'Phép màu' đến từ... những trào lưu tích cực trên không gian mạng

Một trong những sức mạnh của không gian mạng là hình thành nên các trào lưu. Ban đầu sự hưởng ứng chỉ diễn ra trong môi trường không gian mạng xã hội, sau đó sẽ lan sang cuộc đời thật nếu được cộng đồng cư dân mạng đón nhận.

Đây là sự phát triển, sự vận động tất yếu. Nhưng sự vận động này có tính hai mặt, vừa là cơ hội để lan tỏa những trào lưu đẹp, đồng thời cũng có thể trở thành chất xúc tác cho những trào lưu chưa đẹp lan rộng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Vậy nên cần phát huy, ủng hộ những trào lưu hữu ích cho cộng đồng và phòng chống những trào lưu không tốt.

Giới trẻ cần nhiều hơn những không gian lành mạnh trên mạng xã hội. (Nguồn: Sài Gòn Giải phóng)

Đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Lâu nay, chúng ta thường “mất bò mới lo làm chuồng”. Nhiều khi một trào lưu nào đó gây hệ lụy tiêu cực nghiêm trọng đến mức dư luận báo động, chúng ta mới bàng hoàng nhận ra, loay hoay hối hả đi tìm nguyên nhân và bày tỏ quan ngại, thảo luận những giải pháp. Thiết nghĩ, chúng ta nên xoay chuyển tình huống này. Thay vì ở thế bị động, chúng ta nên chuyển sang tâm thế chủ động cả trong ý thức và hành động.

Một mặt, mỗi người cần tự ý thức về việc chủ động tạo ra những trào lưu tích cực để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Đa phần các trào lưu đẹp hiện nay thường tự phát hoặc vô tình được cộng đồng hưởng ứng, thậm chí có trường hợp người khởi xướng còn không tưởng tượng được rằng trào lưu sẽ “hot” đến như thế. Nếu tính chủ động được tăng cường, các trào lưu tốt đẹp sẽ có nhiều điều kiện để hình thành, phát triển, đóng góp hữu ích thiết thực cho xã hội.

Mặt khác, chúng ta cũng cần tăng cường phòng ngừa các trào lưu tiêu cực. Phòng hơn chống, bởi khi đến lúc chúng ta tìm giải pháp để chống, có nghĩa là tác hại, hậu quả có thể đã xảy ra. Vậy phòng ngừa ra sao? Đó là cần chủ động hơn nữa trong việc tổ chức các khóa học, lớp học, chương trình thông tin/truyền thông hoặc lồng ghép khéo léo vào các buổi học ở hầu khắp các cấp học về những nội dung liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh.

Không hô hào, tránh rập khuôn

Dường như, chúng ta chỉ chú trọng dạy người trẻ về công nghệ, mà quên mất phải đồng thời dạy luôn về ý thức nhận thức và hành vi ứng xử với công nghệ sao cho đúng đắn, tích cực, hiệu quả. Các cơ quan hữu quan cần triệt để hơn nữa trong công tác tuyên truyền xây dựng đời sống lành mạnh trên mạng xã hội, đặc biệt là với người trẻ - đối tượng chính trong việc sử dụng không gian mạng.

Có lẽ, để việc tuyên truyền có hiệu quả cần sự đổi mới trong phương pháp truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền. Chính sự rập khuôn, hô hào suông như hiện nay khiến cho người tiếp nhận cảm thấy nhàm chán, khó tiếp thu. Người dùng mạng xã hội rất quan tâm đến những điều mới lạ, thú vị, vậy nên các thông tin tuyên truyền nên theo kiểu “đến hẹn lại lên” sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Đặc biệt, sau các giải pháp về giáo dục, tuyên truyền là tinh thần siết chặt các hành vi vi phạm thông qua các chế tài đủ sức răn đe, nghiêm minh. Để có một không gian mạng trong lành, cần duy trì sự thượng tôn pháp luật.

Nhà báo Ngô Bá Lục:
“Công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng mặt trái của nó cũng thực sự khủng khiếp. Mạng xã hội mang lại nhiều điều tích cực, nhưng trong đó cũng nhiều thông tin tiêu cực, việc quan trọng nhất là tạo cho giới trẻ một “màng lọc” thật sự hữu hiệu. Những điều đó không phải lớn lên mới trang bị, mà ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã cần phải được hướng dẫn, định hướng, dạy bảo những điều thực tế khi sử dụng mạng Internet.

Nhà trường nên đưa các giáo trình, buổi nói chuyện, hoạt động ngoại khóa liên quan đến việc sử dụng Internet để các em có những kiến thức căn bản và thực tế trong việc hòa nhập với môi trường Internet rộng lớn đầy ích lợi nhưng cũng không ít cạm bẫy như hiện nay”.

TRẦN XUÂN TIẾN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phep-mau-den-tu-nhung-trao-luu-tich-cuc-tren-khong-gian-mang-92846.html