Phe Dân chủ giành được Hạ viện nhưng không dễ chọn ra lãnh đạo

Bà Nancy Pelosi nhiều khả năng sẽ trở thành chủ tịch Hạ viện và sẽ dẫn đầu phe đa số táo bạo đang nóng lòng hạ bệ Tổng thống Trump.

Đảng Dân chủ đã giành thắng lợi tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ hôm 6/11, đồng nghĩa với việc Tổng thống Donald Trump hứng chịu một "thất bại" nhức nhối, khiến thế bao vây mà đảng Cộng hòa tại ra tại Washington bị phá vỡ đồng thời đưa vấn đề luận tội tổng thống vào cuộc chơi trong năm tới.

Chiến thắng của phe Dân chủ cũng có thể đưa bà Nancy Pelosi trở lại với ghế chủ tịch Hạ viện sau 8 năm đứng ở phe thiểu số, một màn quay lại lịch sử sẽ làm lừng lẫy thêm sự nghiệp vốn đã trở thành huyền thoại của đảng viên Dân chủ từ California. Điều này sẽ giúp bà trở thành người quan trọng nhất trong đảng Dân chủ tại Mỹ - cũng là nhân vật đối lập yêu thích của ông Trump - cho đến khi đảng Dân chủ lựa chọn ứng viên tổng thống 2020.

Bà Pelosi chưa chính thức thông báo bà sẽ chạy đua cho chức chủ tịch Hạ viện nhưng dự kiến sẽ công bố vào ngày 7/11. Bà sẽ phải giành chiến thắng trước hơn 218 đảng viên Dân chủ để giành được chiếc búa chủ tịch, việc có thể không dễ dàng vì một nhóm ứng viên Dân chủ chiến thắng đêm 6/11 đã nói rằng họ sẽ không ủng hộ bà.

Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban Tranh cử Quốc hội đảng Dân chủ (DCCC) Ben Ray Lujan đã giới thiệu bà Pelosi với tư cách là chủ tịch Hạ viện tiếp theo trong một căn phòng ken đặc người ủng hộ vào đêm 6/11. "Các bạn hãy vỗ tay cho chủ tịch Hạ viện của tôi! Nancy Pelosi", ông Lujan tuyên bố.

Bà Nancy Pelosi, đứng cạnh ông Ben Ray Lujan, phát biểu sau khi đảng Dân chủ giành chiến thắng tối 6/11. Ảnh: AP.

Bà Nancy Pelosi, đứng cạnh ông Ben Ray Lujan, phát biểu sau khi đảng Dân chủ giành chiến thắng tối 6/11. Ảnh: AP.

Sẵn sàng cho 2 năm sóng gió

Ông Trump đã gọi cho Pelosi đêm 6/11 để chúc mừng bà về chiến thắng của đảng Dân chủ và hai người nói về sự hợp tác giữa hai đảng, nhưng các xung đột trước mắt sẽ được hâm nóng. Và bà Pelosi ám chỉ điều đó trong bài phát biểu trước các đảng viên Dân chủ sau khi giành lại được Hạ viện.

"Chuyện của ngày hôm nay là về... vấn đề khôi phục Hiến pháp cũng như hệ thống kiểm soát và cân bằng đối với chính quyền Trump", bà Pelosi nói với đám đông. "Đó là về việc ngăn chặn cuộc tấn công của đảng Cộng hòa và chính quyền Trump đối với Medicare và Medicaid... cũng như những người sống với các điều kiện y tế đã có từ trước".

Khi bà Pelosi tuyên bố rằng "chúng ta sẽ tháo nước đầm lầy", đám đông hưởng ứng mạnh mẽ.

Cuộc triệt thoái của đảng Cộng hòa chấm dứt 8 năm đảng này kiểm soát Hạ viện. Nó cũng tạo ra phe đa số quyết liệt và tiến bộ hơn với các đảng viên Dân chủ sẵn sàng đụng độ với Tổng thống Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ.

Sự thay đổi quyền lực có thể sẽ tạo ra 2 năm mà Đồi Capitol (nơi đặt trụ sở quốc hội Mỹ) liên tục rơi vào thế bế tắc căng thẳng trong các vấn đề lập pháp, đặc biệt khi cả hai bên cùng tranh đua cho chiếc ghế tổng thống vào năm 2020.

