Phê bình thực chất mới có hiệu quả

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa thì mọi việc đều hỏng

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, là nguyên tắc xây dựng, phát triển của Đảng.

Còn nguyên giá trị

Ngay từ những ngày đầu lập quốc cho đến mọi giai đoạn cách mạng sau này, Người thường xuyên nhấn mạnh vai trò tự phê bình và phê bình trong các bài nói, bài viết và các tác phẩm của mình để chỉ đạo, chỉnh đốn Đảng; căn dặn, giáo dục, cảnh báo về những căn bệnh có thể làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong vòng hơn 10 năm, từ 1945 đến 1956, Người viết 6 bài báo chuyên đề về tự chỉ trích, tự phê bình và phê bình. Người dành chương đầu tiên trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (10-1947) nói về "Phê bình và sửa chữa".

Trong số rất nhiều bài viết, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài "Tự phê bình" đăng trên Báo Nhân dân ngày 20-5-1951, cách đây vừa tròn 50 năm. Mở đầu bài báo, Người khẳng định như một chân lý: "Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế".

Bác Hồ thăm một bệnh xá ở Hà Tây vào năm 1963 và căn dặn cán bộ ở đây thực hiện “Lương y như từ mẫu” Ảnh: BAOTANGHOCHIMINH.VN

Bác Hồ thăm một bệnh xá ở Hà Tây vào năm 1963 và căn dặn cán bộ ở đây thực hiện “Lương y như từ mẫu” Ảnh: BAOTANGHOCHIMINH.VN

Tiếp đó, Người chỉ rõ: "Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng"... "Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng".

Bài báo phê bình thẳng thắn cán bộ, đảng viên vài nơi đã phạm những bệnh quan liêu, mệnh lệnh, tự phê bình qua loa, hình thức, không thật thà tự phê bình, đã dối trên, lừa dưới.

Nói về cách thức tự phê bình sao cho hiệu quả, Người viết: "Tự phê bình phải thế nào? Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không".

Người luôn nhấn mạnh phải thật thà, không giấu khuyết điểm khi tự kiểm điểm, tự phê bình trước mọi người. Qua đó, tìm cho ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, sửa chữa. Theo Người, tự phê bình "là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý"… "Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà, tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm".

Cuối bài báo, Người ân cần căn dặn mấy điểm chung, điểm riêng mà tất cả đảng viên, binh sĩ, công nhân, nông dân, lao động trí óc phải tự hỏi để tự phê bình: "Hôm nay, ta đã làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho ta chưa? Ta đã làm được gì ích lợi cho kháng chiến? Ta đã làm được gì trong công cuộc thi đua ái quốc?"… "Cán bộ chính quyền và Đảng thì phải tự hỏi: Ta đã tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh chưa? Đã thực hiện cần kiệm liêm chính chưa? Đã làm chu đáo những công việc Chính phủ và Đảng giao phó cho ta chưa?".

Đối đầu thách thức

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, Đảng ta đã và đang hành động quyết liệt để đối đầu với thách thức của nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm và các tiêu cực khác đang làm suy yếu Đảng, đe dọa sự thịnh suy của quốc gia, sự tồn vong của Đảng và chế độ; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta hẳn nhớ cách đây gần 9 năm, tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI (10-2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu bế mạc hội nghị đã thay mặt Đảng nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ đó đến nay, với những quyết sách cứng rắn, không có vùng cấm, Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân "đấu tranh, phòng chống tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà thành một phong trào, một xu thế, làm có bài bản"; nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử; thi hành kỷ luật hàng chục ngàn cấp ủy viên và đảng viên sai phạm, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý.

Điều đó minh chứng quyết tâm lớn của Đảng trong tự phê bình và phê bình, góp phần hun đúc, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân đối với Đảng ta - một Đảng "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác".

Còn nguyên giá trị

70 năm trôi qua, bài báo "Tự phê bình" của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị. Đáng tiếc, nhiều tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ, đảng viên chưa tự giác thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, thậm chí còn tìm mọi cách để giấu giếm, bao che, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước; làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân.

