'Phí chia tay' khi xuất cảnh: rằng hay thì thật là hay, nhưng...

Sáng 12.6, tại diễn đàn quốc hội, khi góp ý cho luật Xuất Nhập cảnh, ông Nguyễn Quốc Hưng là cựu Phó Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam đã đề xuất bổ sung 'phí chia tay' để có thêm nguồn thu ngân sách.

Theo ông Hưng, cái gọi “phí chia tay” được “chia ba phần tươi đỏ” (mượn ý thơ Tố Hữu). “Một phần để cơ quan ngoại giao có kinh phí bảo hộ và hỗ trợ khi công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp khó khăn. Một phần để đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật và các việc khác; đảm bảo công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn. Nhân viên xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân. Một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, cựu Tổng cục phó Tổng cục du lịch Việt Nam, đề xuất "công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh". Ảnh minh họa

Mục đích rằng hay thì thật là hay và nhiệm vụ có vẻ lớn lao. Ông Hưng đề nghị thu mỗi người Việt ra nước ngoài từ 3 – 5 USD mỗi lần. Năm 2018, có khoảng 8 triệu người Việt ra nước ngoài. Nếu thu tối đa mỗi người 5 USD thì được 40 triệu USD. Số tiền cũng kha khá, nếu nghĩ theo kiểu “góp gió thành bão”. Nhưng cái nhận được trước tiên, không phải USD mà là "bão" dư luận.

Nhờ ông Hưng, nhiều người mới hiểu lâu nay tại sao công dân Việt Nam ra nước ngoài gặp nạn chưa được bảo hộ và hỗ trợ. Mới biết vì sao nhân viên cửa khẩu không biết cười, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, có khi lại còn hạch họe. Mới rõ vì sao du lịch nước nhà cứ lạch bạch. Ông bảo Việt Nam phải học tập Nhật Bản vì họ cũng thu như vậy.

Bạn tôi làm du lịch, chuyên đưa khách đi Nhật cho hay, từ đầu năm 2019 Nhật Bản đưa ra loại phí (levy) với du khách nước ngoài (visitors) đến thăm Nhật, chứ không nhắm vào công dân Nhật. Khoản phí này gọi là "departure tax” hay “international tourist tax”, mỗi người 1.000 yên Nhật (khoảng hơn 9 USD) mỗi lần, dùng để đầu tư thêm cho ngành du lịch. Quá cảnh dưới 24 giờ và trẻ em dưới 2 tuổi được miễn phí.

Để thêm nguồn thu, nước nào cũng có “phí sân bay” (airport charge) vì các dịch vụ tại phi trường tốn kém hơn giao thông bình thường và luôn vào vé máy bay. Ngành hàng không thu các khoản phí này cho công ty quản lý sân bay hoặc chính quyền địa phương. Lưu thông đường bộ chỉ có phí giao thông.

Phí “departure pax” tạm dịch là “thuế xuất cảnh” chỉ thực hiện với du khách nước ngoài. Nếu là “phí chia tay” thì phải nói rõ là chia tay tạm thời (goobye) hay một đi không trở lại (forever). Đề xuất của ông Hưng là cách vận dụng sáng tạo, không đụng hàng, chỉ Việt Nam mới có, tiếu lâm giống chuyện Những người thích đùa (Azit Nezin). Ở các nước, thuế là nguồn thu chính, là công cụ để điều tiết chính sách. Thay vì mỗi chút mỗi cấm, không thích - cấm, khó quản - cấm thì dùng thuế. Thay vì mỗi chút mỗi thu. Gì cũng thu thì nên cân nhắc kỹ và phải biết “khoan thư sức dân” (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).

Không riêng gì du lịch, các ngành khác cũng rất cần tiền từ nhiều nguồn thu khác nhau. Vấn đề là thu chính đáng – chi minh bạch và quản lý chặt chẽ. Theo hiểu biết của tôi, các nước luôn ưu tiên cho du lịch inbound (khách nước ngoài đến) vì họ mang ngoại tệ vào. Một dạng xuất khẩu tại chỗ. Sau đó, mới đến du lịch nội địa để kích cầu tiêu dùng trong nước. Thứ đến là du lịch outbound (khách Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài).

Giống như nhập khẩu tại chỗ, du khách outbound sẽ mang tiền từ Việt Nam qua nước khác chi tiêu, góp phần cho kinh tế các nước phát triển. Ở Việt Nam, thuế đang ưu tiên và khuyến khích du lịch outbound. Tại Thái Lan, tiền thuê phòng khách sạn cho du khách nước ngoài thường rẻ hơn du khách trong nước. Kinh tế của các nước luôn ưu tiên xuất khẩu hơn nhập khẩu. Xuất khẩu còn là thước đo “sức khỏe” của mỗi nước.

Ông Hưng dẫn chứng “Gần đây, một số công dân Việt Nam đánh bắt hải sản bị nước ngoài bắt, việc tổ chức thương lượng, đưa công dân về nước rất khó khăn. Hay một số công dân vi phạm an ninh của các nước, họ cần có sự bảo trợ, hỗ trợ nhưng nguồn lực rất ít”. Lý giải như ông thì ngành ngành sẽ đẻ ra đủ thứ phí để thu. Mấy ngư dân bị nước ngoài bắt và những người xuất cảnh bằng giấy thông hành hay “chứng minh thư vùng biên giới” có phải đóng phí chia tay như ông đề nghị?.

Ý kiến đề xuất của ông Hưng đang bị cư dân mạng "ném đá" tới tấp với nhiều suy diễn. Tác giả bài viết thấy đây mới chỉ là đề xuất. Nói sai thì sửa, được góp ý thì nghe. Nhưng cũng nên lựa lời mà góp ý vì “lời nói chẳng mất tiền mua”. Có gì đâu mà ầm ĩ thái quá. Dám nói, dám đề xuất như ông cũng còn hơn khối đại biểu. Suốt cả nhiệm kỳ không hề mở miệng, chỉ biết gật và giơ tay theo phong trào.

Tăng Leng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phi-chia-tay-khi-xuat-canh-rang-hay-thi-that-la-hay-nhung-19094.html