Phi công huyền thoại người Anh và chiến tích cuộc đời

Anh hùng chiến tranh Douglas Bader thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) là một phi công máy bay chiến đấu đặc biệt. Anh mất cả hai chân và phải dùng chân giả.

Sự nghiệp lẫy lừng trên đôi chân thiếc

Phi công Douglas Bader cạnh máy bay của mình vào tháng 10/1940. Ảnh: Getty Images

Phi công Douglas Bader cạnh máy bay của mình vào tháng 10/1940. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, Bader phải cắt hai chân sau một tai nạn bay vào ngày 14/12/1931. Khi là một phi công nhào lộn của RAF, anh đã lái chiếc máy bay hai tầng cánh Bristol Bulldog và thực hiện một động tác bay ở tầm thấp theo lời thách thức của đồng nghiệp. Hậu quả là máy bay của Bader đã gặp nạn.

Do bị thương nên chân phải của Bader bị cắt ngay lập tức và chân trái bị cắt vài ngày sau. Bader mô tả đơn giản vụ tai nạn: “Đâm xuống khi lộn vòng tốc độ chậm ở gần mặt đất. Màn trình diễn tồi”. Khi đó, Bader 21 tuổi.

Mặc dù suýt chết vài ngày sau tai nạn, viên phi công trẻ tuổi sớm thể hiện bản lĩnh và sự kiên cường. Anh đề nghị lắp đôi chân giả làm bằng thiếc. Bader quyết tâm hoạt động trên đôi chân mới, vượt qua cơn đau do chiếc chân giả gây ra và tham gia các buổi trị liệu với bác sĩ.

Bader đã đứng dậy trên đôi chân thiếc chỉ sáu tháng sau vụ tai nạn thảm khốc. Anh có thể lái xe và tập khiêu vũ. Anh cũng cho thấy mình có thể tiếp tục lái máy bay. Tuy nhiên, ban y tế của RAF cho rằng Bader không phù hợp làm phi công nữa. Bader đã xin việc trong công ty dầu châu Á mà về sau là tập đoàn Shell.

Khi chiến tranh thế giới sắp nổ ra ở châu Âu năm 1939, Bader thỉnh cầu được trở lại RAF và lái máy bay chiến đấu. Bader rất háo hức, phấn khích mong chờ ra trận và cho rằng RAF sẽ phải cần đến mình. Bader đã đúng. Vào ngày 3/9/1939, nước Anh tuyên chiến với Đức Quốc xã. Năm tháng sau, Bader đã lái chiếc máy bay chiến đấu biểu tượng Supermarine Spitfire.

Vào đầu tháng 6/1939, Bader đã có chiến thắng đầu tiên trong chiến đấu khi bắn hạ một máy bay Đức trên bầu trời Pháp. Sau vài tuần ngắn ngủi, Bader được giao nhiệm vụ chỉ huy phi đội 242, nhóm gồm phần lớn phi công Canada được điều tới Pháp. Hàng ngũ của phi đội Canada đã rối loạn sau khi thoái lui vội vã về Anh. Khi phi đội 242 tới Anh, chỉ huy lúc đó còn không báo cáo lãnh đạo RAF.

Đưa 242 trở lại hành động là nhiệm vụ hoàn hảo dành cho Bader. Anh ngay lập tức cải tổ phi đội, tập trung vào nâng cao kỹ năng bay, làm việc nhóm và lòng tự tin cho phi công. Quyết tâm của Bader đã mang đến thành công cho phi đội 242. Chiến công lớn đầu tiên của phi đội diễn ra vào ngày 30/8 khi họ bắn hạ được 12 máy bay Đức, trong đó Bader bắn hạ 2 chiếc. Toàn phi đội trở thành một trong những phi đội có uy tín nhất trong lực lượng không quân.

Trong trận không chiến tại Anh quốc (Battle of Britain), RAF đã đánh bại không quân Đức và khiến kế hoạch xâm lược Anh của Adolf Hitler bất thành vì không thể kiểm soát bầu trời. Bader được công nhận là một trong những anh hùng của trận không chiến. Cuối năm 1940, phi đội của Bader đã bắn hạ 67 máy bay kẻ thù mà chỉ mất 5 phi công.

Bader cũng xây dựng thuyết “Big Wing” (tạm dịch: Cánh lớn) trong thời gian này. Theo đó, nhiều phi đội cùng cất cánh, hình thành đội hình và cùng tấn công quân Đức. Ý tưởng này đã khiến Bader xung đột với các sĩ quan khác trong bộ tư lệnh máy bay chiến đấu của RAF và vẫn gây tranh cãi trong các sử gia quân sự tới tận ngày nay. Nhưng trong chiến đấu, cách đánh này mang lại chiến thắng cho RAF và giúp xây dựng hình ảnh mới cho Bader, giúp anh trở thành anh hùng dân tộc.

