Phe ly khai Catalan dọa phá ngục giải thoát lãnh đạo đòi đôc lập khỏi Tây Ban Nha

Dự kiến vào chiều nay 11.9 (giờ châu Âu) sẽ có hàng trăm ngàn người vùng Catalan lại xuống đường biểu tình, đòi độc lập khỏi chính quyền trung ương Tây Ban Nha, và họ đã dọa sẽ phá ngục, giải thoát các lãnh đạo bị bỏ tù hồi năm 2017.

Phe chống Catalan độc lập xuống đường - Ảnh: AP

Chính quyền Tây Ban Nha đã có kế hoạch đối phó, sau khi ngăn chặn thành công vụ vùng Catalan toan tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 10.2017.

Kế hoạch gây tê liệt thành phố Barcelona của phe đòi ly khai

Theo Cơ quan An ninh Tây Ban Nha, các tài liệu liên quan các đảng cánh tả đòi ly khai Ứng cử để đoàn kết nhân dân (CUP) và Ủy ban Bảo vệ Cộng hòa (CDRS) cùng những cuộc điện thoại bị nghe lén, đã cho thấy các cánh ly khai này lập mưu gây tê liệt thành phố Barcelona “với một lực lượng cơ động thường trực” vào ngày 11.9, với hy vọng tạo nên một cuộc tuần hành khổng lồ ủng hộ độc lập, vào đúng ngày kỷ niệm một sự kiện đau buồn: quân đội hoàng gia Tây Ban Nha xâm chiếm vùng Catalan năm 1714.

Các phương án hành động của hai đảng này gồm tổng đình công, chặn đường vào sân bay, nhà ga xe lửa, hải cảng và cửa khẩu biên giới”.

Nhưng theo một tài liệu của CDRS mà báo Thế Giới (El Mundo, Tây Ban Nha) có được, cuộc tuần hành ngày 11.9 sẽ phủ kín Đại lộ Diagonal (một trong các đại lộ dài nhất, rộng nhất của Barcelona) và “mọi người sẽ không ra về, cho đến khi nào giải thoát được các tù nhân và những người lưu vong được trở về, cùng tuyên bố vùng Catalan trở thành cộng hòa độc lập”.

Thủ hiến Quim Torra đã kêu gọi người Catalan lập “một nước cộng hòa độc lập” cho vùng Catalan, tuyên bố ông sẽ không chấp nhận các phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha nữa.

Theo AP, trong một diễn văn truyền hình, ông nói với người ủng hộ: “Chính phủ chúng tôi quyết tâm biến nước cộng hòa thành hiện thực. Catalonia tự do muôn năm!”.

Thủ hiến Torra còn đề nghị “miễn tội” cho các quan chức ủng hộ độc lập đang bị tù chờ gày bị xét xử tội nổi loạn.

Chính quyền Tây Ban Nha đã đưa hàng trăm cảnh sát đến tăng cường, và cảnh sát Tây Ban Nha nói họ không tin cảnh sát khu vực có khả năng đối phó một cuộc nổi dậy lớn hoặc bùng phát bạo lực.

Bộ trưởng Nội vụ Fernando Grande-Marlaska tuyên bố cảnh sát vùng Catalan đã được sáp nhập vào Trung tâm chống khủng bố quốc gia, sau một cuộc họp giữa ông với Thủ hiến Torra.

Các nhà phân tích an ninh nói việc thiếu chia sẻ tin tình báo đã giúp bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công Barcelona hồi năm 2017.

Trận chiến dải nơ vàng ở Barcelona và “ném đá” ở mạng xã hội

Vài ngày qua, hai phe ủng hộ và chống Catalan độc lập đã đánh nhau vỡ đầu ở trung tâm Barcelona, vì chiến dịch treo dải nơ vàng (biểu tượng chống đối chính quyền trung ương của vùng Catalan) treo khắp thành phố để phản đối sự giam nhốt các lãnh đạo đòi độc lập, đã vấp phải sự đối phó của phe chống độc lập: họ tháo tất cả các dải nơ vàng treo ở cột đèn, trên cây cùng các nơi công cộng.

Phe chống độc lập nói họ tiếp tục bị cảnh sát khu vực và CDRS bắt nạt. CDRS đã mở chiến dịch trên mạng xã hội, để “ném đá” những cá nhân và doanh nghiệp bị xếp là “kẻ thù của Catalan độc lập”. Tuần trước, một chủ nhà hàng bị “ném đá” là dọn thức ăn thiu, chỉ vì ông xé dải nơ vàng ở cửa sổ và cửa chính nhà hàng của ông.

