Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình

'Việc phê duyệt sẽ không có gì phải bàn luận nếu các điều kiện được thực hiện nghiêm túc' - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân.

Ngày 18.12.2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tại văn bản số 3805/QĐ-BTNMT.

Trước đó, ngày 03.11.2018, Hội đồng thẩm định do Bộ TNMT thành lập đã họp để thẩm định. 21/21 ủy viên có mặt đã thông qua ĐTM với điều kiện phải sửa đổi đầy đủ theo các ý kiến đã được phát biểu (1).

Việc phê duyệt sẽ không có gì phải bàn luận nếu các điều kiện được thực hiện nghiêm túc.

Nghiên cứu văn bản và ĐTM đã được phê duyệt, tôi cho rằng ĐTM đã không được chỉnh sửa, bổ sung đúng với yêu cầu và vì vậy việc phê duyệt là khó chấp nhận và cần làm rõ một số điểm.

Có hai ý quan trọng trong phát biểu kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định:

(1) Yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ, lập bảng giải trình đối với từng ý kiến mà cuộc họp đã góp để tiếp tục hoàn chỉnh dự án và báo cáo ĐTM, đặc biệt về cơ chế vận hành của các cống, và báo cáo ĐTM phải có đầy đủ ba giai đoạn: chuẩn bị thi công, thi công và sau khi công trình đi vào hoạt động.

(2) Câu hỏi gửi đến Thứ trưởng Hoàng văn Thắng về ý kiến của nhiều ủy viên đề nghị hoãn việc phê duyệt dự án đến khi công bố Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL theo tinh thần NQ 120 của Chính phủ. Trong thời gian đó chủ đầu tư hoàn chỉnh việc sửa đổi các báo cáo NCKT và ĐTM như đã góp ý.

Những ý kiến nỗi trội đã được nhiều ủy viên HĐTĐ phát biểu là:

+ Báo cáo NCKT phải nêu rõ các yếu tố đặc thù của vùng dự án, phải bổ sung thông tin về trầm tích, về mưa, về nước biển dâng, về địa hình, về sụt lún đất, làm rõ hiện trạng về đa dạng sinh học, về sản xuất nông lâm thủy sản, về rừng U Minh Thượng ngày trước và Vườn quốc gia UMT hiện nay. Làm rõ để đánh giá các tác động và khả năng thoát lũ của dự án.

+ Vùng tác động cũng như vùng hưởng lợi từ dự án không có biên cố định như trong báo cáo NCKT, mà thay đổi theo nhiều yếu tố, đặc biệt nước biển dâng, sụt lún ở đồng bằng, và từ chính công trình.

+ Báo cáo NCKT và ĐTM của dự án đưa ra nhiều kết luận từ mô hình số. Số liệu phải có độ dài đủ để đáng tin. Các chuỗi số liệu được sử dụng là quá ngắn.

+ Chế độ vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé là không thực tế.

Báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa bổ sung thế nào

Báo cáo ĐTM được phê duyệt đã được gửi kèm văn bản số 1661/BQL10-TD ngày 21.11.2018 của chủ đầu tư đến Bộ TNMT. Như vậy việc chỉnh sửa bổ sung được thực hiện chỉ trong vòng hai tuần, một thời gian rất ngắn để làm hết những việc mà Hội đồng thẩm định yêu cầu một cách nghiêm túc.

Dưới đây là bảng so sánh Mục lục của ba ĐTM, phiên bản tháng 9 (trái), phiên bản trình Hội đồng thẩm định (giữa) và phiên bản được phê duyệt (phải).

Số trang, cách đánh số các đoạn, phân đoạn có thể thay đổi, nhưng đọc kỹ và so sánh các phiên bản tôi đã thấy nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên, đặc biệt phần tác động môi trường khi các cống đi vào vận hành, và chế độ vận hành của các cống. Việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM chỉ là kết quả sử dụng các thao tác “lược bỏ”, “chép” và “dán” trên máy tính. Nó đã không đi vào nội dung được yêu cầu mà chỉ làm mang tính hình thức, nghĩa là đã làm không nghiêm túc.

Quyết định phê duyệt 3805/QĐ-BTNMT, một số điều cần làm rõ

Quyết định của Bộ TNvMT phê duyệt báo cáo ĐTM của một dự án là một văn bản quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Vì vậy cần tiến hành hết sức khoa học, khách quan, tuyệt đối không bị chi phối bởi lợi ích ngành, lợi ích nhóm.

Quyết định 3805/QĐ-BTNMT có nhiều điều cần làm rõ. Chỉ xin nêu hai ví dụ.

Ví dụ 1. Tại Điều 1, khoản 2.8. “Xây dựng chế độ vận hành (đóng/mở) cống, điều chỉnh chế độ vận hành để giảm thiểu tác động đến tính tự nhiên của dòng chảy, xói lở đường bờ và môi trường, đa dạng sinh học; đảm bảo thuận tiện cho người dân và phương tiện giao thông thủy đi lại qua cống”.

Yêu cầu là vậy, trong khi sơ đồ vận hành cống trong ĐTM được phê duyệt là “Vào mùa khô (từ tháng 1÷6): chỉ đóng khoảng 20 - 26 ngày vào các tháng 2 đến tháng 5, trong 1 tháng chỉ đóng tối đa 6 ngày để kiểm soát mặn/ngọt; Vào mùa mưa (từ tháng 7÷12): bình thường hầu như cống mở cửa hoàn toàn trả lại gần như hiện trạng lòng sông tự nhiên, chỉ đóng vào thời điểm có xảy ra mưa lớn, lũ lớn và triều lớn” (trang 292).

Câu hỏi 1: Tại sao ĐTM vẫn được phê duyệt với một sơ đồ vận hành các cống quá sơ lược đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu các tác động? để rồi yêu cầu xây dựng một chế độ vận hành khác?

Câu hỏi 2: Nếu không xây dựng được chế độ vận hành theo yêu cầu ở khoản 2.8. Điều 1 thì sao? Làm gì với công trình đã xây xong?

Ví dụ 2. Điều 1, khoản 3.1. “Chủ dự án chỉ được phép triển khai Dự án sau khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:

(a) Được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNvPTNT cho phép đầu tư Dự án; bảo đảm các yêu cầu của Nghị quyết số 120 (…); phù hợp vói Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1387/QD-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2012, Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL (điều chỉnh) trong giai đoạn tiếp theo (…).

Câu hỏi 3: Đầu tư cho Dự án giai đoạn 1 là 3309,5 tỷ đồng thuộc loại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Tại sao có thêm Bộ NNvPTNT cho phép?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/phe-duyet-mot-dtm-va-trach-nhiem-giai-trinh-3372499/