'Phép màu sẽ đến với bệnh nhân 91 như đến với tôi'

Phải chuyển lên tuyến trên do tổn thương phổi, bệnh nhân số 278 mắc Covid-19 từng lo sợ đến mất ngủ.

Trưa 10/5, xe cấp cứu đưa bà Nguyễn Thị Kim Loan (50 tuổi) - bệnh nhân mắc Covid-19 số 278 từ Bạc Liêu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

“Đang điều trị cho nam phi công mắc Covid-19, nay tiếp nhận thêm bệnh nhân tổn thương phổi, chúng tôi không nao núng tinh thần nhưng không thể không cảnh giác, chỉ mong rằng đừng có thêm bệnh nhân 91 thứ 2”, BSCKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhớ lại.

Cố gắng thở

Ngồi trong phòng đệm chờ làm thủ tục xuất viện, bà Loan vẫn chưa quên được những ngày tháng tại UAE.

Hơn 10 năm qua, bà chọn con đường kinh doanh, buôn bán bằng các chuyến hàng qua lại giữa Việt Nam và Dubai. Thời điểm dịch bùng phát, các chuyến bay đóng cửa, bà Loan gần như “chôn chân” nơi đất khách, chờ đợi từng ngày để trở về nhà. Ở tuổi 50, số lần đi đi về về không đếm được nhưng chưa bao giờ bà mong chờ chuyến bay trở về Việt Nam như lúc này.

“Tôi và 3 người bạn cùng đăng ký trở về nước, tuy nhiên, riêng tôi may mắn nhận được 'chiếc phao cứu sinh’ từ Đại sứ quán Việt Nam”, bà Loan tâm sự.

Ngay khi nhập cảnh, bà cùng đoàn khách gồm 297 người cùng được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bạc Liêu.

 Bệnh nhân 278 kể về những ngày điều trị Covid-19. Ảnh: Xuân Thanh.

Bệnh nhân 278 kể về những ngày điều trị Covid-19. Ảnh: Xuân Thanh.

Buổi sáng đầu tiên ở khu cách ly, bà ngủ li bì, người mệt nhoài, không ăn uống được. Đến tối, thấy sức khỏe không ổn, bà dò từng bước theo cầu thang đến phòng y tế tìm bác sĩ.

Lúc đến phòng y tế, bà gần như ngất lịm, thở không ra hơi. Tỉnh dậy, thấy mình đang trong phòng cách ly riêng biệt, người phụ nữ 50 tuổi lúc này đã linh cảm điều gì chẳng lành.

Bà Loan kể mãi đến bây giờ vẫn không quên được cuộc gọi từ người anh trai thông báo bà mắc Covid-19. Sức khỏe bà yếu ớt, chỉ nằm thở dốc từng cơn, các y bác sĩ cũng không dám báo tin vì sợ bà sốc.

“Em bị nhiễm virus rồi nhưng anh tin là tính em mạnh mẽ xưa giờ, sẽ ổn thôi. Anh trai tôi đã nói với tôi như thế. Đúng thật là tôi chỉ thấy rất mệt nhưng không sợ”, bà Loan thuật lại câu chuyện với người anh trai.

24 ngày chiến đấu với Covid-19

3 ngày sau khi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu, sức khỏe bà Loan diễn tiến xấu hơn. Qua hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

“Nhận được phim X-quang phổi của bệnh nhân từ đồng nghiệp ở Bạc Liêu, tôi bần thần. Phổi bệnh nhân này lúc nhập viện tổn thương nặng hơn cả nam phi công. Lúc đó, tôi chỉ mong đừng có thêm bệnh nhân 91 thứ 2”, bác sĩ Phong nhớ lại.

Bác sĩ Phong quyết định điều trị cho người phụ nữ này với kháng sinh phổ rộng, hỗ trợ oxy, thuốc đặc trị và thuốc chống rối loạn đông máu.

Bệnh nhân Loan trong ngày công bố khỏi bệnh. Ảnh: Xuân Thanh.

4 ngày sau khi nhập viện, nhân lúc bệnh nhân 91 được chụp CT Scan lần 1, người phụ nữ này được các y bác sĩ hỗ trợ chụp để kiểm tra tình trạng phổi.

