Phép thử khó thành công

Hội nghị 'Tương lai hòa bình và an ninh tại Trung Đông' diễn ra 2 ngày tại Ba Lan do Mỹ chủ trì, như tên gọi là nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh ở một trong những điểm nóng nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự thất bại liên tiếp của các hội nghị về khu vực trước đây khiến người ta không để tâm quá nhiều đến kết quả vốn có thể đoán trước được. Thay vào đó, dư luận trông đợi xem trên “sân khấu” quen thuộc này, các nhân vật chính thể hiện vai trò ra sao để đạt được mục tiêu của mình trên bàn cờ chiến lược Trung Đông.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Mỹ, quốc gia cầm trịch ở Trung Đông, đang theo đuổi một hướng tiếp cận mới trong các vấn đề khu vực, nhằm phục vụ mục tiêu gần như đã trở thành “linh hồn” cho những thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đó là “nước Mỹ trên hết”. Trong vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử năm 2015 để theo đuổi biện pháp cứng rắn thông qua cấm vận kinh tế. Đối với cuộc xung đột tại Syria, Mỹ cũng một lần nữa áp dụng chiến lược “rút lui” gây sốc khi tuyên bố rút quân khỏi quốc gia này.

Hội nghị hòa bình tại Ba Lan theo sáng kiến của Mỹ khai mạc hôm 13-2 được cho là sẽ làm rõ hơn “tầm nhìn thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: AP

Hội nghị hòa bình tại Ba Lan theo sáng kiến của Mỹ khai mạc hôm 13-2 được cho là sẽ làm rõ hơn “tầm nhìn thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: AP

Đặc biệt, trong vấn đề hòa bình Palestine-Israel, việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây, chẳng khác nào hành động rút khỏi các thỏa thuận và cam kết quốc tế, trong đó công nhận các quyền hợp pháp và chính đáng của Palestine ở Đông Jerusalem. Sự rút lui đó gần như đồng nghĩa với lời cáo chung cho giải pháp hai nhà nước Palestine-Israel cùng tồn tại mà Mỹ từng đồng bảo trợ.

Vấn đề Iran, cuộc chiến Syria và tiến trình hòa giải Palestine-Israel cũng chính là các chủ đề nổi bật trong chương trình nghị sự ở Ba Lan. Vậy nhưng, thay vì bàn thảo tìm giải pháp cho những “nút thắt” này, hội nghị là nơi để Mỹ thực hiện phép thử đồng minh đối với chính sách mới ở Trung Đông của mình. Sự thiếu vắng những đồng minh trong và ngoài khu vực cũng như các đối tác chủ chốt tại hội nghị ở Ba Lan như Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Palestine hay Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, cho thấy Mỹ không dễ gì tìm kiếm sự ủng hộ cho chính sách Trung Đông mới.

Mặc dù chính sách mới chưa chính thức lộ diện, nhưng các động thái ngoại giao của Mỹ thời gian gần đây phần nào cho thấy trong chính sách Trung Đông mới của mình, thay vì can dự trực tiếp như trước, Mỹ sẽ thông qua các đồng minh để thúc đẩy sứ mệnh ở khu vực. Nói chính xác hơn, Mỹ muốn “mượn tay” các đồng minh ở khu vực để đạt được các mục tiêu chiến lược không dễ gì từ bỏ tại Trung Đông.

Thông qua hội nghị ở Ba Lan, Mỹ được cho là muốn tập hợp đồng minh để gây áp lực với Nhà nước Hồi giáo Iran, thậm chí là lập một liên minh kiềm chế vai trò của Tehran ở khu vực. Đây cũng được xem là cơ hội để đồng minh hàng đầu của Mỹ ở khu vực là Israel cải thiện mối quan hệ “không nhìn mặt nhau” với các nước Arab láng giềng. Đó sẽ là tiền đề quan trọng để Mỹ thúc đẩy mục tiêu thiết lập liên minh Israel-Saudi Arabia nhằm làm đối trọng với Iran.

Tuy nhiên, việc Washington có quá nhiều tham vọng ở hội nghị tại Ba Lan cũng như tại khu vực Trung Đông khiến cho mục tiêu chính thúc đẩy một tương lai hòa bình và an ninh cho Trung Đông gặp khó khăn. Đơn cử, tiến trình hòa bình Palestine và Israel vẫn chưa thể đi tới đích bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế suốt những năm qua. Những diễn biến liên quan đến vấn đề Jerusalem được ví như “quả bom” bùng nổ sau những động thái bênh vực đồng minh Israel của Washington, chỉ là màn “khai hỏa” làm rối ren thêm tình hình khu vực, chẳng giúp ích gì cho tiến trình hòa bình giữa hai bên. Tiếp theo đó là hành động cắt giảm viện trợ của Mỹ cho Palestine, hay gần đây là những động thái Mỹ gây sức ép để các nước Arab ngừng viện trợ cho Palestine cũng như ngăn cản các định chế tài chính giao dịch với chính quyền Palestine gần như đã đặt dấu chấm hết cho giải pháp đối thoại thông qua con đường ngoại giao để thúc đẩy hòa bình. Thay vào đó, chiến thuật gây sức ép về kinh tế càng đẩy các bên đi vào ngõ cụt và sự bế tắc mà lịch sử quan hệ quốc tế đã ghi nhận như trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay chương trình hạt nhân Iran…

Hơn nữa, cán cân quyền lực ở Trung Đông cũng đã có những biến động thời gian qua, với vị thế trở nên ngày càng nổi bật của Nga ở khu vực khiến Mỹ không thể ngồi yên. Hội nghị ở Ba Lan với sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo một mặt giúp Mỹ thể hiện vai trò, mặt khác giúp Mỹ tái khẳng định cam kết với khu vực và các đồng minh. Trong chuyến công du tháng trước tới Trung Đông, ông Pompeo cũng nhắc lại cam kết tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh trong việc bảo đảm an ninh, ổn định ở khu vực, hạn chế mối lo ngại về sự trỗi dậy của Iran.

Trung Đông sẽ không thể là nơi để Mỹ có thể tiến hành các phép thử hết lần này đến lần khác nếu chỉ xây dựng niềm tin bằng những cam kết suông với chính sách “quay lưng” với các thỏa thuận và hiệp ước quốc tế. Sáng kiến mới cho khu vực chảo lửa xung đột, cho dù theo đuổi những mục tiêu như thế nào cũng phải dựa trên nguyên tắc hài hòa quyền lợi của tất cả các bên liên quan. Nếu không Trung Đông sẽ mãi là một “phép thử” khó thành công đối với Washington.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/phep-thu-kho-thanh-cong-566458