Phép màu không đến tình cờ

Những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong suốt ¼ thế kỷ chứng minh rằng, ngay cả hai quốc gia từng được coi là thù địch vẫn có thể trở thành đối tác hiệu quả của nhau. Những thành quả ấy không đến ngẫu nhiên mà được tạo nên bằng các hoạt động hợp tác cụ thể, trong đó hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh là một ví dụ điển hình.

“Mắt xích” đầu tiên và lá thư từ nước Mỹ

Vài ngày trước khi chính thức kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (12-7-1995 / 12-7-2020), tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Hà Nội diễn ra một buổi lễ, dù không quá ồn ào, không quá nhiều người tham dự, nhưng đầy ý nghĩa. Đó là lễ ký bản ghi nhớ ý định về hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật định danh hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Là một trong số ít những phóng viên đến đưa tin về buổi lễ hôm đó, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có dịp gặp lại Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink và nghe ông xúc động nói rằng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong suốt 25 qua chắc chắn là một câu chuyện đầy thú vị, một hành trình ấn tượng và có lẽ cũng là một trong những ví dụ điển hình nhất trên thế giới về cách mà những cựu thù tìm thấy con đường để cùng nhau hợp tác, vượt qua quá khứ và đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cũng cho biết, khi nghe mọi người nói rằng tất cả những thành tựu mà Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được trong quan hệ song phương là một phép màu. Ông nhớ lại điều mà cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Pete Peterson, người có đóng góp quan trọng vào tiến trình bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, từng chia sẻ: “Sự tiến bộ chung của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ quả thực rất xuất sắc, nhưng đó không phải là một sự tình cờ. Tất cả những gì đạt được đều dựa trên sự can đảm, tinh thần thiện chí và công sức to lớn của những người đi trước. Và "mắt xích" đầu tiên trong chuỗi hành trình đó chính là sự sẵn lòng của Chính phủ Việt Nam trong việc hợp tác với Hoa Kỳ để tìm kiếm các binh sĩ của chúng tôi mất tích thời gian chiến tranh”.

 Máy bay trực thăng của Binh đoàn 18 phục vụ Chương trình MIA tại Đồng Hới (Quảng Bình) vào tháng 8-2016. Ảnh: TRUNG ANH.

Máy bay trực thăng của Binh đoàn 18 phục vụ Chương trình MIA tại Đồng Hới (Quảng Bình) vào tháng 8-2016. Ảnh: TRUNG ANH.

“Mắt xích” mà ông Pete Peterson nhắc đến được thiết lập từ năm 1985, khi Việt Nam và Hoa Kỳ tổ chức hoạt động hiện trường đầu tiên để tìm kiếm hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh (MIA), dù hợp tác thực sự đã bắt đầu từ trước đó với các cuộc thảo luận cấp cao giữa hai nước trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 6-2019, hai bên đã tổ chức nhiều đợt hoạt động hỗn hợp, tìm kiếm được 727 hài cốt quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Quan trọng hơn, như Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nói, quá trình hợp tác về MIA đã giúp hai nước hiểu rõ hơn thiện chí của nhau để từ đó thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Lần giở lại những tài liệu về thành quả hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân may mắn tìm lại được tấm ảnh chụp lá thư của bà Ann Mills-Griffiths, Giám đốc điều hành Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ gửi tới Lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội, tháng 12-2018). Trong thư bà viết: “Như các ông đã biết, chúng tôi rất may mắn khi khai quật và nhận dạng hài cốt của anh trai tôi, Chỉ huy James B.Mills, Lực lượng Dự bị Hải quân Mỹ, sau gần 52 năm kể từ khi anh trai tôi mất tích vào ngày 21-9-1966 khi bay trên một chiếc F4B Phantom từ tàu sân bay USS Coral Sea. Điều này thật kỳ diệu. Giống như 990 gia đình Hoa Kỳ khác có quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã rất may mắn, gia đình Mills rất biết ơn những người đã làm việc nỗ lực trong bốn thập kỷ qua để mang lại những kết quả như vậy”.

Có lẽ, những ai có mặt ở buổi lễ ngày hôm đó, khi nghe đọc lá thư của bà Ann Mills-Griffiths, sẽ cảm nhận rõ hơn tình cảm và lời cảm ơn mà rất nhiều gia đình Hoa Kỳ muốn gửi tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hỗ trợ trong hoạt động MIA suốt mấy chục năm qua.

Kỳ vọng lớn từ sự hỗ trợ hai chiều

Công tác tìm kiếm, khai quật và định danh hài cốt quân nhân mất tích sau chiến tranh có vai trò quan trọng cả về văn hóa và tinh thần đối với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ cũng như Việt Nam. Một sự hỗ trợ, hợp tác hai chiều giữa hai nước trong hoạt động đầy ý nghĩa này cũng đang được mở ra, với hy vọng đem lại hiệu quả lớn hơn nữa.

Kể từ sau chiến tranh, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam coi việc khôi phục, định danh và quy tập hài cốt Bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh là vấn đề quan trọng. Giải quyết hậu quả và các vấn đề nhân đạo sau chiến tranh cũng là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thế nhưng đến nay, vẫn còn hơn 200.000 liệt sĩ của Việt Nam chưa được quy tập hài cốt. Các chương trình tìm kiếm cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ vì số lượng hài cốt mà còn bởi sự hạn chế về khả năng phân tích DNA, thông tin về địa lý nhằm xác định vị trí hài cốt…

Từ đề xuất của phía Việt Nam, đến nay Hoa Kỳ đang mở rộng đáng kể sự hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam trong tìm kiếm, quy tập hài cốt Bộ đội Việt Nam mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11-2019 và hội đàm với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cam kết thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ dành cho Việt Nam sự hỗ trợ tích cực hơn trong hoạt động này. Và việc VNOSMP cùng USAID ký bản ghi nhớ ý định về hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật định danh hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh có thể coi như một sự kiện nhằm hiện thực hóa cam kết đó. Bởi theo thỏa thuận này, USAID sẽ cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất để phân tích và tách chiết ADN, hợp tác với Việt Nam để tăng cường hiệu quả và hiệu suất của các phòng xét nghiệm của Việt Nam, với mục tiêu cuối cùng là tăng số lượng hài cốt bộ đội Việt Nam được đoàn tụ chính xác với gia đình.

Tựu trung lại, hoạt động MIA, vốn bắt nguồn từ sự đối đầu trong chiến tranh, đã trở thành biểu tượng cho sự hàn gắn trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. MIA cũng dẫn đến những mắt xích tiếp theo-những công việc mà chính phủ và nhân dân hai nước đang nỗ lực hoàn thành với quyết tâm cao nhất. Đó là rà phá, loại bỏ bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, là các dự án tẩy độc da cam/dioxin, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật…

Nhìn lại những kết quả hợp tác đầy khích lệ ấy, càng tin rằng “phép màu” dành cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong suốt 25 năm qua quả thực không đến từ sự tình cờ.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/doi-ngoai/doi-ngoai/phep-mau-khong-den-tinh-co-626729