Phép thử khi Nga điều binh sát biên giới Ukraine

Sự tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới Ukraine là bài thử của Nga đối với mức độ hỗ trợ của phương Tây cho chính quyền ông Zelensky cũng như cuộc chiến chống phe ly khai.

Theo bài nhận định của Washington Post, các quan chức Ukraine và phương Tây tin rằng động cơ của Nga khi triển khai lực lượng quân sự vẫn chưa rõ ràng và không nhất thiết báo hiệu một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Các nhà phân tích nhận xét đợt gia tăng quân sự đột ngột của Nga dường như hướng đến việc gửi thông điệp hơn là phát động một cuộc tấn công mới.

 Binh sĩ Ukraine sử dụng kính tiềm vọng để quan sát thành phố Donetsk do phiến quân kiểm soát ngày 7/4. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine sử dụng kính tiềm vọng để quan sát thành phố Donetsk do phiến quân kiểm soát ngày 7/4. Ảnh: Reuters.

“Nga đang thử thách thần kinh của các nước và tuyên bố lập trường của mình: Nga sẽ vẫn là một nhân tố quan trọng trong chính sách của các quốc gia khác, cả Mỹ và Ukraine”, Ruslan Leviev, nhà phân tích của Nhóm Tình báo Xung đột, nhận định.

“Họ đang cố gắng thể hiện rằng Nga sẽ không khoan nhượng với bất kỳ lệnh trừng phạt hoặc hành động nào nhằm gây áp lực buộc nước này phải trả Crimea cho Ukraine hoặc thay đổi tình hình ở Donbas”, ông nói thêm.

"Họ muốn đoàn xe bị quay phim"

Nhiều video quay lại cho thấy Nga rầm rộ điều động vũ khí đến vùng biên giới với Ukraine.

“Có vẻ như Bộ Quốc phòng Nga muốn những đoàn xe và tàu này được quay phim”, ông Leviev nói. “Thông qua các phương tiện truyền thông, Nga sẽ gửi thông điệp tới Ukraine và các nước phương Tây về sức mạnh quân sự cũng như cái giá phải trả khi chơi đùa với sức mạnh của nước này”.

Ông Leviev cho biết quân đội Nga đã bắt đầu di chuyển từ Siberia đến các vùng biên giới của Ukraine cách đây khoảng một tháng.

Lúc đầu, việc tái triển khai được cho là một phần của các cuộc tập trận đã được kế hoạch. Nhưng khi cuộc diễn tập kết thúc vào cuối tháng 3, quân đội vẫn ở lại đây.

Xe tăng đã vượt qua cây cầu nối Nga và Crimea. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết họ đang điều động 10 chiến hạm đến khu vực Biển Đen gần Ukraine, bao gồm tàu đổ bộ và tàu chiến mang pháp, để “tập trận”.

Theo người đứng đầu Dịch vụ Biên phòng Nhà nước Ukraine Serhii Deineko, ít nhất 85.000 binh sĩ Nga đang hiện diện tại Crimea, cách biên giới Ukraine trong khoảng từ 9 đến 40 km.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc di chuyển của quân đội Nga trên lãnh thổ của nước này không nên gây lo ngại cho các nước khác và hành động của Nga nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong cuộc điện đàm ngày 12/4 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết “ủng hộ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, theo thông cáo của Nhà Trắng.

Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 4,5 tỷ USD kể từ năm 2014, bao gồm hai lô hàng tên lửa chống chìm Javelin do chính quyền Tổng thống Donald Trump cung cấp. Các vũ khí tiên tiến được giữ ở xa tiền tuyến vì Mỹ lo ngại chúng có thể kích động sự leo thang từ Nga, đồng thời tránh khả năng vũ khí này rơi vào tay đối thủ của Mỹ.

Hai tàu chiến của Mỹ đang trên đường đến Biển Đen và sẽ ở lại khu vực này cho đến ngày 4/5, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ngày 9/4.

Ngày 8/4, Tổng thống Zelensky đã đến thăm quân đội Ukraine gần tiền tuyến. Ukraine đã kêu gọi các lực lượng dự bị để củng cố biên giới phía đông và phía bắc trước các đợt chuyển quân của Nga.

Các binh sĩ Ukraine sát chiến tuyến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần Lysychansk, Ukraine, ngày 7/4. Ảnh: Getty.

“Có thể thấy Tổng thống Zelensky và những người xung quanh thực sự lo ngại về một cuộc xung đột”, Giám đốc Trung tâm New Europe Alyona Getmanchuk cho biết.

Trước đó, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi NATO đẩy nhanh tiến trình kết nạp nước này. Ông Zelensky nói rằng đó là "cách duy nhất để kết thúc chiến tranh" với phe ly khai.

Ukraine kỳ vọng vào sự hỗ trợ của các đồng minh để đương đầu trực diện với Nga trong việc giải quyết bất đồng.

Tuy nhiên, Moscow đã cảnh báo rõ ràng rằng tư cách thành viên của Ukraine trong NATO có thể dẫn đến sự leo thang ở quy mô lớn. Trưởng đoàn đàm phán của Điện Kremlin với Ukraine và các nhóm ly khai, ông Dmitry Kozak ngày 8/4 cho biết nếu Ukraine gia nhập NATO, điều đó sẽ dẫn đến “sự tan rã” của đất nước.

Lý lẽ của Nga

Vào cuối tháng 1, Tổng biên tập kênh truyền hình RT - kênh do chính phủ Nga tài trợ - Margarita Simonyan đã có mặt tại Diễn đàn Russia Donbas ở Donetsk, một khu vực biên giới phía đông Ukraine do phe ly khai kiểm soát.

Bà kêu gọi Moscow thể hiện lập trường cứng rắn hơn với nước láng giềng.

“Người dân Donbas muốn có cơ hội trở thành người Nga. Và chúng ta phải cho họ cơ hội đó”, bà nói.

Năm 2014, lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine đã nổi dậy đòi độc lập. Phe ly khai nắm quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Luhansk, lập ra hai nước cộng hòa tự xưng. Trước đó không lâu, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Ukraine bị tác động bởi sự leo thang tình hình tại miền Đông Ukraine. Nga bị cáo buộc hậu thuẫn cho phe ly khai tại đây.

Chính quyền Kiev không muốn giao quyền tự trị cho khu vực Donbas - vốn đang được kiểm soát bởi lực lượng quân sự thân Nga - vì lo ngại một vụ “Crimea thứ hai”.

Một binh sĩ của nước cộng hòa tự xưng Luhansk. Ảnh: Reuters.

Vì vậy, trong những tháng gần đây Tổng thống Zelensky thực hiện các chính sách thân phương Tây.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mối quan hệ nồng ấm của Ukraine với Mỹ và châu Âu sẽ thách thức tầm ảnh hưởng của Moscow trong khu vực, đặc biệt là khi ông Biden cam kết thể hiện cứng rắn hơn với Điện Kremlin. Nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine cũng được Nga coi là mối đe dọa tiềm tàng.

Bên cạnh đó, các chính sách của ông Zelensky làm suy yếu sự kìm kẹp chính trị của giới tài phiệt Ukraine. Ông đã trừng phạt nhà tài phiệt Viktor Medvedchuk, một người bạn của Tổng thống Putin. Quan hệ cũng thêm căng thẳng khi ông Zelensky đóng cửa một số cơ sở truyền thông thân Nga vào tháng 2.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nga-dieu-binh-sat-ukraine-de-gui-thong-diep-khong-nham-tan-cong-post1203764.html