Phẫu thuật thành công bệnh nhân bị sán nhái chui vào não

Ngày 20/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh (BV ĐHYD) cho biết, y kíp y bác sỹ của bệnh viện này đã phẫu thuật và điều trị thành công cho một bệnh bị nhiễm ký sinh trùng, gây u nang ký sinh trùng trong não.

Phẫu thuật điều trị thành công bệnh nhân bị sán nhái chui vào não

Theo đó, bệnh nhân N.N.A. (52 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) đến khám tại Bệnh viện ĐH Y Dược với những triệu chứng đau đầu, yếu nửa người kèm co giật. Sau khi thăm khám và phẫu thuật, các bác sĩ đã xác định, anh A bị u nang kí sinh trùng trong não.

Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện ĐH Y Dược đã tiến hành lấy ký sinh trùng dài khoảng 7 cm trong não, sau ca phẩu thuật, anh A không còn đau đầu, co giật, sức cơ hồi phục và xuất viện với sức khỏe ổn định. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, đây là loại ký sinh trùng có tên khoa học Spirometra erinaceieuropaei hay còn gọi là sán nhái.

Sán nhái thường ký sinh ở mắt người, rất hiếm khi có ở não. Người dân có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng này khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim không nấu chín.

Bác sỹ Nguyễn Minh Anh, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện ĐH Y Dược cho biết, những người có thói quen ăn rau sống, thịt sống hoặc ăn thức ăn không được làm sạch, không chế biến kỹ sẽ có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng. Sau khi vào cơ thể, ký sinh trùng sẽ theo mạch máu lên não và sống ký sinh ở đó.

Thậm chí, ký sinh trùng còn có thể sinh sản và phát triển thành nhiều nang ở nhiều vị trí khác nhau trong não người bệnh. Riêng trường hợp bệnh nhân A chỉ có một nang kí sinh trùng. Nếu không điều trị, anh A có nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết não, liệt nửa người không hồi phục và thậm chí tử vong.

Theo bác sỹ Nguyễn Minh Anh, khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật này là vị trí mổ nằm ở vùng vỏ não vận động.

Chức năng vận động của con người được điều khiển bởi vỏ não vận động và các bó dẫn truyền. Khi phẫu thuật thần kinh sẽ có nguy cơ làm tổn thương vùng vỏ não vận động này, dẫn đến ảnh hưởng đến chức năng vận động, khiến người bệnh liệt nửa người không hồi phục.

Vì vậy, Bệnh viện ĐH Y Dược đã đầu tư hệ thống máy theo dõi điện sinh lý thần kinh trong phẫu thuật sọ não và cột sống để giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh, llà một trong những đơn vị đầu tiên trên cả nước ứng dụng hệ thống này để giảm nguy cơ tổn thương cho người bệnh.

Thanh Hải

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-benh-nhan-bi-san-nhai-chui-vao-nao-3970909-c.html