Phe quân sự Thái lôi kéo đảng viên cũ của Thaksin trước bầu cử

Các nhóm ủng hộ quân đội Thái Lan đang đẩy mạnh chiêu mộ các chính trị gia đối lập, đặc biệt là thành viên của đảng Pheu Thai, trước thềm cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 4 năm.

Lực lượng ủng hộ quân đội Thái Lan đang đẩy mạnh chiêu dụ các chính trị gia từ đảng Pheu Thai, đảng được lập ra và hiện vẫn quan hệ mật thiết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, trước thềm tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2019.

Phe quân đội đẩy mạnh chiêu mộ

Anand Sriphan, cựu nghị sĩ năm nay 72 tuổi dự định tranh cử tại tỉnh Udon Thai, Đông Bắc Thái Lan, cho biết nhận được cuộc gọi điện hồi tháng 6. Từ đầu dây bên kia, một người mà Anand nhận ra là thành viên nhóm ủng hộ quân đội tham gia chiến dịch chiêu dụ ngỏ lời gặp mặt.

Cựu nghị sĩ 72 tuổi từng hai lần được bầu vào quốc hội Thái Lan dưới tư cách đảng viên Pheu Thai. Trong cuộc bỏ phiếu năm 2011, đảng Pheu Thai -khi đó dẫn dắt bởi bà Yingluck, em gái cựu thủ tướng Thaksin - thắng cả 9 ghế đại biểu quốc hội của tỉnh Udon Thani. Riêng ông Anand chiến thắng với hơn 70% phiếu ủng hộ.

Phe quân sự Thái Lan đang đẩy mạnh chiêu mộ các chính trị gia đối lập. Ảnh: Japan Times.

Phe quân sự Thái Lan đang đẩy mạnh chiêu mộ các chính trị gia đối lập. Ảnh: Japan Times.

Ông Anand từ chối gặp mặt người của chiến dịch chiêu mộ khi nhận ra mục đích cuộc gọi là nhằm thuyết phục ông rời bỏ đảng Pheu Thai và ủng hộ quân đội.

Anand không phải đối tượng duy nhất của chiến dịch chiêu mộ do phe ủng hộ quân đội Thái Lan tiến hành. Mục tiêu của chiến dịch nhằm làm suy yếu các trung tâm ủng hộ đảng Pheu Thai ở các vùng nông thôn tại Đông Bắc và Bắc Thái Lan, tạo điều kiện cho quân đội nắm quyền kiểm soát đa số tại quốc hội.

Anusorn Iamsa-ard, phó phát ngôn viên đảng Pheu Thai, cho biết trong tháng 7, các sĩ quan quân đội liên tục tiếp cận các chính gia tại tỉnh Nakhon Ratchasima. Phe quân đội hứa hẹn phần thưởng tới gần 1 triệu USD cho những người sẵn sàng "đào ngũ" và chuyển sang ủng hộ Thủ tướng Prayut Chan-ocha.

Trước những nỗ lực chèo kéo thành viên, đảng Pheu Thai dọa sẽ công bố băng ghi âm những cuộc đối thoại mang tính mua chuộc nếu hoạt động này không chấm dứt.

Đảng Pheu Thai suy yếu

Dù vậy, theo Bangkok Post, hàng chục cựu nghị sĩ quốc hội đã rời bỏ đang Pheu Thai, chuyển sang ủng hộ phe quân đội. Điểm đến của những chính trị gia này là đảng Palang Pracharat (PPP). PPP là một trong những đảng nằm dưới sự ảnh hưởng của quân đội Thái Lan và ủng hộ đương kim thủ tướng Prayuth Chanocha tiếp tục nắm quyền.

Chiến dịch tháo chạy khỏi đảng Pheu Thai hiện nổi bật với hai chính trị gia một thời là thân tín của cựu thủ tướng Thaksin: cựu phó thủ tướng Suriya Jungrungreangkit và cựu bộ trưởng Công nghiệp Somsak Thepsuthin. Từng đóng vai trò quan trọng trong chính quyền Thaksin, hai nhân vật này hiện đứng đầu chiến dịch chiêu mộ và thường xuất hiện bên đương kim phó thủ tướng Somkid Jatusripitak.

Từng giành 265 ghế, tức quá bán tại quốc hội Thái Lan, sau cuộc tổng tuyển cử năm 2011, đảng Pheu Thai đang đứng trước nguy cơ bị gạt sang bên lề trò chơi quyền lực. Việc cả ông Thaksin và bà Yingluck đều đang lưu vong ở nước ngoài nhằm né tránh các bản án hình sự càng làm cuộc "tháo chạy" khỏi đảng này thêm trầm trọng.

Cựu thủ tướng Thaksin và em gái Yingluck hiện lưu vong tại nước ngoài. Ảnh: Asahi.

Trên danh nghĩa, chính quyền quân sự Thái Lan hiện vẫn cấm các đảng phái vận động chính trị. Tuy nhiên, hồi tháng 6, chính quyền đã nhắm mắt làm ngơ trước việc cựu phó thủ tướng Suriya mời hơn 50 cựu nghị sĩ tới một câu lạc bộ golf ở ngoại ô thủ đô Bangkok nơi thủ tướng Prayuth thường hay lui tới.

"Suriya nói với nhóm cựu nghị sĩ rằng ông ấy ủng hộ Prayuth tiếp tục làm thủ tướng", Bangkok Post cho biết.

Bangkok Post cho rằng nếu nhà chức trách cho phép phe ủng hộ quân đội tiến hành hoạt động chiêu mộ, đảng Pheu Thai và các đảng chính trị đối lập khác cũng cần được phép có những hoạt động tương tự.

Sau chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 2001, Thaksin tiến hành một cuộc cải cách lớn với hệ thống chăm sóc y tế. Theo đó, mọi cuộc kiểm tra sức khỏe chỉ tốn chưa tới 1 USD. Chính sách này của ông Thaksin giúp cựu thủ tướng giành được ủng hộ rộng rãi của nông dân và người dân nghèo ở nông thôn.

Tuy nhiên, chính quyền Thaksin bị chỉ trích là cái nôi cho tình trạng tham nhũng nặng nề, gây bất mãn cho phe quân đội, tầng lớp quý tộc và trung lưu thành thị. Giới trung lưu ủng hộ quân đội tiến hành lật đổ chính quyền Thaksin và Yingluck, em gái ông Thaksin, lần lượt vào các năm 2006 và 2014.

Sau 4 năm nắm quyền, chính phủ quân sự tuyên bố sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào ngày 24/2/2019. Với việc hai lãnh đạo kỳ cựu đều vắng mặt, một số nhà phân tích cho rằng đảng Pheu Thai sẽ sớm bị chính quyền quân sự ép giải thể.

Tuy nhiên, dù có thể loại bỏ đảng Pheu Thai khỏi quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử tới, nhiều khả năng phe quân đội sẽ gặp khó khăn trong điều hành chính phủ do không thể đạt được đồng thuận trong thực thi các chính sách.

Nữ thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan và sự nghiệp sóng gió Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan với tham vọng cải cách đất nước, bà Yingluck Shinawatra nhanh chóng vướng vào những bê bối chính trị và đối mặt hàng loạt cáo buộc.

Duy Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phe-quan-su-thai-loi-keo-dang-vien-cu-cua-thaksin-truoc-bau-cu-post873673.html