Phi công Công Phương Thảo và chuyến bay định mệnh

Chuyến bay đầu tiên của phi công tài hoa Công Phương Thảo với chuyên gia Liên Xô Poyarkov trên chiếc UMiG-21 mang theo nhiều kỳ vọng cho bạn cùng trang lứa, nhưng…

Tối 2-3, qua các đồng đội cũ ở Trung đoàn không quân 921, Pháp Luật TP.HCM đã lần tìm đến gia đình liệt sĩ, phi công Công Phương Thảo. Trong một ngõ nhỏ gần đình Phú Gia, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội là mảnh đất của họ Công Văn- một chi họ Công lớn của vùng này.

Người con của liệt sĩ chống Pháp

Tiếp chúng tôi bên bàn trà, ngay trong gian thờ gia đình, ông Công Văn Mão, người thờ cúng liệt sĩ Công Phương Thảo, chậm rãi kể về cậu em trai con chú. “Bố chú Thảo là em ruột cha tôi. Chú ấy sinh năm 1948 thì chưa đầy hai năm sau bố hy sinh, giờ phần mộ nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch. Rồi hơn năm sau bà mẹ cũng đi theo… Bố mẹ tôi nhận chú Thảo về nuôi như con đẻ trong nhà”.

Là con út trong gia đình năm người con, hình ảnh sau gần nửa thế kỷ của ông Mão về em họ hơn mình 14 tuổi là một người cao lớn, đẹp trai. Nhà đông con, lại khó khăn nên vừa học xong lớp 10/10, năm 1966, Công Phương Thảo đi làm công nhân nhà máy bóng đèn. Được mấy tháng thì quân đội về khám tuyển sức khỏe đi học phi công ở Liên Xô.

“Hồi ấy cả xã có hai người trúng phi công thì Thảo là phi công tiêm kích, anh kia lái trực thăng. Thế nên cha mẹ và cả bọn trẻ như tôi vinh dự lắm, oách lắm”.

Giới thiệu tấm ảnh lớn, dưới có dòng chữ “Đoàn bay tại Liên Xô 1967-1970”, ông Mão kể cuối năm 1970, Công Phương Thảo về nước. Đóng quân trên căn cứ Đa Phúc, nay là sân bay Nội Bài, lâu lâu được về thăm nhà. Năm ấy anh phi công trẻ có một Tết đầm ấm với gia đình…

Học viên xuất sắc

Trong tấm ảnh tập thể ấy, hàng ngồi có một học viên tên Nguyễn Khánh Duy. Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM trong căn nhà cách Bảo tàng Không quân mấy bước chân, cựu phi công 72 tuổi vẫn ấn tượng với cậu bạn đồng học Công Phương Thảo: “Cậu ấy bay giỏi lắm!”.

Ông Duy ở huyện Hoài Đức, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), cùng trúng tuyển một đợt học phi công với Công Phương Thảo. Cùng chung chuyến tàu liên vận qua Trung Quốc, sang Liên Xô học phi công hơn 100 học viên, đến cuối khóa chỉ có 25 anh em tốt nghiệp phi công phản lực (trong tấm ảnh tập thể là 27, bao gồm cả một trưởng đoàn học viên và một giáo viên Liên Xô).

Sau những đợt sàng lọc gắt gao, đoàn học viên Việt Nam, phiên hiệu đoàn bay 358, được đưa về chung một phi đội, cùng ăn ở, sinh hoạt, học tập dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, vô tư, đúng tinh thần quốc tế vô sản của những người thầy - chuyên gia Liên Xô.

Trong trí nhớ ông Duy, cậu bạn Công Phương Thảo là một học viên xuất sắc: “Bọn mình đầu tiên học lái L-29, máy bay phản lực huấn luyện, tốc độ cận âm, gần bằng MiG-17. Sau khi vững rồi thì được chuyển thẳng lên học bay MiG-21. Đây là lớp thứ hai của ta được học thẳng lên loại máy bay hiện đại này, còn trước đó chỉ được học MiG-17 hoặc qua MiG-17 mới tiếp tục lên MiG-21. Hồi đấy Liên Xô có MiG-23 rồi nhưng bọn tôi chưa bao giờ thấy cả. Họ vẫn giữ bí mật lắm…