“Đây là thời điểm phổi của bệnh nhân này tổn thương xấu nhất. Hôm nhận kết quả, bệnh nhân 91 tổn thương phổi 90%, bệnh nhân 278 tổn thương phổi gần 50%. Chúng tôi lặng người hồi lâu rồi tự động viên nhau, tiếp tục điều trị cho hai bệnh nhân, chỉ hy vọng bệnh nhân 278 đừng tiến triển xấu hơn”, bác sĩ Phong nói.

Tình hình càng thêm căng thẳng khi sau thời gian dùng thuốc kháng đông, bệnh nhân bị xuất huyết âm đạo, 2 ngày sau thì tiểu ra máu ồ ạt. Bệnh nhân rơi vào trạng thái hoang mang cực độ.

“Bệnh nhân lo một thì y bác sĩ chúng tôi phải lo đến mười vì bệnh nhân đã mãn kinh 2 năm. Khả năng lớn nhất là do bệnh nhân rối loạn đông máu do dùng thuốc. Song song đó, chúng tôi tiến hành siêu âm kiểm tra tình trạng tử cung, theo dõi rối loạn đông máu, xét nghiệm liên tục để tìm nguyên nhân dẫn đến xuất huyết”, bác sĩ Phong nói.

Qua diễn tiến xét nghiệm về đông máu không nặng, song trên lâm sàng bệnh nhân xuất huyết đại thể. Nhận định tình trạng này không đáng lo ngại, ông quyết định giảm liều thuốc cho người bệnh.

Với 23 năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh truyền nhiễm, phán đoán ban đầu và quyết định của bác sĩ Phong đã không sai. Sau khi giảm liều thuốc, tình trạng người bệnh ổn định dần, không còn xuất huyết.

Ngày 18/5, cả nam phi công và bệnh nhân 278 được vận chuyển chụp CT Scan lần thứ 2. Như điều kỳ diệu, phim X-quang phổi của hai bệnh nhân đều diễn tiến rõ rệt.

“Nam phi công hồi phục phổi gần 30% trong khi bệnh nhân 278 hồi phục hơn 90%. Nhìn lá phổi trên phim X-quang sáng đều, chúng tôi như trút được bớt tảng đá đè nặng trên vai”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhân 278 hồi phục sức khỏe. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện xuất viện.

Bệnh nhân 278 là trường hợp Covid-19 cuối cùng còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đến hiện tại. Ảnh: Xuân Thanh.

Mong phép màu cho bệnh nhân 91

Sau 24 ngày điều trị Covid-19, bà Loan cho biết cảm thấy may mắn vì đáp ứng điều trị, phổi không tổn thương nặng thêm. “Nếu phổi tiếp tục xấu hơn, có thể tôi đã giống như bệnh nhân 91. Tôi đã may mắn hơn ông ấy”, bà Loan tâm sự.

Người phụ nữ cho biết tình cảnh bệnh nhân 91 cũng như mình những ngày kẹt lại UAE. Không người thân, nếu mắc bệnh nơi đất khách, bà sẽ đơn độc như bệnh nhân này. Nhưng may mắn là bà được trở về quê hương, viên phi công vẫn đang giành giật sự sống từng ngày nơi đất khách.

“Mong phép màu sẽ đến với ông ấy, như đã đến với tôi”, người phụ nữ nói.

Buổi sáng ngày ra viện, con gái bà Loan đến trước khoa Nhiễm D từ sớm để được nhìn mặt mẹ sau thời gian xa cách. Bà Loan được xe của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) chuyển đến khu cách ly để theo dõi 30 ngày sau xuất viện.

Hai chiếc vé máy bay khứ hồi bà mua sẵn vẫn còn nằm im trong giỏi xách. Thời gian tới, khi dịch ổn định, bà Loan sẽ tiếp tục hành trình sang Dubai. Kỷ niệm về những ngày điều trị Covid-19 và ký ức về nam phi công người Anh sẽ là động lực khiến bà trân trọng cuộc sống và mạnh mẽ hơn nơi đất khách.

Nữ BN 278 khỏi Covid-19: 'Rất may không phải là bản sao BN 91' Bệnh nhân Covid-19 số 278 từng có diễn tiến phổi xấu tương tự ca mắc 91, may mắn, bà đáp ứng điều trị và đã được chữa khỏi căn bệnh này.

Thùy Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phep-mau-se-den-voi-benh-nhan-91-nhu-den-voi-toi-post1091004.html