Phenikaa của ông Năng 'Do Thái' có gì để lấn sân mảng sản xuất ô tô công nghệ?

Với tiềm lực tài chính được tích lũy trong nhiều năm, tiếp bước VinFast, Tập đoàn Phenikaa của 'đại gia' Hồ Xuân Năng là doanh nghiệp Việt tiếp theo lấn sân vào mảng sản xuất ô tô công nghệ.

 Tập đoàn Phenikaa ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-in-Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam (Nguồn: Phenikaa X)

Tập đoàn Phenikaa ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-in-Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam (Nguồn: Phenikaa X)

Chiều 26/3, Tập đoàn Phenikaa đã tổ chức hội thảo “Công nghệ tự hành và giao thông thông minh”, đồng thời ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-in-Vietnam”.

Mẫu xe này được nghiên cứu và phát triển bởi CTCP Phenikaa X - thành viên thuộc Tập đoàn Phenikaa, với mục tiêu đầy tham vọng, trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực xe tự hành và robot công nghiệp tại Việt Nam.

Như vậy, sau VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Phenikaa là doanh nghiệp Việt tiếp theo lấn sân vào mảng sản xuất ô tô công nghệ.

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa (Nguồn: Phenikaa)

Phenikaa mạnh cỡ nào?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Tập đoàn Phenikaa có tên đầy đủ là CTCP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A, được thành lập vào tháng 10/2010, trụ sở chính hiện đặt tại số 167 Hoàng Ngân, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp (nắm giữ 99% VĐL), ông Phạm Hùng (nắm giữ 0,5% VĐL) và bà Phạm Thị Thu Hằng (nắm giữ 0,5% VĐL).

Tháng 6/2013, cả 3 cổ đông trên đồng loạt giảm sở hữu, tỷ lệ sở hữu của bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp tại Phenikaa lúc này chỉ còn 1%. Phần vốn còn lại được nắm giữ bởi 2 cá nhân mới là bà Nguyễn Ngọc Diệu Thúy (nắm giữ 1% VĐL) và ông Nguyễn Quốc Dung (nắm giữ 98% VĐL).

Các năm sau đó, thành phần cổ đông của Phenikaa có sự xuất hiện của một số cá nhân khác như ông Nguyễn Quốc Khanh, ông Phạm Kim Sơn, tuy nhiên họ đã đồng loạt thoái hết vốn.

Tính đến tháng 8/2019, Phenikaa có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hồ Xuân Năng - vị ‘đại gia’ sinh năm 1964 được giới kinh doanh gọi là Năng “Do Thái”.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận của Phenikaa (công ty mẹ) luôn ở mức rất cao, thậm chí vượt cả doanh thu thuần. Điều này cho thấy ngoài hoạt động kinh doanh chính, công ty này còn ghi nhận khoản lợi nhuận đáng kể từ hoạt động tài chính, hoạt động khác.

Cụ thể, năm 2016, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 572,4 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 742,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gần 130%. Năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Phenikaa đạt lần lượt 788,4 tỉ đồng và 875,8 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 679,3 tỉ đồng và 640,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 86% và 73%. Năm 2019, Phenikaa ghi nhận doanh thu thuần đạt 694,2 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 688,9 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 99%.

Trên bảng cân đối, tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Phenikaa đạt 5.233 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.874 tỉ đồng.

Phenikaa hiện sở hữu hệ sinh thái với hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực chính, gồm: công nghệ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo. Trong đó phải kể đến CTCP Vicostone - chủ sở hữu thương hiệu đá thạch anh Vicostone - đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã VCS.

Tính đến cuối năm 2020, Phenikaa nắm giữ tới gần 81,63% vốn điều lệ của Vicostone, cùng với đó, ông Hồ Xuân Năng cũng sở hữu 3,6% vốn tại doanh nghiệp này.

Những năm gần đây, các chỉ tiêu kinh doanh của Vicostone liên tục tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận đạt trên mức nghìn tỉ đồng.

Gần nhất là năm 2020, Vicostone ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.659,6 tỉ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.428,4 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 1,7% và 1,3% so với năm 2019.

Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Vicostone đạt 6.055 tỉ đồng, tăng 8,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, số dư tiền và tương đương tiền đạt 790,3 tỉ đồng, tăng 68%; phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.921,4 tỉ đồng; hàng tồn kho ở mức 2.019,7 tỉ đồng.

Về phía nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của Vicostone đạt 2.197,5 tỉ đồng, tăng khoảng 3% so với đầu năm. Trong đó, các khoản vay là 1.732,7 tỉ đồng, chiếm 28,6% tổng nguồn vốn.

Kết phiên hôm nay ngày 26/3, giá cổ phiếu VCS tăng 3,76% lên mức 96.500 đồng/cổ phiếu - cao hơn khoảng 11% so với đầu năm.

Ngoài Vicostone, ‘đại gia’ Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác như: CTCP phát triển thiết bị thông minh Phenikaa, Viện Nghiên cứu & Công nghệ Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa, CTCP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, CTCP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, CTCP Giải pháp Thông minh Phenikaa, CTCP Công nghệ Phenikaa MAAS, CTCP Điện tử Phenikaa, CTCP Thương mại và Chuyển giao Công nghệ Phenikaa, CTCP Phenikaa-X./.

Đồng Tiến

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/phenikaa-cua-ong-nang-do-thai-co-gi-de-lan-san-mang-san-xuat-o-to-cong-nghe-post144183.html