Phi công 300 giờ bay của Việt Nam hạ gục chuyên gia diệt MiG

Một đại tá phi công nổi tiếng với 4200 giờ bay, quyết tâm sang Việt Nam để đi săn lùng các máy bay MiG, nhưng ngay chuyến bay đầu tiên đã bị hạ bởi một phi công MiG-17 trẻ tuổi.

Trong chiến tranh Việt Nam, mặc dù với nhiều máy bay hiện đại và kinh nghiệm bay phong phú, nhưng nhiều phi công Mỹ vẫn thảm bại, khi đối đầu với phi công Việt Nam. Tiêu biểu nhất là chuyên gia săn MiG, bị bắn hạ ngay trong lần đầu tiên thực chiến, đối mặt với loại máy bay "cổ lỗ" MiG-17.

Trong chiến tranh Việt Nam, mặc dù với nhiều máy bay hiện đại và kinh nghiệm bay phong phú, nhưng nhiều phi công Mỹ vẫn thảm bại, khi đối đầu với phi công Việt Nam. Tiêu biểu nhất là chuyên gia săn MiG, bị bắn hạ ngay trong lần đầu tiên thực chiến, đối mặt với loại máy bay "cổ lỗ" MiG-17.

Vị "chuyên gia săn MiG" đó chính là đại tá phi công Norman C. Gaddis, hiệu trưởng trường Cao đẳng đào tạo sĩ quan không quân Mỹ, còn người đã hạ gục ông trên bầu trời miền Bắc Việt Nam là trung úy phi công Ngô Đức Mai.

Được phong là "chuyên gia diệt MiG", với quân hàm đại tá, thâm niên 20 năm làm phi công với 4.200 giờ bay. Có trong mơ Norman C. Gaddis cũng không thể tin được, mình lại bị hạ bởi một phi công chỉ có "nhõn" 300 giờ bay.

Norman C. Gaddis sau khi tốt nghiệp phi công, ông được biên chế hoạt động tại căn cứ không quân Luke và điều khiển tiêm kích cánh quạt P-40 và P-51. Ông là một phi công nhiều kinh nghiệm, từng tham gia bay ở Tây Đức, bay vượt Thái Bình Dương, lái thành thạo hàng chục loại máy bay, từ động cơ cánh quạt cho tới máy bay phản lực.

Với thành tích dày dạn đó, Norman được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, trường Cao đẳng sĩ quan tham mưu không quân cao cấp từ năm 1960. Tại đây, ông làm công tác đào tạo phi công chiến đấu, chuyên ngành diệt tiêm kích MiG của Liên Xô.

Trong các buổi lên lớp phi công, Norman đánh giá thấp các phi công Mỹ tại Việt Nam, chỉ trích họ không biết khai thác tính năng của các loại máy bay hiện đại như F-4, F-105 trước các máy bay MiG dưới cơ. Ông ta đưa ra hàng trăm điểm yếu của MiG, yêu cầu họ đánh trúng vào những điểm yếu đó để chiến thắng.

Cụ thể, tiêm kích F-4 phantom là loại phi cơ hiện đại bậc nhất thời đó, bắt đầu được biên chế từ năm 1963. Ra mắt lần đầu vào năm 1958, F-4 là loại máy bay ném bom tầm xa hai chỗ ngồi, có tốc độ tối đa 2,23 Mach được trang bị tên lửa đối không AIM-7 hoặc AIM-9.

Trong khi chiến đấu cơ MiG-17 ra đời sớm hơn F-4 một thập kỷ và cũng lạc hậu hơn, được đưa vào biên chế từ năm 1952. Nếu so tính năng chiến đấu với F-4, MiG-17 lép vế hoàn toàn. Tốc độ của MiG-17 chỉ đạt cận âm và không được trang bị tên lửa. Vũ khí chính chỉ là 1 pháo 37mm và 2 pháo NR-23 23mm - tương đương với các loại máy bay tiêm kích cánh quạt đời cuối.

Tuy nhiên những bài giảng trên giảng đường của Norman, không giúp ích được nhiều cho các phi công F-4, F-105 tại chiến trường Việt Nam, số lượng phi công bị bắt ngày một tăng lên. Chính vì thế Norman phải đích thân sang Việt Nam để thực hành cách diệt MiG, kiểm chứng lại "giáo án" của mình.

