Phế liệu tìm đường vào Việt Nam: Quyết không đánh đổi!

Theo vị ĐBQH, hàng ngàn container phế liệu đang ùn ứ tại các cảng, không thể thêm gánh nặng cho môi trường Việt Nam.

Trước kiến nghị của 4 doanh nghiệp sản xuất giấy có vốn đầu tư nước ngoài về việc giữ lại mặt hàng giấy phế liệu chưa phân loại trong danh mục phế liệu được nhập khẩu từ nước ngoài cũng như đề xuất lập Quỹ tái sinh môi trường của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ĐBQH Lê Công Nhường, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tái khẳng định quan điểm của Chính phủ - kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường.

Ông cho biết, nếu không kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu thì tình trạng ùn ứ tại các cảng sẽ càng thêm trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường và khiến xã hội bức xúc.

Vì thế, yêu cầu đặt ra là phải kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.

"Doanh nghiệp tuyệt đối không được nhập rác về mà phải là những phế liệu đã được phân loại, chọn lựa. Hiện Việt Nam chưa thể cấm toàn bộ việc nhập khẩu phế liệu vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lộ trình sẽ phải thực hiện.

Các cơ quan quản lý cần khuyến cáo doanh nghiệp chuyển qua dùng phế liệu trong nước. Dĩ nhiên, như đã nói, việc này phải có lộ trình và Bộ TN-MT phải khảo sát doanh nghiệp", ĐBQH Lê Công Nhường nói.

Các doanh nghiệp ngoại xin tiếp tục nhập giấy phế liệu chưa phân loại. Ảnh minh họa

Riêng đối với ngành giấy Việt Nam, vị Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý, giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nếu dùng giấy phế liệu chưa phân loại thì càng thêm gánh nặng cho môi trường Việt Nam.

Vì thế, ông cho rằng, doanh nghiệp cần sử dụng giấy phế liệu đã phân loại. Bên cạnh đó, nguồn giấy phế liệu tại Việt Nam cũng có, các doanh nghiệp có thể tổ chức thu mua trong nước.

"Trong bối cảnh hiện nay, phế liệu đã ùn ứ rất nhiều ở các cảng, giải quyết được chỗ ùn ứ đó đã rất khổ", vị đại biểu nói.

Cùng với đó, đề cập đến đề xuất của Hiệp hội Nhựa Việt Nam về việc thành lập Quỹ tái sinh môi trường, đại biểu Lê Công Nhường đặt câu hỏi: Việt Nam đã có rất nhiều quỹ, không rõ Quỹ tái sinh môi trường hoạt động thế nào, có thực sự giải quyết được ô nhiễm gây ra hay không?

"Theo quy định, tổ chức, cá nhân nhập phế liệu đã phải ký quỹ để bảo đảm họ phải chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu. Giờ lại thêm Quỹ tái sinh môi trường, liệu có bị chồng chéo?

Hơn nữa, các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều, nhiều đơn vị nhập nhựa về nhưng hóa ra toàn rác, dính dầu, dính mỡ, xử lý rất khổ. Sản xuất sản phẩm từ những phế liệu nhựa như vậy cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh cho người dân", ĐBQH Lê Công Nhường cho biết.

Trước đó, cũng bày tỏ quan điểm về những đề xuất nêu trên của 4 doanh nghiệp sản xuất giấy cũng như Hiệp hội Nhựa Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thẳng thắn cho rằng tuyệt đối không thể đồng ý với những đề xuất này bởi bài toán được-mất đã quá rõ ràng.

Bà An đặt câu hỏi: Nếu bây giờ nhượng bộ, liệu một đồng lợi nhuận kinh tế có kéo lại được 10 đồng của bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bù cho dân, đặc biệt là tính mạng của dân bị ảnh hưởng vì môi trường bẩn, không chỉ thế hệ này mà còn nhiều thế hệ sau, chất lượng nguồn lực về sau của Việt Nam?

Nhằm loại bỏ nguy cơ Việt Nam bị biến thành trung tâm chất thải, phế liệu, Bộ TN-MT đề xuất loại bỏ 6 loại phế liệu trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Thứ nhất, loại bỏ phế liệu “Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi”. Bộ TN-MT cho rằng đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu khác nhau, được thu hồi từ nhiều nguồn khác nhau mà chưa được phân loại. Loại phế liệu này thường được sử dụng để tái chế thành các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thứ hai, sửa đổi loại phế liệu “Phế liệu và mẩu vụn từ nhựa khác”, bỏ loại phế liệu có nguồn gốc từ sinh hoạt đối với tất cả loại nhựa phế liệu.

Thứ ba, loại bỏ phế liệu “Thạch cao” vì hiện nay chỉ có một doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu loại này nhưng chưa triển khai hoạt động nhập từ khi được cấp Giấy xác nhận đến nay. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh, xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

Thứ tư, loại bỏ phế liệu “Các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dung trong điện tử” vì đến nay, không có doanh nghiệp nào đề nghị nhập khẩu loại phế liệu này.

Thứ năm, loại bỏ phế liệu “Tơ tằm mã HS 50030000”.

Thứ sáu, loại bỏ phế liệu “Xỉ hạt nhỏ” từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép.

Lãnh đạo Bộ TN-MT cho rằng, những nhóm phế liệu không cho nhập là những loại chưa đánh giá được hiệu quả sử dụng, không được kiểm soát chất lượng. Những loại phế liệu đã được cấp phép, thậm chí đang cho nhập, nhưng nhu cầu trong nước không có hoặc nguồn cung trong nước đã đáp ứng đủ cũng nên bị loại khỏi Danh mục được phép nhập.

Việc loại bỏ 6 loại phế liệu này sẽ không làm phát sinh chi phí với nhà nước và người dân, đồng thời cũng giải quyết được các vướng mắc, hạn chế phát sinh trên thực tiễn về quản lý phế liệu.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/phe-lieu-tim-duong-vao-viet-nam-quyet-khong-danh-doi-3364992/