Phế phẩm đầu, vỏ tôm có thể mang về hàng tỉ đô la

Phụ phẩm trong ngành tôm được đánh giá có tiềm năng để phát triển, thậm chí có thể mang lại lượng ngoại tệ lên đến 3 tỉ đô la Mỹ trong tương lai. Thế nhưng, điều này chỉ thành hiện thực khi được đầu tư đúng mức về khoa học và công nghệ.

Sản phẩm của Công ty cổ phần Việt Nam Food chế biến từ phụ phẩm ngành tôm được trưng bày bên lề hội thảo. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo quốc tế “Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào hôm nay, 3-10, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, sản phẩm tôm chiếm tới 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành thủy sản Việt Nam với kim ngạch trong những năm gần đạt 3-4 tỉ đô la/năm. Điều này, có đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế- xã hội đất nước và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và cả nước nói chung.

Theo ông Tùng, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu ngành tôm mang về 10 tỉ đô la kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025. “Mặc dù mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ đô la vào năm 2025 vẫn còn một khoảng cách lớn, nhưng đây là mục tiêu có cơ sở”, ông Tùng cho biết và nói rằng với lượng phụ phẩm đầu, vỏ tôm lớn, nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng thì hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.

Ông Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, đơn vị có nhiều nghiên cứu về ngành tôm, cho biết, con tôm hiện nay chủ yếu chỉ được xuất khẩu phần thịt, trong khi vỏ, đầu được xem là phế phẩm, bán rất rẻ để làm thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, theo ông Trung, đây là nguồn tài nguyên có nhiều tiềm năng phát triển, nếu biết tận dụng và đầu tư đúng mức về khoa học công nghệ, nhất là khi sản lượng phụ phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông Trung cho biết, tính đến năm 2017, sản lượng tôm sản xuất của Việt Nam đạt 723.000 tấn, trong đó, có trên 325.000 tấn phụ phẩm. Dự báo, đến năm 2020, sản lượng tôm sản xuất đạt trên 832.000 tấn, trong đó, có trên 374.000 tấn phụ phẩm và con số này đến năm 2025 lần lượt đạt 1,153 triệu tấn và gần 519.000 tấn.

“Đây là tài nguyên, chứ không phải là phế phẩm nữa, nếu chúng ta làm tốt, áp dụng công nghệ vào thì đây là tài nguyên”, ông tái khẳng định.

Là đơn vị có nhiều năm tham gia vào ngành phụ phẩm tôm, bên lề hội thảo, ông Phan Thanh Lộc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF) đánh giá phụ phẩm phần lớn hiện được xử lý thô, tức mua phụ phẩm về hấp, sấy và nghiền để bán thô.

Tuy nhiên, theo ông, nếu đi theo hướng chiết suất, cô đặc và tinh sạch bằng việc đưa khoa học công nghệ vào, thì có thể mang lại một giá trị gia tăng rất lớn. “Với nhiều năm làm trong ngành phụ phẩm, tôi có thể khẳng định: nếu không có khoa học công nghệ, chúng ta không thể nào phát triển ngành này được”, ông nhấn mạnh.

Theo đánh giá khiêm tốn của ông Lộc, nếu có sự đầu tư đúng mức, đầu, vỏ tôm có thể mang lại 1-1,5 tỉ đô trong vài năm tới và nếu tiếp tục đi đúng đường có thể đạt 3 tỉ đô.

Muốn vậy, theo ông, đầu tiên Nhà nước cần xác định đây là ngành mới, cho nên, cần có chính sách ủng hộ đầu tư phát triển. “Tôi từng tính nhẩm, thành công trong phát triển chuỗi ngành tôm, thì phải xử lý gọn gàng phụ phẩm, cho nên, chúng ta phải cần ít nhất 10 nhà máy tương tự như nhà máy VNF đang có”, ông cho biết.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279638/phe-pham-dau-vo-tom-co-the-mang-ve-hang-ti-do-la.html