Phí 'chia tay' như bữa ăn sáng gây tranh cãi thế nào?

Mới đây, khi đưa ra dự thảo Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng nên thu 'phí chia tay' đối với những người xuất cảnh. Ông Hưng cho rằng phí này 'chỉ như một bữa ăn sáng', rất nhiều tranh luận được đưa ra xung quanh vấn đề này.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch đề xuất Nhà nước thu phí khi xuất cảnh.

Theo ông Hưng, số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để bảo hộ, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn. Ngoài ra, một phần kinh phí để đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho công dân khi xuất, nhập cảnh; phần còn lại đóng vào quỹ phát triển du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bạn đọc Lâm Bảo Trương nêu: “Tôi nghĩ rằng chưa nên thu phí chia tay. Bởi vì phần lớn những người Việt Nam xuất cảnh đều là những người khó khăn phải đi ra nước ngoài để xuất khẩu lao động. Cuộc sống của họ chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm từng đồng thì số tiền 5 USD cũng là một khoản tiền lớn với họ”.

Ảnh minh họa.I.T

Ảnh minh họa.I.T

Đồng ý với quan điểm trên, bạn đọc VanTan Ban nói: “Một đất nước có mức thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD với 1 nước có mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD, một nước chuyên “nhập” lao động, một nước chuyên “xuất” lao động, hơn nữa, Nhật Bản còn là nước phát triển du lịch rất mạnh trong những năm gần đây, mọi dịch vụ đều tốt thì việc so sánh, học tập cách thu phí như vậy phải chăng là quá khập khiễng?”

Bạn đọc DdykNguyen cho rằng: “ Mình hay đi du lịch nước ngoài, với mức phí như vậy không phải là cao. Quan trọng là thu chi minh bạch, sử dụng hợp lý hay không thôi và liệu đóng phí này an ninh sân bay có tươi cười thân thiện hơn hay vẫn vậy. Nếu thay đổi được trong cung cách làm việc, áp dụng công nghệ vào xuất nhập cảnh mình sẽ ủng hộ”.

Còn bạn đọc Nguyen Huu Tam nêu ý kiến: “Có những chính sách cần học theo, nhưng có những thứ phải xem xét thật kỹ. Công nghiệp du lịch của Việt Nam đã chụp giật, tình trạng cò kéo, chặt chém, thái độ phục vụ không tốt… bây giờ thêm chính sách áp dụng lỏng lẻo, không thuyết phục, sợ rằng nó sẽ tạo nên phản ứng ngược khiến cho du khách “một đi không trở lại”.

Thêm nữa, độc giả cho rằng việc thu phí để chi những khoản như ông Hưng nêu, thực ra đã được ngân sách nhà nước chi trả. Người dân đóng thuế để được hưởng những chính sách đấy. "Chẳng lẽ không đóng phí "chia tay", người Việt Nam ra nước ngoài không được bảo hộ?" - độc giả tên Phong đặt câu hỏi.

Chưa hết, với chi phí ông Hưng đề xuất 3 - 5 USD được chính tác giả cho là "như một bữa ăn sáng", nhiều độc giả cho rằng vị đại biểu này ăn sáng "sang chảnh". "Bát phở ngon ở phố cổ Hà Nội cũng chỉ 40 - 50 nghìn đồng, tôi không ăn sáng đến cả trăm nghìn như ông Hưng" - anh Đàm Minh Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) cho hay.

Hạ Anh (tổng hợp)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/phi-chia-tay-nhu-bua-an-sang-gay-tranh-cai-the-nao-988098.html