Bộ Quốc phòng Mỹ giao trọng trách cho Norman xem xét chiến thuật của Không quân Mỹ tham chiến ở bầu trời miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt là nghiên cứu cách đánh của máy bay MiG của Việt Nam, tìm ra cách tiêu diệt hiệu quả các loại MiG rồi quay về báo cáo cho Washington.

Tháng 11/1966, Norman đến Việt Nam với tư cách cố vấn, đính theo danh hiệu “chuyên gia diệt MiG”, tại phi đội chiến đấu số 12 đóng quân tại Đà Nẵng. Sau nhiều tháng thu thập tài liệu, viên phi công "cáo già" này đã vẽ ra hàng chục cách đánh MiG trên lý thuyết, và cần một chuyến bay để nhiệm thu lại tất cả.

Ngày 12/5/1967, đại tá Norman điều khiển chiếc chiến đấu cơ F-4C, chỉ huy tốp chiến đấu có vừa có F-4, F-105 bay từ Lào theo hướng Ba Vì tiến vào. Nhiệm vụ chính của tốp chiến đấu cơ này, đó là tìm và diệt tiêm kích MiG của ta, như một bài "thu thoạch" của giáo trình đánh MiG vừa được Norman biên tập lại.

Về phía ta, nhận được lệnh báo động chiến đấu, đúng 15 giờ 23, biên đội gồm 4 chiếc chiến đấu cơ MiG-17 nhận lệnh xuất kích. Sau khi cất cánh, phi công Ngô Đức Mai phát hiện 4 máy bay F-4 của địch ở độ cao chừng hơn 1000 mét, cùng lúc ấy số biên đội trưởng Cao Thanh Tịnh phát hiện thêm 4 chiếc F-105 từ phía sông Đà đi vào.

Phi công Cao Thanh Tịnh lập tức kéo lên bám đuôi máy bay địch, bắn liền hai loạt đạn vào chiếc F-105 ở cự ly 600m. Sau loạt đạn, anh thấy thân máy bay địch bốc khói, chúng vội vã vứt bom, quay hướng ra biển để thoát thân.

Sau khi Cao Thanh Tịnh vòng qua núi Viên Nam, thì gặp Ngô Đức Mai và Hoàng Văn Kỷ đang quần nhau với tốp chiến đấu cơ F-4 của Mỹ phía đông sân bay, Cao Thanh Tịnh chọn cho mình một vị trí đẹp và bắn hai loạt đạn ở cự ly 800m. Sau loạt đạn, phát hiện đối phương phóng tên lửa phản công, Cao Thanh Tịnh ra lệnh cơ động né tránh; toàn bộ chiến đấu cơ MiG-17 bỏ mục tiêu, bay tản mát để tránh tên lửa địch.

Trong khi đó, phi công Ngô Đức Mai, khi phát hiện có F-4 thì lao vào rồi xả luôn hai loạt đạn ở cự ly gần 300m, chiếc F-4 của địch ăn trọn loạt đạn, bốc cháy và rơi tại chỗ.

Trớ trêu thay, chiếc máy bay bị bắn rơi đó mang BN-63-7614 do chính Norman điều khiển. Tay giáo viên này đã nhanh tay nhảy dù, may mắn hơn hoa tiêu của mình - người đã thiệt mạng cùng chiếc tiêm kích. Ngay sau khi hạ xuống đất bằng dù, Norman được đưa tới nhà tù Hỏa Lò.

Khi ở trong trại giam, Norman đã nằng nặc đòi gặp người đã bắn hạ mình. Và khi nhận ra phi công Ngô Đức Mai mới chỉ 27 tuổi, kinh nghiệm 300 giờ bay đã "bẻ gẫy" mọi chiến thuật chống MiG mà ông nghĩ ra trước đó, tay phi công Mỹ này mới thật lòng tâm phục, khẩu phục.

Cùng với việc bị "nghỉ mát" ở Hà Nội tới tận năm 1973, giáo trình chống MiG của Không quân Mỹ cũng bị bỏ dở cho tới tận khi người Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, sau một chiến dịch không kích không thể thảm bại hơn. Nguồn ảnh: TL.

Thái Hòa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phi-cong-300-gio-bay-cua-viet-nam-ha-guc-chuyen-gia-diet-mig-1514071.html