'Phí chia tay': Thuế hay phí đều vô lý!

Phí chia tay thu rồi thì người dân sẽ được quyền giám sát ra sao? Liệu khoản tiền này có được sử dụng đúng mục đích?

Phát biểu tại Quốc hội ngày 12-6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đề xuất thu khoảng 3-5 USD "phí chia tay" khi công dân Việt Nam ra nước ngoài.

Tranh luận gay gắt

Trước đề xuất trên, một số bạn đọc đã bày tỏ ý kiến tán thành với đại biểu. Như bạn đọc Đỗ Huy Toàn chia sẻ: "Theo tôi, việc thu "phí chia tay" là hợp lý, những đối tượng đi du lịch đều không phải là người nghèo, những quan chức thì đã được thanh toán, còn những người đi lao động thì họ phải có nghĩa vụ đóng vì sẽ có rất nhiều những rủi ro mà có thể nhà nước sẽ phải bảo hộ cho họ. Như vậy mới công bằng với những người lao động ở trong nước".

Đồng quan điểm nhưng theo bạn đọc Quang, nên giới hạn đối tượng phải thu: "Chỉ nên thu người nước ngoài. Phí này thiết nghĩ phải thu cả khi nhập cảnh và xuất cảnh. Với con số 1 USD/lần để có 1 con số thống kê rõ ràng về lượng người xuất nhập cảnh, đây cũng là cách hay".

Ngược lại, phần đông dư luận lại lên tiếng phản đối. Theo nhiều bạn đọc: "Cách lý giải của ông Hưng ít nhiều khẳng định nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài có việc quan trọng là bảo vệ công dân, pháp nhân Việt Nam. Và lẽ nào có 3-5 USD mới đổi được nụ cười của những cán bộ hải quan đang làm nhiệm vụ hỗ trợ xuất cảnh cho người dân?".

Sự mơ hồ trong cách giải thích liên quan đến đề xuất "phí chia tay" của đại biểu khiến dư luận băn khoăn đây là phí hay thực chất là một loại thuế mới ở nước ta? Bạn đọc Nui Lê hỏi: "Giải thích nhập nhằng, thuế không ra thuế, phí không ra phí. Nếu là phí thì người dân khi xuất cảnh nhận lại được dịch vụ gì để bù đắp chi phí này?".

Nhiều người nhận định dù là thuế hay phí thì đều hết sức vô lý.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trả lời báo chí (Ảnh: Thế Dũng)

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trả lời báo chí (Ảnh: Thế Dũng)

"Việc áp phí du lịch lên người dân xuất ngoại chẳng khác nào hạn chế người dân đi du lịch, học hỏi kinh nghiệm; hạn chế học sinh, lao động ra nước ngoài học tập, làm việc, phát triển tay nghề? Trong khi đó nguồn lực kiều hối đã và đang góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước" – bạn đọc Duy Nhân bình luận.

"Quả thực 3-5 USD không đáng là bao so với giá vé máy bay xuất ngoại nhưng đó là đối với một bộ phận những người dư giả, mua vé để đi du lịch nghỉ dưỡng. Còn với đối tượng du học sinh và lao động xuất ngoại, họ sẽ phải chịu thêm gánh nặng tài chính trên vai. Trong khi đây là nhóm đối tượng hứa hẹn sẽ mang về nguồn ngoại tệ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cao phục vụ cho đất nước. Hơn nữa, đây là nhóm đối tượng đã phải đóng nhiều khoản phí bao gồm bảo hiểm lao động" – bạn đọc Trịnh Văn ý kiến.

Chưa đến lúc

"Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, hiện nay một năm nhà nước chỉ dành khoảng 2 triệu USD cho quỹ xúc tiến du lịch quốc gia, nguồn lực này là rất hạn chế. Trong khi nhiều quốc gia còn huy động cả nguồn vốn xã hội hóa. Điều này cho thấy nhu cầu tăng nguồn thu là chính đáng. Nhưng không phải vì thế mà nghĩ đến chuyện tận thu của người dân. Trong khi người dân chưa được biết, 2 triệu USD kia đã được sử dụng hiệu quả chưa?" – bạn đọc Li Nguyễn viết.

Cơ sở của đề xuất "phí chia tay" được đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đưa ra là căn cứ trên thực tế nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, ví dụ như Nhật Bản. Đại biểu dẫn chứng, "phí chia tay" đã được Quốc hội Nhật ban hành từ năm 2018. Theo đó,?đạo luật này quy định mỗi công dân ra nước ngoài thì phải đóng một loại phí (gọi là phí chia tay hay phí du lịch) 1.000 yên mỗi người (khoảng 9,3 USD).

Trên thực tế, "phí chia tay" là khoản thu đối với du khách, công dân rời nước sở tại đã được áp dụng ở nhiều quốc gia như Anh, Australia, Malysia, Thái Lan, Nhật Bản… nhưng căn cứ tình hình phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói riêng và mức độ phát triển của nước ta nói chung thì mức phí này liệu đã hợp lý chưa?

Bạn đọc Tịnh Nguyễn hỏi: “Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam còn nhiều yếu kém chưa được cải thiện mà đã nghĩ đến chuyện tăng thu. Thu rồi thì những người đóng phí như chúng tôi sẽ được quyền giám sát ra sao? Liệu khoản tiền này có được sử dụng đúng mục đích?".

Còn bạn đọc Nguyễn Thi bình luận: “Thu phí xuất cảnh không phải là thiếu cơ sở. Bởi tăng thu hứa hẹn sẽ là giải pháp giúp phát triển hoạt động đầu tư, quảng bá, xúc tiến du lịch để tương xứng với mục tiêu phát triển và tiềm năng du lịch quốc gia. Nhưng thu ra sao, áp dụng cho ai, mức thu là bao nhiêu và nên thực hiện ở thời điểm nào là điều cần được suy xét kỹ lưỡng" .

Trần Thái

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/phi-chia-tay-thue-hay-phi-deu-vo-ly-20190615113526872.htm