Phép thử lạ với NATO

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang phải lên kế hoạch sẵn sàng đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ hai trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Điều đó phần nào cho thấy mối lo của khối này giờ đây không chỉ đơn thuần là các cuộc tập trận, triển khai binh sĩ hay những vấn đề an ninh thường thấy trong quá khứ.

Trước kia, đại dịch chỉ đóng một vai trò nhỏ hoặc đã bị bỏ qua trong các học thuyết và chiến lược của NATO. Người ngoài cuộc thì cho rằng, NATO không chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 và chỉ một phần hoạt động trong trụ sở ở Brussels (Bỉ) bị hạn chế. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã trở thành thách thức lớn nhất của NATO hiện nay. Kể từ khi đại dịch lan rộng, việc hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đã tác động tới nhiều hoạt động của NATO. Tổ chức này cũng phải thu hẹp hoặc hoãn các cuộc tập trận quân sự, trong đó có tập trận Bảo vệ châu Âu 2020-cuộc diễn tập được coi là lớn nhất của NATO tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, vai trò khá mờ nhạt của NATO hiện nay dường như cho thấy liên minh này chưa thể chứng minh được “vị thế không thể thiếu” trong các cuộc khủng hoảng đương thời. Sự lây lan trên diện rộng của virus SARS-CoV-2 hoàn toàn khác với những gì mà NATO đã phải đối mặt trong quá khứ. Đây là một kẻ thù vô hình, đòi hỏi các quốc gia thành viên cần những nỗ lực chung để chống chọi.

 Binh sĩ Ba Lan vận chuyển vật tư y tế phục vụ chống dịch. Ảnh: NATO.

Binh sĩ Ba Lan vận chuyển vật tư y tế phục vụ chống dịch. Ảnh: NATO.

Tháng 2-2020, Tướng Tod Wolters, Tư lệnh Tối cao NATO đã được giao nhiệm vụ đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch Covid-19, cụ thể là nâng cao sự phối hợp giữa các nước thành viên trong hoạt động cung ứng vật tư y tế cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo thống kê, NATO đã hỗ trợ các quốc gia thành viên và các nước đối tác ứng phó với đại dịch khoảng 350 chuyến bay chở thiết bị y tế thiết yếu. Ngoài ra, NATO đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn virus lây lan như đưa lực lượng quân sự tới kiểm soát các đường biên giới, xây dựng các bệnh viện dã chiến và thường xuyên đo thân nhiệt của các binh sĩ…

Tuy nhiên, một số quốc gia trong liên minh quân sự này vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vật dụng y tế phòng dịch cơ bản, chẳng hạn như khẩu trang và găng tay, để có thể ngăn chặn virus lây lan trong lực lượng quân đội. Chính vì vậy, bộ trưởng quốc phòng của 30 nước thành viên NATO dự kiến trong tuần này sẽ ký kết kế hoạch hành động ứng phó mới nếu dịch bệnh quay trở lại, trong đó có việc thiết lập nguồn cung trang thiết bị bảo vệ cá nhân và các vật dụng y tế khác để có thể nhanh chóng phân phối trong trường hợp cần thiết. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, những biện pháp này sẽ bảo đảm rằng các quốc gia thành viên NATO có thể tăng cường ứng phó trong trường hợp đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai xảy ra, nhờ sự hỗ trợ đúng nơi và đúng thời điểm. Bên cạnh đó, ông Jens Stoltenberg nhận định, các nước NATO cần tiến hành những hoạt động mua sắm chung thiết bị y tế và đồ bảo hộ cá nhân thông qua cơ quan mua sắm của NATO.

Tiến sĩ Heinz Gartner thuộc Đại học Vienna (Áo) nhận định, mối nguy hiểm từ dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát và công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ còn lâu dài, phức tạp. Đó là lý do mà NATO cần một kế hoạch dài hạn để phản ứng với dịch bệnh, trong đó có những vấn đề liên quan tới làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Suy cho cùng, trong thời điểm hiện tại, NATO phải tạm gác lại các mục tiêu và thách thức an ninh vốn có để ưu tiên cho cuộc chiến chống dịch bệnh. Đại dịch Covid-19 cũng thực sự là một phép thử lạ với NATO, bởi nó khác xa với những thách thức mà liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này từng đối mặt.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/phep-thu-la-voi-nato-623379