Người thân của phi công Công Phương Thảo - ông Công Văn Mão (trái) chia sẻ nhiều câu chuyện với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ảnh kỷ niệm đoàn bay tại Liên Xô (Đoàn 358, khóa 1967-1970). Liệt sĩ Công Phương Thảo hàng đứng, thứ sáu từ trái sang; hàng ngồi, thứ hai trái sang là đồng đội Nguyễn Khánh Duy. (Ảnh do gia đình liệt sĩ Công Phương Thảo cung cấp)

Niềm hy vọng của lớp phi công trẻ

Nhưng đấy mới chỉ là tấm bằng phi công cơ bản. Về nước tháng 10-1970, công việc đầu tiên của những phi công trẻ đang háo hức ra trận là phải huấn luyện mặt đất. Đấy là những tháng ngày học chính trị, tập luyện thể lực, làm quen với môi trường khí hậu quê nhà khác xa với nước bạn. Rồi các phi công trẻ làm quen với các cơ sở vật chất dưới đất như đường băng, sân đỗ, khu hậu cần kỹ thuật. Vừa ôn luyện lại lý thuyết vừa nghiên cứu địa hình, khí hậu các khu vực bay lân cận.

Trong điều kiện thời chiến, lớp phi công đàn anh vừa phải trực chiến, vừa tranh thủ thời gian kèm cặp, hướng dẫn lớp đàn em. Máy bay huấn luyện là loại hai chỗ ngồi, một cho thầy, một cho trò, ký hiệu UMiG-21 (MiG-21 là tiêm kích chiến đấu, một chỗ ngồi) lại không nhiều nên mọi người cứ phải đợi, xếp hàng chờ bay.

Trong hoàn cảnh ấy, các nguyên tắc ưu tiên như hồi ở Liên Xô cũng được áp dụng. Công Phương Thảo với thành tích huấn luyện giỏi, được chọn làm người đầu tiên trở lại bầu trời dưới sự kèm cặp của chuyên gia Poyarkov Yuri Nikolaevich.

“Đấy là chuyến bay đầu tiên của Thảo sau khi về nước, cũng là bài tập bay thực tế đầu tiên của chúng tôi trong quá trình huấn luyện để từ phi công cơ bản thành phi công chiến đấu. Trong nghề gọi là bài tập bay làm quen: Quen địa hình, quen khí hậu, cũng là làm quen trở lại với máy bay mà sau một thời gian dài huấn luyện mặt đất, anh em phi công bị dãn cách bay phải làm quen trở lại” - cựu phi công Nguyễn Khánh Duy kể.

Vậy nên chuyến bay đầu tiên của Thảo với chuyên gia Poyarkov mang theo nhiều kỳ vọng cho bạn cùng trang lứa.

Khoảng 10 giờ sáng 30-4-1971, chiếc UMiG-21 cùng Thảo và người chuyên gia Liên Xô mang theo kỳ vọng ấy lên bầu trời. Nhưng hơn 30 phút sau, quá thời gian kế hoạch, không thấy trở về…

“Tàu bay của Thảo mất tích. Tin dữ loang ra. Cả Trung đoàn 921 hoang mang, nhất là lớp phi công trẻ chúng tôi, đang háo hức tập luyện để sớm bảo vệ vùng trời Tổ quốc” - giọng ông Duy chùng xuống…

Người thầy của anh hùng Phạm Tuân

Trên số báo hôm qua, chúng tôi đã giới thiệu về vụ mất tích của máy bay UMiG-21 từ năm 1971 cùng hành trình tìm kiếm thông tin liên quan trong thời gian vừa qua. Trên chuyến bay ấy có hai phi công là anh Công Phương Thảo và chuyên gia Liên Xô, Đại úy Poyarkov Yuri Nikolaevich.

Ông Poyarkov là một trong nhiều phi công giỏi được chính phủ Liên Xô cử sang hỗ trợ không quân Việt Nam. Ông là thầy bay kèm trực tiếp cho cả thế hệ phi công đàn anh của Công Phương Thảo. Trong số đó có anh hùng Phạm Tuân, một phi công xuất sắc của MiG-17 được chọn để chuyển loại lên MiG-21 hiện đại hơn.

(Còn tiếp)

NGHĨA NHÂN - PHAN TUYẾN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/phi-cong-cong-phuong-thao-va-chuyen-bay-dinh-menh-758135.html