Phê bình các đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện quy định phòng cháy

Ban Pháp chế vừa có Báo cáo số 63/BC-HĐND về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND, ngày 04/7/2017, của HĐND TP quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

Kết quả giám sát cho thấy, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, phân loại đối tượng và ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách đối với 1.147 đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05.

Ban Pháp chế HĐND TP khảo sát tại Nhà Z10 - Khu dân cư số 1 phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. (Ảnh: Huỳnh Long)

Đối với các cơ sở mà kinh phí khắc phục do ngân sách cấp huyện thực hiện thì cơ bản các quận, huyện đã đưa vào danh mục đầu tư và trình HĐND cùng cấp quyết định; đã xác định được một số nội dung để thuê đơn vị tư vấn thiết kế và được Cảnh sát PCCC thẩm định, khái toán.

Một số cơ sở thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Trung ương, Thành phố và ngoài ngân sách nhà nước cũng đã và đang chủ động rà soát đối với các nội dung cần khắc phục đảm bảo an toàn PCCC để xây dựng kế hoạch và khái toán kinh phí thực hiện.

Tuy nhiên, Ban Pháp chế nhận thấy vẫn còn một số vấn đề còn tiếp tục khắc phục như: Tiến độ triển khai thực hiện còn chậm (hoàn thành 1/7 theo kế hoạch). Công tác rà soát các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 còn thiếu sót nhiều (chưa được phân loại cụ thể đối với từng loại sở hữu, cơ quan quản lý, cấp ngân sách; cụm điểm công nghiệp và làng nghề làng nghề; một số cơ sở thuộc loại hình như chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ga, xăng dầu còn thiếu chưa được đưa vào danh mục của Thành phố…).

Đối với các tòa nhà tái định cư, nhà ở tập thể cũ (đa sở hữu) còn lúng túng và chậm trong việc xác định chủ thể trong việc triển khai, kinh phí thực hiện từ nguồn nào (ngân sách nhà nước, nhân dân…) và giải pháp thay thế, bổ sung để đảm bảo an toàn PCCC.

Các đối tượng thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 rất da dạng và phức tạp, số lượng đối tượng rà soát lần 2 tăng gần 2 lần so với số lượng rà soát ban đầu.

Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hướng dẫn quy trình, điều kiện cụ thể để khắc phục các tồn tại đối với từng loại hình, cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết 05 của HĐND Thành phố, nhất là các giải pháp để bổ sung, thay thế. Nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện khắc phục là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể; một số cơ sở sử dụng nguồn ngoài ngân sách nhà nước khó khăn về bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện.

Để khắc phục những hạn chế và tồn tại, Ban Pháp chế có một số kiến nghị đối với UBND Thành phố - Ban Chỉ đạo thực hiện NQ 05 chỉ đạo yêu cầu rút kinh nghiệm và phê bình các đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện, còn chậm trong việc thực hiện Nghị quyết 05, Kế hoạch 183; chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tổng hợp, phân loại, làm rõ cơ quan chủ trì, nguồn kinh phí, lộ trình cụ thể để thực hiện khắc phục theo quy định.

Đối với các cơ sở do cấp Trung ương quản lý, có kiến nghị với các cơ quan chủ quản của Trung ương trong việc khắc phục các vi phạm tồn tại trong công tác PCCC để đảm bảo tính thống nhất chung trong việc thực hiện trên địa bàn Thành phố. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu các biện pháp thay thế, bổ sung để khắc phục và có kiến nghị với Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp khắc đối với từng vi phạm, từng loại hình, đối tượng cụ thể. Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát và có hướng dẫn việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện khắc phục đối với các cơ sở sử dụng nguồn ngân sách cấp Thành phố, cấp huyện.

Đối với Công an Thành phố cần tham mưu UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo thực hiện NQ 05 của Thành phố rà soát, kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo Kế hoạch. Phối hợp với các sở ngành, quận huyện trong việc rà soát, bổ sung các cơ sở, tổng hợp và tham mưu để UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung danh mục các cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 05 và tiếp tục phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, cương quyết xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với các sở ngành của Thành phố: Rà soát ngay những nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch 183 của Thành phố; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và tập trung, nghiêm túc thực hiện để khắc phục những hạn chế thuộc trách nhiệm của đơn vị mình đã nêu trong báo cáo kết quả giám sát.

Đối với các quận, huyện, thị xã cần tập trung rà soát các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch 183 của UBND Thành phố, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ trong kế hoạch thực hiện của địa phương mình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 05; Phối hợp với các sở, ngành liên quan của Thành phố trong việc rà soát, bổ sung, phân loại các cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 05; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành thực hiện nghị quyết của các cơ sở.

Tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện. Kịp thời báo cáo với UBND Thành phố, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 05 của Thành phố những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Nguyễn Công

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phe-binh-cac-don-vi-chua-nghiem-tuc-thuc-hien-quy-dinh-phong-chay-81014.html