Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều.

GD&TĐ - Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia,…

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm 64%, tương đương 48.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách địa phương là gần 12.700 tỷ đồng, còn lại huy động nguồn lực hợp pháp khác.

Về mục tiêu cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì ở mức 1,0% - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đưa tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Về kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025: Phấn đấu giảm một nửa số hộ nghèo, và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình; phối hợp với các bộ ngành địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình.

Đối tượng thụ hưởng của Chương trình bao gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi cả nước. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo;

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và vùng nghèo, vùng khó khăn;

Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã tại vùng nghèo, vùng khó khăn; …

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phe-duyet-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-giai-doan-2021-2025-zJVb4XJ7R.html