Phi công bay qua Đồng Nai 'thót tim' vì tia laser

Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết đã xảy ra 46 vụ chiếu đèn laser vào buồng lái khi máy bay bay qua bầu trời tỉnh Đồng Nai.

“Phi công “thót tim” vì bị chiếu tia laser vào buồng lái khi bay qua Đồng Nai” - ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam (Cục Hàng không Việt Nam), đã cảnh báo như vậy tại hội nghị trao đổi các giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động bay đi, đến Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất qua địa phận tỉnh Đồng Nai. Hội nghị do UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam tổ chức ngày 28-11.

Vị trí nào chiếu laser nhiều nhất?

Theo báo cáo của Cảng vụ hàng không miền Nam, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất trung bình một ngày có 672 chuyến bay cất hạ cánh (CHC). Trong đó trên bầu trời một số huyện và TP Biên Hòa, Đồng Nai có khoảng 350 chuyến bay bay qua.

Ông Tuấn cho biết năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra một số hành vi uy hiếp an toàn khi máy bay đang hoạt động tại các khu vực hai đầu đường CHC CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó có 46 vụ chiếu đèn laser vào buồng lái. Thời điểm xảy ra các hành vi chiếu đèn laser vào khoảng 19 giờ 30 trở về khuya.

Theo phản ánh của phi công một số hãng hàng không, khi máy bay hạ thấp độ cao xuống 1.000 m để vào khu vực phễu bay (phễu bay, tiếng Anh: flying funnel, là khoảng không gian giới hạn các vật cản phía đầu và phía cuối đường cất cánh, hạ cánh để đảm bảo an toàn cho máy bay - PV) tiếp cận đường CHC sân bay Tân Sơn Nhất thì bị chiếu đèn laser vào buồng lái phi công. Vị trí chiếu laser cách đường CHC trong khoảng 9 km đến 24 km, chủ yếu nằm trong khu vực dọc theo đường bay từ địa phận tỉnh Đồng Nai qua thị xã Dĩ An về TP.HCM.

Từ thực tế này, phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cảnh báo: “Hiện tượng thả vật thể bay, máy bay không người lái, chiếu tia laser xảy ra khi máy bay đang hoạt động trong giai đoạn CHC hoặc tiếp cận vùng phễu bay sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành máy bay của phi công, uy hiếp an toàn máy bay”.

Vị trí chiếu laser thường xuất hiện dọc theo đường bay từ địa phận tỉnh Đồng Nai qua thị xã Dĩ An về TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Vị trí chiếu laser thường xuất hiện dọc theo đường bay từ địa phận tỉnh Đồng Nai qua thị xã Dĩ An về TP.HCM. Ảnh: P.ĐIỀN

Tập trung truy xét

Từ những hành vi chiếu tia laser uy hiếp đến an toàn bay, thời gian qua UBND tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai và Cảng vụ hàng không miền Nam đã phối hợp xác minh các vụ việc liên quan từ phản ánh của phi công. Cá biệt là vụ máy bay A321 của VietJet (chặng bay Hà Nội - TP.HCM) khi hạ thấp độ cao xuống 550 m thì xuất hiện một vật thể bay suýt va vào cánh phải máy bay.

Theo Đại tá Lý Trung Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, tình trạng sử dụng laser, đèn chiếu công suất lớn và các thiết bị bay trong các sự kiện chính trị, lễ hội, chương trình văn hóa văn nghệ và cá nhân sử dụng thiết bị bay ngày càng nhiều và khó kiểm soát dù theo quy định buộc phải được cấp phép.

“Với các vụ việc xảy ra vừa qua trên địa bàn, cơ quan công an đã tập trung truy xét nên số vụ chiếu laser, ánh sáng mạnh, sử dụng thiết bị bay ảnh hưởng đến an toàn các chuyến bay giảm đáng kể” - ông Dũng chia sẻ.

Đại tá Dũng đề xuất Cảng vụ hàng không miền Nam cần phối hợp với tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, các tổ chức thấy sự nguy hiểm của các hành vi này đối với các chuyến bay, tính mạng con người và tài sản.

Hạ cánh phải bay qua tỉnh Đồng Nai

Theo quy định về quản lý hoạt động bay, bất kể các chuyến bay trong nước hay quốc tế khi đến CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đều phải bay qua vùng địa phận tỉnh Đồng Nai. Tùy từng loại máy bay, thông thường máy bay khi bay qua địa phận các huyện Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom, TP Biên Hòa thường ở độ cao 4.500 m giảm dần xuống còn dưới 650 m nằm cách khu vực xã Long Hưng, Đồng Nai để vào trục đường CHC và hạ xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Tia laser chiếu vào buồng lái sẽ khiến phi công giật mình, phân tâm, bị gián đoạn kiểm soát máy bay. Với tia laser cường độ mạnh có thể tổn hại mắt. Theo ghi nhận, khu vực cầu Đồng Nai thường xảy ra các mối nguy hại từ việc chiếu tia laser. Còn vật thể bay có thể khiến kính chắn gió vỡ, động cơ bị hỏng hóc, thậm chí nổ động cơ.

Phi công NGUYỄN THANH HẢI, cơ trưởng máy bay A320 của Vietnam Airlines

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/giao-thong/phi-cong-bay-qua-dong-nai-thot-tim-vi-tia-laser-805358.html