Ông Trump và các quan chức cấp cao của chính quyền chắc chắn cũng sẽ phải chịu một làn sóng điều tra do đảng Dân chủ phát động. Chủ tịch đảng Dân chủ tương lai đã có một danh sách dài trát tòa và yêu cầu về tài liệu mà họ muốn, trong khi các thành viên cấp tiến hơn trong đảng có thể thúc đẩy việc luận tội tổng thống, tùy thuộc vào kết luận từ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ có thể phải vất vả để kìm hãm khao khát luận tội ông Trump của các cử tri ủng hộ đảng, việc mà họ coi là phản tác dụng về mặt chính trị, đặc biệt là khi đảng Dân chủ có lẽ sẽ không thể có được hai phần ba số phiếu cần thiết tại Thượng viện để đưa ông Trump ra khỏi Nhà Trắng.

Phe Dân chủ đã sẵn sàng đụng độ với Tổng thống Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa nắm giữ trong hai năm tới. Ảnh: Reuters.

Việc tiếp quản Hạ viện mang lại cho đảng Dân chủ một nền tảng để làm nổi bật tầm nhìn của họ cho đất nước, cũng như một bệ phóng cho nỗ lực hạ bệ ông Trump vào năm 2020. Bà Pelosi và người phụ trách kỷ luật của phe thiểu số Steny Hoyer đã thảo luận về việc thông qua luật cho phép mở rộng kiểm tra lý lịch trong các giao dịch mua bán súng, nghiêm khắc hơn về vấn đề tiền bạc trong chính trị và vận động hành lang, cũng như bảo vệ môi trường, hủy bỏ dự luật cắt giảm thuế cho người giàu có và mở rộng Obamacare.

Dù chưa dự luật nào trong số trên đã thành luật, chúng sẽ tạo ra sự tương phản rõ ràng với các chính sách của ông Trump và cho cử tri một bức tranh toàn cảnh về những gì đảng Dân chủ sẽ làm nếu họ giành được Nhà Trắng và Thượng viện trong mùa bầu cử tới.

Xung đột giữa cũ và mới

Tuy nhiên, trước tiên, đảng Dân chủ Nhà sẽ phải tìm ra ai là lãnh đạo của họ.

Bà Pelosi từ lâu đã phải đối mặt với những lời kêu gọi rút rui để nhường chỗ cho một thế hệ lãnh đạo mới, điều mà bà liên tục cự tuyệt. Dù vậy, con đường để bà Pelosi giành được chiếc búa của chủ tịch Hạ viện sẽ không dễ dàng.

Một loạt đảng viên Dân chủ giành chiến thắng trong đêm 6/11 đã công khai chống lại bà và thề sẽ chống đối bà tại Hạ viện. Họ bao gồm ông Conor Lamb bang Pennsylvania, bà Abigail Spanberger bang Virginia và ông Jason Crow bang Colorado. Bà Mikie Sherrill bang New Jersey cũng đã công khai nói trước camera sẽ phản đối bà Pelosi trong quảng cáo truyền hình, đặt bà vào tình thế khó lòng làm khác.

Tuy nhiên, rất nhiều đảng viên Dân chủ đắc cử khác để cánh cửa mở trong việc ủng hộ bà Pelosi. Bà đã giúp đỡ một cách cá nhân nhiều ứng viên, những người kêu gọi "sự lãnh đạo mới" một cách mơ hồ. Nhiều đồng minh của bà mong đợi những ứng viên này sẽ đứng vào hàng ngũ và cuối cùng sẽ ủng hộ bà.

Dân biểu Tim Ryan, người từng thất bại trước bà Pelosi trong cuộc đua tranh chức lãnh đạo phe thiểu số cách đây hai năm, cho biết ông không có ý định thách thức bà lần nữa, mặc dù không loại trừ khả năng này. Đảng viên Dân chủ từ bang Ohio cho biết ban lãnh đạo đảng Dân chủ cần phải đặt việc tái đắc cử của các ứng viên mới này hàng đầu và cảnh báo rằng sẽ rất nguy hiểm nếu một số thành viên mới ủng hộ bà Pelosi.

"Tôi nghĩ họ nhận thức được rằng họ được dân bầu để thực hiện một số thay đổi lớn và họ sẽ không ngại giữ nguyên trạng quan hệ (với bà Pelosi)", ông Ryan nói. "Họ tách khỏi ban lãnh đạo của chúng ta vì có lý do và sau này họ giành chiến thắng trên nền tảng đó và tất cả chúng ta cần phải tôn trọng điều đó".

