Phi công đột tử, xử lý thế nào để đảm bảo an toàn chuyến bay?

Tiêu chuẩn quy định sức khỏe cho phi công là vô cùng khắt khe, tuy nhiên vẫn có trường hợp phi công đột quỵ, đột tử. Vậy trong lúc phi công đột tử không thể điều khiển chuyến bay thì làm thế nào để đảm bảo an toàn?

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay Cục Hàng không, đồng thời là một phi công cho biết, Tiêu chuẩn và quy trình quản lý sức khỏe phi công khắt khe. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp phi công đột quỵ hoặc tâm lý bất thường khi máy bay đang trên không trung. Những bất thường trong hoạt động của phi công có thể bắt nguồn từ lý do sức khỏe, yêu tố tâm lý (như cãi nhau với vợ con, người thân trong gia đình phi công gặp tai nạn…).

Ông Hồ Minh Tấn (bên phải) trong một buổi thực hành mô phỏng. Ảnh báo Tiền Phong

Tại Việt Nam, sức khỏe phi công phải tuân thủ theo Thông tư liên tịch Quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên hàng không và điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện việc khám sức khỏe cho nhân viên hàng không (Thông tư 18/2012/TTLT –BYT – BGTVT). Yêu cầu đối với sức khỏe của phi công cao nhất trong các nhân viên ngành hàng không. Theo quy định, phi công phải có chế độ luyện tập, giữ gìn sức khỏe, phải khám định kỳ sức khỏe 1 năm/lần đối với người dưới 40 tuổi và 6 tháng/lần đối với người trên 40 tuổi.

Hơn nữa, những quy định về sức khỏe của phi công bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tại Việt Nam chỉ có 2 cơ sở được phê chuẩn khám sức khỏe phi công là Trung tâm Y tế hàng không (thuộc Cục Hàng không Việt Nam) và Viện Y học Hàng không (thuộc Quân chủng Phòng không không quân).

Liên quan đến trường hợp của cơ trưởng của hãng hàng không Mandarin (Đài Loan) đột tử ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) ngày 28-3 vừa qua, khi kiểm tra giấy chứng nhận sức khỏe và bằng lái do cơ quan chức ăng cấp vẫn còn hạn xử dụng.

Vì vậy, trong công tác huấn luyện, đào tạo phi công trên toàn thế giới đã bắt buộc mỗi phi công đều phải trải qua bài huấn luyện với tình huống bản thân mình bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe khi đang lái máy bay và phải thực hiện nhiều thao tác theo quy trình để vượt qua thời khắc đó, đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay. Tình huống đặt ra đối với cả tổ lái 1 người và 2 người. Trong đó đối với chuyến bay chỉ có duy nhất 1 phi công thì khối lượng công việc cũng như áp lực nhiều hơn.

Theo báo Người lao động thông tin, theo quy trình xử lý khi phi công mất năng lực làm việc vào thời điểm máy bay đang bay, người lái còn lại phải thực hiện điều khiển máy bay. Đồng thời gọi tiếp viên trưởng lên cùng phối hợp. Nếu thấy phi công gặp vấn đề sức khỏe có diễn biến sức khỏe không thuận lợi thì phải tiến hành kéo lùi ghế lái và buộc chằng phi công đó lại bằng các thiết bị có sẵn để dễ dàng kiểm soát. Người chỉ huy máy bay sẽ phải liên hệ với mặt đất để xin quay đầu hoặc xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay gần nhất để xử lý tình huống. Nếu trong trường hợp khẩn cấp tổ lái chỉ có 1 người thì phi công phải thông báo cho tiếp viên và tiếp viên phải tìm kiếm sự trợ giúp của các hành khách.

Dễ dàng xử lý hơn nếu tình huống xảy ra ở mặt đất. Lúc đó, hãng hàng không sẽ có những biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Đồng thời bố trí người lái thay thế để chuyến bay có thể được khai thác sớm nhất. Việc điều tổ lái thay thế diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào vị trí sân bay xảy ra sự cố ở xa hay gần và có phải sân bay căn cứ của hãng hàng không đó hay không.

Hoàng Yến (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/truong-hop-dang-bay-phi-cong-bat-ngo-dot-tu-xu-ly-nhu-the-nao-de-dam-bao-an-toan-d141162.html