Phê bình văn học liệu có đang 'ngủ đông'?

Phê bình kí hiệu học - Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ là tên buổi tọa đàm cũng như cuốn sách mới nhất của PGS. TS La Khắc Hòa sẽ được 'mổ xẻ' vào lúc 14h ngày 24/9 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Liệu ngoài sinh viên và giáo viên có chuyên ngành liên quan, còn ai quan tâm đến phê bình văn học?. Đây là một câu hỏi đầy băn khoăn của những người làm sách tại NXB Phụ nữ khi quyết định in một cuốn sách phê bình văn học trong bối cảnh hôm nay.

Tuy nhiên, NXB Phụ nữ cũng tiết lộ: Khi cuốn Phê bình kí hiệu học - Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ của tác giả Lã Nguyên (bút danh của PGS. TS La Khắc Hòa) vừa được giới thiệu trên trang của NXB Phụ nữ, ngay lập tức có đại lý vào đặt hàng và khách lẻ từ nhiều miền trên đất nước vào hỏi mua.

Cuốn sách phê bình văn học đang được quan tâm

Không biết họ có phải là sinh viên, giáo viên chuyên ngành lí luận phê bình văn học không, nhưng đó cũng là tín hiệu cho thấy mảng phê bình văn học vẫn còn có đất "sống". Và cho thấy các bài viết của PGS. TS La Khắc Hòa rất được chú ý.

Phê bình kí hiệu học của Lã Nguyên là cuốn sách gồm hai phần Tiếng nói thời đại và Ngôn ngữ tác giả. Cuốn sách được coi là phát hiện lại lí thuyết trên một chất liệu mới là các tác phẩm văn học Việt Nam, tác giả hướng đến việc tái cấu trúc các hệ thống ngôn ngữ đặc thù làm nên các loại hình diễn ngôn trong văn học nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử và trong sáng tác của một số nhà văn, nghệ sĩ.

Cuốn sách là những trăn trở và dấu hỏi về phê bình văn học, chẳng hạn như trăn trở này của tác giả: “Mười năm trở lại đây, tôi thường băn khoăn tự tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Thứ nhất: văn học hậu hiện đại liệu đã có ở Việt Nam hay chưa? Thứ hai: nếu có, thì đó là hiện tượng nội sinh hay ngoại nhập? Tôi biết, muốn trả lời câu hỏi thứ hai này, phải giải đáp tiếp một câu hỏi khác: khi xuất hiện ở Việt Nam, vống là hiện tượng mang tính quốc tế, liệu văn học hậu hiện đại có những đặc điểm riêng, mang bản sắc dân tộc hay không?. Việc giải đáp những câu hỏi nói trên tựu trung vẫn không vượt ra ngoài các cặp phạm trù quen thuộc: quốc tế và bản địa, truyền thống và cách tân trong văn học”.

Buổi tọa đàm giới thiệu sách Phê bình kí hiệu học - Đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ của Phó Giáo sư - Tiến sĩ La Khắc Hòa do NXB Phụ nữ phối hợp với Khoa Viết văn - Báo chí - Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

Các diễn giả tham gia sự kiện gồm: GS.TS Trần Đình Sử, TS Trần Ngọc Hiếu, và tác giả cuốn sách PGS.TS La Khắc Hòa.

Hà Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/phe-binh-van-hoc-lieu-co-dang-ngu-dong-364726.html