Những cử tri ủng hộ đảng Dân chủ vui mừng khi đảng này giành lại được quyền kiểm soát Hạ viện. Ảnh: AP.

Bà Pelosi cũng sẽ phải bỏ công thuyết phục các thành viên hiện tại của ban lãnh đạo. Vào đêm bầu cử, một nhóm nhỏ những người chỉ trích bà Pelosi mạnh mẽ nhất đã sẵn sàng lên kế hoạch tổ chức các lực lượng chống đối bà để tối đa hóa số thành viên của nhóm, dù họ đều biết những nỗ lực như vậy đã thất bại trong quá khứ.

Về phía đảng Cộng hòa, lãnh đạo đa số Kevin McCarthy một lần nữa mất cơ hội trở thành chủ tịch Hạ viện. Ông McCarthy đã sẵn sàng thông báo về việc ra ứng cử vị trí lãnh đạo thiểu số vào ngày 7/11 và được dự đoán dễ dàng giành thắng lợi trước đối thủ là dân biểu Jim Jordan.

Mâu thuẫn trong đảng Dân chủ

Nếu bà Pelosi có thể trở thành chủ tịch Hạ viện, bà sẽ phải chiến đấu với ông Trump và Thượng viện thuộc về phe Cộng hòa một cách thận trọng.

Thậm chí trước khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa hôm 6/11, bà Pelosi và các nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ đã để ngỏ khả năng phối hợp với ông Trump trong vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm chi phí thuốc kê toa - hai ưu tiên hiếm hoi của phe Dân chủ mà ông Trump cũng ủng hộ.

Bà Pelosi cũng giảm tông khi đề cập đến viễn cảnh tổng thống bị luận tội. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn với PBS rằng "đó không phải là những gì mà ban lãnh đạo chúng tôi nghĩ đến".

"Việc đó chưa được thống nhất và tôi bị chỉ trích trong nội bộ đảng vì không ủng hộ việc đó - nhưng tôi không ủng hộ", bà Pelosi nói. "Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ phải là một quyết định của lưỡng đảng và bằng chứng sẽ phải rất thuyết phục".

Tuy nhiên, các đảng viên cấp tiến của đảng Dân chủ không thể che giấu vấn đề hoàn toàn. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerry Nadler và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Elijah Cummings của Hạ viện đã vạch ra những tranh cãi liên quan đến ông Trump mà họ dự định ưu tiên xem xét kỹ lưỡng, những tài liệu nào mà họ dự định yêu cầu cung cấp và những quan chức chính quyền nào mà họ sẽ gọi ra điều trần.

Cử tri Mỹ đi bầu cử giữa kỳ hôm 6/11. Ảnh: AP.

Các đảng viên Dân chủ được cho là sẽ không chỉ nhắm vào bất cứ kết luận nào mà ông Mueller đưa ra trong cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử năm 2016, mà còn nhắm vào cáo buộc sử dụng ngân sách sai mục đích của các quan chức nội các, chính sách chia cắt gia đình của ông Trump, việc ứng phó sau bão ở Puerto Rico, hồ sơ thuế của ông Trump và bất kỳ xung đột lợi ích nào giữa vai trò tổng thống và công việc kinh doanh cá nhân của ông.

Tuy nhiên, bà Pelosi không đề cập đến bất kỳ chuyện nào trong những chuyện trên hôm 6/11.

"Chúng tôi sẽ không truy sát đảng Cộng hòa theo cách mà họ truy sát chúng tôi", bà Pelosi nói với các phóng viên, đề cập đến các cuộc điều tra quyết liệt của dân biểu Darrell Issa về chính quyền Obama. "Chúng tôi không phải là họ. Chúng tôi là đảng Dân chủ… sẽ nỗ lực cho sự hợp tác giữa hai đảng, cho sự sự đoàn kết".

Nếu phe Dân chủ thắng, TT Trump sẽ bị ảnh hưởng thế nào? Tổng thống Donald Trump đang dồn toàn lực cho cuộc bầu cử giữa kỳ, điều ông lo sợ là chiến thắng của phe Dân chủ bởi nó quyết định nhiệm kỳ của ông kết thúc suôn sẻ hay chông gai.

Đông Phong (theo Politico)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phe-dan-chu-gianh-duoc-ha-vien-nhung-khong-de-chon-ra-lanh-dao-post890330.html