Phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường

Do áp lực từ chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu một số phế liệu, chất thải rắn để tái chế của Trung Quốc và một số nước trên thế giới dẫn đến việc dịch chuyển lượng phế liệu vào khu vực ASEAN có xu hướng tăng dần trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu thông tin quản lý, theo dõi hoạt động nhập khẩu phế liệu các năm 2016, 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016 tổng khối lượng các loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 3,5 triệu tấn thì sang năm 2017 tổng khối lượng phế liệu đã tăng lên khoảng 7,9 triệu tấn. Việc gia tăng nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để làm nguyên liệu sản xuất cũng góp phần làm gia tăng chất thải phát sinh từ lượng tạp chất đi kèm phế liệu trong quá trình sử dụng, tái chế phế liệu.

 Các phế liệu, rác thải nhựa được chất đống ven bờ sông ở làng tái chế xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa

Các phế liệu, rác thải nhựa được chất đống ven bờ sông ở làng tái chế xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 6/2020 số hàng hóa tồn đọng là phế liệu trên 90 ngày tại các cảng biển còn khoảng hơn 3.000 container. Như vậy so với cùng thời điểm năm 2019, số lượng container hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển đã giảm nhiều.

Thực trạng công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu cho thấy lợi dụng kẽ hở của pháp luật về hàng hải, thương mại và quản lý nhập khẩu phế liệu, một số tổ chức, cá nhân vô trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường đã nhập khẩu các phế liệu không đúng quy định, đưa chất thải nguy hại vào Việt Nam, hành động nhập khẩu chất thải trái phép dưới danh nghĩa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất làm tăng đáng kể lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại ở một số khu vực đô thị, nông thôn theo đó đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tới mức nghiêm trọng.

Do đó thời gian qua đã có những chính sách điều chỉnh về nhập khẩu phế liệu qua đó đã tạo ra những thay đổi trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện vụ quản lý chất thải Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Chính phủ đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP).

Trước thực tế một số nước (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới) đã hạn chế, cấm nhập khẩu một số loại phế liệu tạo nên sự dịch chuyển lượng lớn phế liệu nhập khẩu vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và việc kiểm soát quy trình nhập khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa là phế liệu chưa chặt chẽ dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu không xác định được chủ hàng tại các cảng biển nước ta, nhất là tại các cảng biển ở Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Để giảm thiểu tình trạng nhập khẩu phế liệu không đúng quy định, giảm số lượng container hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp bộ ngành rà soát số lượng phế liệu tồn đọng. Trong đó Chính phủ đã có những chỉ thị ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vào Việt Nam, hướng dẫn luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ ràng về phòng ngừa từ xa như là yêu cầu các đơn vị phải có thông tin khai báo rõ ràng và phải ký quỹ trước khi đưa hàng vào Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành quy chuẩn về các mặt hàng phế liệu được phép nhập khẩu.

Gần đây nhất, Thủ tướng ban hành Quyết định 28/2020/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó chỉ cho phép nhập khẩu 24 mã thay vì 36 mã như Quyết định 73/2014/QĐ-TTg trước đây. Cụ thể, bỏ mã phế liệu có nguy cơ ảnh hưởng môi trường cao, một số phế liệu chưa đảm bảo được điều kiện tái chế.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phe-lieu-nhap-khau-phai-dap-ung-dieu-kien-bao-ve-moi-truong-115682.html