Phép thử sớm với chính sách Triều Tiên của ông Biden

Triều Tiên nối lại các vụ phóng tên lửa sau một năm gián đoạn, đưa Mỹ và các đồng minh trở lại hành trình đầy những hành động khó đoán và ý định khó hiểu từ chính quyền Kim Jong Un.

Bình Nhưỡng đã phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn, đòi hỏi Mỹ phải đưa ra phản ứng. Nhưng đây không phải là một "cuộc khủng hoảng", cũng không phải "thách thức lớn" đối với Washington, tác giả Bruce Klingner chuyên nghiên cứu về Đông Bắc Á viết trong bài đăng trên trang web của Heritage Foundation ngày 29/3.

Hình ảnh một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng năm 2018. Ảnh: TASS

Hình ảnh một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng năm 2018. Ảnh: TASS

Tác giả khuyến nghị, dù vậy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng cần chuẩn bị cho những động thái quyết liệt hơn mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có thể đã lên kế hoạch cho những tháng ngày sắp tới.

Hôm 25/3, Bình Nhưỡng phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có cấu hình bay giống KN-23 hoặc KN-24 đã được thử nghiệm rộng rãi giai đoạn 2019-2020. Đó có thể là một phần các cuộc tập trận quy mô lớn đang diễn ra trong chu kỳ huấn luyện mùa đông của Triều Tiên, mà Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tổ chức bất kể Mỹ-Hàn đã hủy bỏ hoặc thu nhỏ tập trận chung.

Tuần trước, Triều Tiên cũng phóng hai tên lửa hành trình tầm ngắn không thuộc diện các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm thử.

Những vụ phóng mới này của Triều Tiên có thể là thử nghiệm phát triển một số tên lửa xuất hiện trong các cuộc duyệt binh gần đây.

Một số người tin Triều Tiên phóng tên lửa để đáp trả một số hành động của chính quyền Tổng thống Biden, chẳng hạn chuyến công du gần đây của ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ, các cuộc tập trận quân sự thu nhỏ với Hàn Quốc hoặc phản ứng bác bỏ của lãnh đạo Nhà Trắng sau các vụ thử tên lửa hành trình của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thực tế là Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch cho các sự kiện tên lửa từ trước rất lâu.

Tuy các vụ phóng tên lửa hành trình và SRBM thuộc mức thấp trong hành động của Triều Tiên, chúng cho thấy Bình Nhưỡng rất có thể đang chuẩn bị một loạt hành động có tính leo thang hơn, theo chuyên gia Bruce Klingner.

Trong tháng 3, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc thông báo có "nhiều dấu hiệu" cho thấy Triều Tiên đã triển khai nhiều bệ phóng tên lửa cùng các loại vũ khí khác trên đảo Changrin ở biên giới liên Triều, gần Vùng Phi quân sự (DMZ). Đây là địa điểm Triều Tiên diễn tập pháo binh vào tháng 11/2019 mà đích thân ông Kim Jong Un giám sát.

Mặc dù không vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, song các cuộc tập trận như vậy được coi là một tín hiệu đe dọa đối với Hàn Quốc.

Triều Tiên cũng thường làm lớn, chẳng hạn như một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa, trong thời kỳ đầu của tân Chính phủ Mỹ hoặc Hàn Quốc, vì nước này tin điều đó mang lại đòn bẩy cho họ. Triều Tiên không thiếu tên lửa mới để phóng thử, và đã tiết lộ một số hệ thống mới trong các cuộc duyệt binh gần đây.

Chính quyền Kim Jong Un có thể phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khổng lồ mới hoặc hai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) được đem ra duyệt binh tháng 10/2020 và tháng 1/2021.

ICBM Hwasong-16, tên lửa di động lớn nhất thế giới trên phương tiện phóng, lớn hơn hai mẫu ICBM hiện có của Triều Tiên, cả hai đều đã được thử nghiệm thành công năm 2017. Vì những tên lửa đó có thể bắn tới mọi nơi trên đất Mỹ, mục đích của tên lửa mới nặng hơn sẽ là mang được ba hoặc bốn đầu đạn hạt nhân hoặc hỗ trợ thâm nhập, nhằm đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ Mỹ.

Triều Tiên cũng đưa các SLBM Pukguksong-4 và Pukguksong-5 mới có thể mang hạt nhân ra duyệt binh. Chúng có tầm bắn xa hơn Pukguksong-3 vốn đã được phóng thử hồi tháng 10/2019 và có tầm bắn khoảng 1.900km. Những tên lửa này cũng có thể là nền tảng của tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất, thậm chí là giai đoạn đầu của ICBM nhiên liệu rắn mà Triều Tiên hiện chưa có trong tay. Hàn Quốc hiện không có bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào chống lại SLBM tấn công từ hai bên sườn biển của mình.

Tác giả Klingner chỉ ra rằng, những hành động đó sẽ làm gia tăng căng thẳng, đặt chính quyền ông Biden trước thách thức lớn hơn so với các vụ phóng gần đây. Các hành động khiêu khích tiếp theo của Triều Tiên không còn là "liệu có", mà là "khi nào" diễn ra. Đánh giá kiểu loại và mức độ nghiêm trọng của chúng là điều quan trọng để Mỹ đưa ra phản ứng thích hợp.

Mặc dù Washington không cần phản ứng trước mọi tuyên bố của Bình Nhưỡng, nhưng các vụ phóng tên lửa đạn đạo đòi hỏi phải Mỹ phải có động thái. Chính quyền Tổng thống Biden cần phải tham vấn các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản để có phản ứng phối hợp ở Liên Hợp Quốc, chẳng hạn lên án và cảnh báo các vi phạm leo thang sẽ làm suy yếu thêm tiềm năng đàm phán và dẫn đến nhiều hành động tiếp theo.

Khi đánh giá xong chính sách về Triều Tiên, chính quyền ông Biden nên phát tín hiệu tiếp tục sẵn sàng tham gia đối thoại và đàm phán với Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định liên minh mạnh mẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản, khám phá các lựa chọn phòng thủ tên lửa cho Mỹ và các đồng minh, và kiên quyết đáp trả mọi hành vi vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Cũng theo chuyên gia Klingner, Tổng thống Joe Biden không nên từ bỏ việc phi hạt nhân hóa như một mục tiêu lâu dài, nhưng không nên nhượng bộ chỉ để lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Và dù Mỹ có thể đứng vững trước cuộc "khủng hoảng" tên lửa nhưng những hành động khác của Triều Tiên sẽ thực sự thách thức chính quyền Biden, và điều này có thể sẽ sớm diễn ra.

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/phep-thu-som-voi-chinh-sach-trieu-tien-cua-ong-biden-723580.html