Phát huy phản biện xã hội

Một thời, rất ít người quan tâm tranh luận, bàn cãi xoay quanh những vấn đề thời sự của đất nước. Từ khi có công cuộc đổi mới đất nước, dân chúng quan tâm nhiều hơn đến mọi việc liên quan về đất nước, cụm từ phản biện xã hội (PBXH) cũng dần được sử dụng ngày càng nhiều, nhất là trên các kênh thông tin đại chúng.

PBXH ngày nay đã trở thành "tiêu chí" không thể thiếu không chỉ trong việc hình thành sách lược, chiến lược ở tầm vĩ mô mà còn ở cả những chương trình, kế hoạch thực hiện chi tiết ở cấp cơ sở. Chính qua "sàng lọc" của PBXH, những khó khăn, thách thức từng bước được tháo gỡ; đồng thời, rất nhiều thuận lợi, thời cơ được khai thác tốt từ các giải pháp thông qua ý kiến phản biện của đông đảo cán bộ, nhân dân. Thông qua PBXH, những yếu kém, tiêu cực của xã hội cũng hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, giúp cho những nhà tham mưu hoạch định chính sách có cái nhìn đủ tầm, có cái tâm đủ tỉnh táo, để làm tròn nhiệm vụ chính trị được giao.

Kết quả thắng lợi tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta vào đầu năm 2021 và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5 là hệ quả tất yếu của nhiều yếu tố thuận lợi mang lại, trong đó chắc chắn có sự đóng góp không thể thiếu của vấn đề PBXH. Bởi không ai khác, chính quần chúng nhân dân là tác nhân sản sinh ra những luận điểm có tính chân lý, khoa học và thực tiễn.

Những năm qua, phương châm hành động "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được thực hiện khá nhuần nhuyễn và mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần văn hóa của nhân dân. Mới đây, việc Văn kiện Đại hội XIII bổ sung thành tố quan trọng "dân thụ hưởng" vào phương châm trên là một yêu cầu hết sức khách quan và đúng đắn, bởi đây là điểm mấu chốt hướng về nhân dân. Chính nội dung phương châm như nói ở trên đã cho thấy tính PBXH được đề cao một cách đầy đủ, là cơ sở để quần chúng nhân dân đóng góp vào việc xây dựng chiến lược, sách lược mang tầm quốc kế dân sinh, cũng là thể hiện sự tôn trọng của Đảng và nhà nước ta khi bảo đảm cho người dân phát huy được quyền lợi và trách nhiệm mà Hiến pháp cho phép.

Tuy nhiên, để PBXH đạt được mục tiêu tích cực thì phải có sự định hướng, định lượng rõ ràng. Phản biện ở đâu, lúc nào, ai nói, ai nghe, phản biện vấn đề gì, phạm vi, quy mô phản biện ra sao? Tất cả phải được tính toán thấu đáo, thấu tình đạt lý, phát huy cho được quyền dân chủ của nhân dân. Bởi lẽ, khi phản biện trở thành một diễn đàn xã hội thì bao giờ cũng có hai mặt tích cực và tiêu cực. Điều cần quan tâm là không để ai lợi dụng PBXH để gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm của quần chúng nhân dân; gây hoang mang, chia rẽ trong nội bộ của hệ thống chính trị; tạo ra tình trạng mất an ninh trật tự, thậm chí ảnh hưởng xấu đến sự tồn vong của chế độ.

Phản biện xã hội phải được phát huy trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và cả trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhằm thông qua đó nắm bắt đầy đủ và kịp thời những nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng của cán bộ và nhân dân, nhằm bảo đảm cho việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và nhà nước ta.

MAI LỊCH (cựu chiến binh quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

ThS Nguyễn Vân Hậu (Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc - tỉnh Lâm Đồng)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ly-tuong-song/phe-binh-thuc-chat-moi-co-hieu-qua-20210606210420456.htm