Phép thử chưa từng có đối với ngành công nghiệp ô tô thế giới

Cơn bão vi rút corona chủng mới (nCoV) đã đem lại bài học rõ nét về việc ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang phụ thuộc như thế nào vào năng lực sản xuất của Trung Quốc.

Trung Quốc, đặc biệt là thành phố Vũ Hán, là nơi cung ứng phụ tùng, linh kiện cho việc sản xuất ô tô trên khắp thế giới.

Thực tế, dù những căng thẳng thương mại có xu hướng leo thang, nền kinh tế thế giới vẫn kết nối hết sức chặt chẽ. Các chuỗi cung ứng sản xuất được tối ưu hóa tới mức có khả năng chỉ cần cung cấp những linh kiện được yêu cầu nhằm giúp tránh chi phí kho bãi. Phương thức này tuy rất hiệu quả, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sự gián đoạn nguồn cung xảy ra do dịch bệnh chỉ mất một thời gian ngắn đã khiến các nhà máy sản xuất rơi vào tình trạng ngừng hoạt động. Bởi lẽ, ngay cả khi một số nhà sản xuất có đủ lượng tích trữ phụ tùng cho việc đình trệ một tuần, nhưng một tháng là quá dài.

Trong khi đó, những chiếc ô tô lại là sản phẩm hết sức phức tạp với hàng nghìn chi tiết không thể vắng mặt. Vì vậy, dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc đã trở thành phép thử chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp bốn bánh của thế giới.

Ngay từ đầu tháng 2, Hyundai đã tạm ngưng hoạt động của 3 nhà máy, đồng thời giảm sản lượng của 4 nhà máy còn lại tại Hàn Quốc cũng vì thiếu phụ tùng “Made in China”. Động thái này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà máy ô tô ở nước ngoài phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh do nCoV.

Về phần mình, cả KIA và SsangYong cũng đã cắt giảm ca tại các nhà máy ở quê nhà. Tình trạng đình trệ của các hãng ô tô (chiếm tới 20% GDP) đã gia tăng căng thẳng lên ngành công nghiệp của Hàn Quốc vốn đang tăng trưởng chậm.

Các hãng xe Hàn Quốc chịu tác động trước tiên do gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Dù việc sản xuất tại Hàn Quốc chịu tác động đầu tiên từ đợt bùng phát dịch bệnh từ tâm điểm Vũ Hán (Trung Quốc), nhưng tình hình ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng không khả quan hơn.

Hiện nay, 25% linh kiện ô tô của Trung Quốc xuất khẩu năm 2017 là tới Mỹ, 10% đi Nhật, 5% cho Hàn Quốc và 5% đến Đức. Tuy “khó tính” nhưng khi chất lượng lao động địa phương Trung Quốc được nâng cao, các hãng xe Nhật Bản đã chấp nhận tăng cường sử dụng các linh phụ kiện sản xuất từ quốc gia đông dân nhất thế giới, đặc biệt Toyota, Honda và Nissan.

Dữ liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, nước này đã nhập khẩu khoảng 3,2 tỷ USD phụ tùng ô tô từ Trung Quốc trong năm 2018, nhiều gấp 10 lần con số của giai đoạn năm 2002-2003, khi dịch SARS bùng nổ.

Trong năm 2018, Mỹ nhập khẩu khoảng 11 tỷ USD các mặt hàng linh phụ kiện ô tô từ Trung Quốc, chỉ sau hàng nhập khẩu từ Mexico. Xứ Cờ hoa cũng thường nhập khẩu phụ tùng Trung Quốc qua các kênh gián tiếp (như Nhật Bản hoặc Mexico).

Giám đốc điều hành Ford Jim Hackett cho rằng, vào lúc này chưa thể đánh giá và có kế sách đối phó tình hình một cách chính xác, bởi phải mất nhiều tuần nữa mới có thể định hình được diễn tiến của dịch bệnh. Mẫu EcoSport của Ford tuy chủ yếu được sản xuất tại Ấn Độ, nhưng vẫn có 15% phụ tùng đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Aptiv - với giá trị thị trường tới 22,2 tỷ USD - là nhà sản xuất phụ trợ lớn nhất của Mỹ đang có mặt tại Trung Quốc, ước tính dịch bệnh sẽ khiến sản lượng trong quý này tụt tới 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở châu Âu, Bosch - nhà sản xuất vật tư ô tô hàng đầu cho các thương hiệu châu Âu nói riêng và thế giới nói chung - cũng có tới 23 nhà máy tại Trung Quốc (và 2 tại Vũ Hán). Trong khi đó, Magna International (nhà cung ứng cho cả VinFast của Việt Nam) cũng đang duy trì 68 nhà máy với khoảng 19.000 nhân công. Cả hai hãng này đều đã mở rộng thời gian nghỉ của các nhà máy nói trên.

Các nhà máy của Honda tại Vũ Hán có 12.700 nhân viên, sản xuất tới 600.000 xe mỗi năm (chiếm một nửa sản lượng của hãng tại Trung Quốc).

Thực tế, các hãng xe châu Âu ít bị ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng tại Trung Quốc hơn so với đồng nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo phát ngôn viên của Volkswagen và Renault, tình hình hiện tại vẫn tạm ổn và xe của các hãng này vẫn có thể giao cho khách hàng đúng hẹn.

Hiện nay, nhiều nhà máy ô tô tại Trung Quốc cũng đã phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, trong đó có cả Hyundai, Tesla, Ford, Nissan, Volkswagen, Daimler… Honda đã tuyên bố sẽ đặt mục tiêu mở lại các nhà máy sản xuất tại Vũ Hán vào ngày 17-2 (thay vì 9-2 như mong muốn trước đó). Toyota ban đầu cũng dự định sản xuất lại từ ngày 10-2, nhưng hiện đã dời lịch sang ngày 17-2.

Tuy nhiên, không một thương hiệu nào tỏ ra lạc quan về tương lai và đang dồn hết sức cho các nỗ lực đánh giá, dự báo tùy theo tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc. Ngay cả sau khi phục hồi sản xuất, hoạt động xuất khẩu có thể vẫn chưa thể tiến hành ngay lập tức, khi các công ty vận tải và cơ quan hải quan thiếu nhân lực.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/958014/phep-thu-chua-tung-co-doi-voi-nganh-cong-nghiep-o-to-the-gioi