Erik Encinas, chủ trang tin Địa Trung Hải, cảnh báo: “Sự ủng hộ độc lập có thể chưa lớn mạnh, nhưng khuynh hướng của người ủng hộ độc lập là hành động bạo lực”.

Ông Encinas nói những đe dọa hướng vào người chống độc lập đã xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội, kèm theo thông tin cá nhân của nhóm này, cho thấy nhóm chống độc lập đã bị theo dõi.

Ông còn cho rằng Thủ hiến Torra là “con tin” của CUP, vốn có 4 đại diện trong quốc hội vùng và tạo nên thế đa số mỏng như dao lam cho cánh đòi ly khai cầm quyền ở Catalan.

Thủ tướng Sanchez bị chỉ trích nhượng bộ phe đòi ly khai

Theo các nhà phân tích, sự căng thẳng mới rất đáng lo ngại, vì gần đây có sự thay đổi lãnh đạo ở chính quyền địa phương và trung ương Tây Ban Nha, dẫn đến hy vọng sẽ có đàm phán và thỏa thuận về tương lai của vùng Catalan.

Tại Catalan, ông Torra trở thành Thủ hiến, sau cuộc bầu cử địa phương mà các đảng ủng hộ độc lập giành thế đa số ở quốc hội vùng. Ông Torra thay cựu Thủ hiến Carles Puigdemont, người đơn phương cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập hồi đầu tháng 10. 2017, bất chấp những lời cảnh báo từ Madrid.

Sau đó, chính ông Puigdemont trong vai trò thủ hiến đã tuyên bố độc lập ít ngày rồi rút lại. Nhưg cuộc trưng cầu dân ý bị Madrid cho là vi hiến, các hành vi của ông Puigdemont cùng cộng sự bị coi là nổi loạn.

Ngày 30.10.2017, tòa án Tây Ban Nha ra lệnh yêu cầu bắt nhóm của Puigdemont. Ngay trong ngày, Puigdemont và 5 cộng sự đã rời khỏi Tây Ban Nha và ít ngày sau xuất hiện tại Bỉ xin tị nạn.

Tại Madrid, chính phủ chống ly khai cứng rắn của Thủ tướng Mariano Rajoy đã được thay hồi tháng 5, bằng Thủ tướng Pedro Sanchez thuộc đảng Xã hội trung tả. Đảng này thuộc phe thiểu số trong chính phủ, và phần nào lệ thuộc các nghị sĩ Catalan theo chủ nghĩa dân tộc ở Quốc hội Tây Ban Nha.

Thủ tướng Sanchez đã có vài nhượng bộ với phe ly khai Catalan, như dở bỏ các điều khoản vùng này phải chịu sự điều hành trực tiếp của chính phủ Rajoy, và trả lại quyền kiểm soát tài chính khu vực cho quốc hội vùng Catalan.

Thủ tướng Sanchez còn chuyển các lãnh đạo đòi độc lập-gồm cựu Phó thủ hiến Oriol Junqueras và cựu chỉ huy cảnh sát vùng Joaquim Forn về các nhà tù ở vùng Catalan để được gần nhà họ.

Ông Sanchez còn nói sẽ cho phép tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới, nhằm mở rộng quyền tự trị cho vùng Catalan.

Nhưng nỗ lực tìm tiếng nói chung của vị Thủ tướng đã vai phải dòng thác chỉ trích của tất cả các bên.

Albert Rivera, thủ lĩnh tổ chức bảo thủ Công dân ủng hộ Madrid cáo buộc Thủ tướng Sanchez “tìm cách đàm phán nổi loạn” khiến nhà nước Tây Ban Nha không còn có thể kiểm soát vùng Catalan. Họ đòi ông Sanchez tái khẳng định quyền lực của chính phủ trung ương.

Lãnh đạo đảng Xã hội ở các vùng nghèo hơn-sẽ bị tác động từ việc bị giảm nguồn thu từ Catalan (vùng thịnh vượng nhất Tây Ban Nha) cũng kêu gọi Thủ tướng Sanchez tái kích hoạt các điều khoản hiến pháp để thu hồi quyền kiểm soát vùng Catalan.

Bích Ngọc (theo AP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/phe-ly-khai-catalan-doa-pha-nguc-giai-thoat-lanh-dao-doi-doc-lap-khoi-tay-ban-nha-96412.html