việc mua 105 chiếc F-35, thông qua hình thức bán lại số tiêm kích F-15J cũ cho một số nước khác, có thể là ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy vậy, việc đưa F-35 vào hoạt động lại phát sinh thêm một số vấn đề. Không giống F-15J, F-35 được thiết kế để trở thành máy bay tấn công. Do đó, khung máy bay F-35 thiếu độ bền, khả năng cơ động hạn chế cho nhiệm vụ kiểm soát không phận. Ngoài ra, chi phí vận hành F-35 cao hơn nhiều so với F-15J.

Bên cạnh đó, việc sử dụng F-35 hàng ngày cho nhiệm vụ ngăn chặn máy bay Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng đến đặc tính kỹ thuật của nó. Chắc chắn Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường thu thập đặc tính kỹ thuật, tín hiệu tình báo của bất kỳ chiếc F-35 nào được cử đi làm nhiệm vụ ngăn chặn.

Nhưng đối với tình hình hiện tại của Nhật Bản, 42 chiếc F-35B cất cánh thẳng đứng có thể là phiên bản hữu ích nhất nhằm kiểm soát không phận trong thời bình. Naha, căn cứ F-15J gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất, cách quần đảo 400 km. Trong khi đó, sân bay nhỏ trên đảo Shimoji, nơi có thể triển khai hoạt động F-35B, cách chỉ 200 km.

Các nhiệm vụ bay từ Shimoji sẽ giảm một nửa thời gian để ngăn chặn máy bay Trung Quốc hoạt động xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Đây hẳn là thời gian bận rộn đối với JASDF, một phần trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực mới.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phi-doi-nhat-ban-hao-mon-vi-chan-may-bay-tq-nga-xam-pham-qua-nhieu-post934833.html