Phẫu thuật lấy ký sinh trùng dài 7cm thành công ra khỏi não người

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) đã tiến hành phẫu thuật lấy ra một con sáng nhái dài khoảng 7 cm trong não một người đàn ông 52 tuổi.

Được biết, ông N.N.A. (52 tuổi – ngụ Lâm Đồng) có những triệu chứng đau đầu, yếu nửa người kèm co giật. Sau khi người bệnh được thăm khám và thực hiện chụp cộng hưởng từ sọ não, các bác sĩ chẩn đoán anh A. có tổn thương choáng chỗ vùng vỏ não vận động có thể do u hoặc nang kí sinh trùng trong não.

Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh BV ĐHYD đã tiến hành lấy kí sinh trùng dài khoảng 7 cm trong não người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh được tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng kí sinh trùng.

Qua 4 tuần điều trị, ông A. đã không còn đau đầu, không còn co giật, sức cơ hồi phục và xuất viện với sức khỏe ổn định. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy đây là loại kí sinh trùng có tên khoa học Spirometra erinaceieuropaei hay còn gọi là sán nhái. Người dân có nguy cơ nhiễm kí sinh trùng này khi ăn thịt ếch, nhái, gà, vịt, chim không nấu chín kỹ. Sán nhái thường kí sinh ở mắt người, rất hiếm khi có ở não.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật

TS BS. Nguyễn Minh Anh – Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh BV ĐHYD, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho biết: “Những người có thói quen ăn rau sống, thịt sống hoặc ăn thức ăn không được làm sạch, chế biến kỹ sẽ có nguy cơ cao nhiễm kí sinh trùng. Sau khi vào cơ thể, kí sinh trùng sẽ theo mạch máu lên não và sống kí sinh ở đó. Thậm chí, kí sinh trùng còn có thể sinh sản và phát triển thành nhiều nang ở nhiều vị trí khác nhau trong não người bệnh.

Riêng trường hợp người bệnh này chỉ có 1 nang kí sinh trùng duy nhất. Nếu để tình trạng của người bệnh kéo dài không điều trị, ông A. có nguy cơ nhiễm trùng, xuất huyết não, liệt nửa người không hồi phục và thậm chí tử vong.”

TS BS. Nguyễn Minh Anh chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất trong ca phẫu thuật này là vị trí mổ nằm ở vùng vỏ não vận động. Chức năng vận động của con người được điều khiển bởi vỏ não vận động và các bó dẫn truyền. Khi phẫu thuật thần kinh sẽ có nguy cơ làm tổn thương vùng vỏ não vận động này, dẫn đến ảnh hưởng đến chức năng vận động, khiến người bệnh liệt nửa người không hồi phục. Vì vậy, BV ĐHYD đã đầu tư Hệ thống máy theo dõi điện sinh lý thần kinh trong phẫu thuật sọ não và cột sống để giúp giảm thiểu nguy cơ tổn thương trong quá trình phẫu thuật cho người bệnh.

BS. Huỳnh Trung Nghĩa – Khoa Ngoại Thần kinh BV ĐHYD cho biết thêm “Máy điện sinh lý thần kinh có thể ứng dụng trong hầu hết các phẫu thuật sọ não và cột sống. Đặc biệt là ở vùng chức năng: vỏ não vận động, vỏ não ngôn ngữ, vùng thân não, tủy sống, thần kinh ngoại biên, cột sống. Lợi ích lớn nhất của hệ thống này là giúp theo dõi, phát hiện và đánh dấu vị trí tổn thương thần kinh chức năng trong quá trình phẫu thuật.

Ký sinh trùng trong não

Quá trình phẫu thuật thần kinh, cột sống thường ẩn chứa nhiều nguy cơ. Thêm vào đó, tổn thương thần kinh là tổn thương khó hồi phục nên việc phát hiện, xác định, đánh giá nguy cơ tổn thương nếu có ngay trong quá trình phẫu thuật là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất những biến chứng. Nếu không có thiết bị theo dõi điện sinh lý thần kinh thì các phẫu thuật sọ não và cột sống ở các vùng chức năng rất khó thực hiện hoặc thậm chí không thể thực hiện do nguy cơ mất chức năng thần kinh vĩnh viễn rất cao”.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân không nên ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc và không được chế biến kỹ để tránh nguy cơ nhiễm kí sinh trùng. Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau đầu, mệt mỏi, choáng váng, yếu nửa người, co giật, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám và tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh, cũng như được các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/phau-thuat-lay-ky-sinh-trung-dai-7cm-thanh-cong-ra-khoi-nao-nguoi-d87591.html