Tù binh chiến tranh của người Đức

Bader (giữa hàng trên) đứng cạnh các thành viên phi đội 242 năm 1940. Ảnh: Getty Images

Vào mùa xuân 1941, RAF tấn công trên không, đưa nhiều đội hình máy bay ném bom thực hiện sứ mệnh ban ngày trên bầu trời châu Âu. Máy bay của Bader và các máy bay chiến đấu khác bay theo, sẵn sàng tấn công máy bay chiến đấu Đức xuất hiện. Ngày 8/8/1941, máy bay Bader bị bắn hạ trên bầu trời Pháp khi thực hiện một trong các sứ mệnh trên. Báo cáo ban đầu cho thấy máy bay anh va chạm với máy bay Đức, nhưng về sau, điều tra cho thấy có thể máy bay của Bader bị bên cùng phe bắn nhầm.

Bader được cứu thoát và đôi chân giả có lẽ đã cứu mạng anh. Chiếc chân phải mắc vào máy bay Spitfire sau khi bị trúng đạn. Bader kể lại: “Chân phải tôi không còn gắn vào cơ thể nữa… Chiếc dây da gắn nó với cơ thể tôi bị đứt và cái chân, chiếc máy bay Spitfire cùng tôi văng đi ba nơi”.

Trên mặt đất, viên phi công không chân rơi vào tay người Đức. Cuộc không chiến của Bader kết thúc. Giờ anh là tù binh của kẻ thù. Chúng tìm lại chân giả bên phải cho Bader trong đống mảnh vụn máy bay, sửa và lắp lại cho Bader trong một bệnh viện dành cho tù binh chiến tranh ở nước Pháp bị chiếm đóng.

Đây là sai lầm của người Đức. Bader nhanh nhóm tìm cách trốn thoát. Anh buộc ga trải giường vào để leo xuống từ cửa sổ bệnh viện và trốn vào ngôi làng gần đó với sự hỗ trợ của quân kháng chiến Pháp.

Viên phi công người Anh là tù binh quý giá với người Đức nên Bader đã bị truy tìm và bị phát hiện tại nhà một gia đình địa phương đã cho anh ở và che giấu anh. Trong tù, Bader dùng chân giả để đào cát và đất, tạo thành đường hầm để lên kế hoạch trốn thoát. Bader cũng dùng chân giả để mang thức ăn do người dân bên ngoài cho vào nơi giam giữ.

Thời gian này, Bader đã quen thân với một người trong hàng ngũ kẻ thù là phi công Adolf Galland – người sau này là bạn lâu năm của anh. Thông qua Hội Chữ thập đỏ Quốc tế, chính Galland đã đề nghị cho phép một máy bay thả chân giả để thay cho Bader.

Cuối cùng, phía Đức mệt mỏi, chán ngấy việc phải đối phó với những âm mưu trốn thoát của Bader và đưa anh tới Colditz - lâu đài trên đỉnh đồi là nơi chúng giam các tù nhân dễ trốn thoát. Bader ở đó cho tới khi Colditz được người Mỹ giải phóng năm 1945.

Bader đã trở thành huyền thoại ở Anh với chiến công bắn hạ 22 máy bay Đức. Khi chiến tranh kết thúc, Bader đứng thứ 5 trong đội ngũ phi công RAF xét về số lượng máy bay kẻ thù đã bắn hạ.

Sau chiến tranh, Bader được chọn làm người chỉ huy đội hình 300 máy bay thực hiện lễ kỷ niệm trận Battle of Britain trên bầu trời London. Một năm sau, anh rời RAF, trở về công ty Shell để lái máy bay của công ty và cuối cùng được giao nhiệm vụ quản lý đơn vị hàng không của công ty.

Bader đã dùng tiếng tăm của mình để hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người khác, tham gia nhiều quỹ từ thiện. Anh thường gửi thư động viên những người mất chân, có khi còn tới tận nơi thăm họ. Anh từng nói: “Đừng nghe bất kỳ ai bảo rằng bạn không thể làm cái này, cái kia… Đừng bao giờ để ai khiến bạn nghĩ rằng việc này quá khó hoặc bất khả thi”. Nữ hoàng Anh Elizabeth đã phong tước Hiệp sĩ cho Bader vào năm 1976 vì sự tận tâm dành cho người khuyết tật. Ông chết vì đau tim năm 1982.|

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/phi-cong-huyen-thoai-nguoi-anh-va-chien-tich-cuoc-doi-20200914163524237.htm