Phẫu thuật để giống ảnh 'tự sướng'

Các ứng dụng chia sẻ ảnh như Snapchat ngày càng phổ biến. Bên cạnh những mặt tích cực mang lại, chúng còn làm xuất hiện chứng bệnh tâm thần gọi là Snapchat dysmorphia - một dạng của hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD).

Thuật ngữ này được đặt bởi bác sĩ thẩm mỹ Tijion Esho, người sáng lập Phòng khám Esho ở Anh.

Theo ông Esho, trước đây, các khách hàng thường cầm ảnh của những người nổi tiếng với chiếc mũi hoặc cằm lý tưởng tới để làm phẫu thuật giống như vậy. Nhưng với sự phát triển mạnh của các ứng dụng chia sẻ ảnh và nhu cầu chụp ảnh "tự sướng" đăng tải trên mạng xã hội, nhiều khách hàng của ông Esho giờ đây yêu cầu phẫu thuật để được giống ảnh "tự sướng" của chính mình. Khi nhận được yêu cầu này, ông Esho đã phải thốt lên: "Đó là một điều phi thực tế, không thể đạt được".

Tờ The Guardian (Anh) kể lại câu chuyện của "Nữ hoàng Snapchat" Anika, cô gái bị ám ảnh bởi ảnh "tự sướng" đến mức chụp 25 bức ảnh/ngày trong giai đoạn từ 19 đến 21 tuổi. Trung bình mỗi ảnh "tự sướng" của Anika nhận được 300 phản hồi và cho cô cảm giác mình giống người nổi tiếng.

Tuy nhiên, trong đời thực, cô lại không hài lòng với khuôn mặt khi nó không còn được chỉnh sửa bởi các bộ lọc của ứng dụng. Khi ám ảnh với Snapchat lên đến đỉnh điểm, Anika đã liên lạc với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để sửa khuôn mặt giống như các bức ảnh "tự sướng" của mình khi những người theo dõi cô trên ứng dụng này muốn gặp mặt.

Từ trái qua: Ảnh chụp bằng máy ảnh số, ảnh “tự sướng” bằng điện thoại iPhone không dùng bộ lọc và ảnh “tự sướng” thông qua bộ lọc của ứng dụng Snapchat Ảnh: THE GUARDIAN

Từ trái qua: Ảnh chụp bằng máy ảnh số, ảnh “tự sướng” bằng điện thoại iPhone không dùng bộ lọc và ảnh “tự sướng” thông qua bộ lọc của ứng dụng Snapchat Ảnh: THE GUARDIAN

Giống như ông Esho, bác sĩ Wassim Taktouk cũng dùng các loại thuốc tiêm không cần phẫu thuật và tạm thời như botox và chất làm đầy da để làm to môi hoặc làm mũi căng mịn cho khách hàng. Ông Taktouk nhớ có một nữ khách hàng cầm ảnh "tự sướng" đến nhờ làm phẫu thuật. Lý do là người đàn ông cô gặp trong buổi hẹn hò đã chê bai vì ngoài đời cô không giống như trong ảnh. Mặc dù vậy, Taktouk trả lời rằng ông không thể giúp đỡ người phụ nữ.

Một báo cáo gần đây trên tạp chí y khoa JAMA Facial Plastic Surgery (Mỹ) cho rằng ảnh được chụp từ các ứng dụng như Snapchat có thể gây ra hội chứng BDD. Vậy tại sao mọi người lại chụp ảnh "tự sướng" nhiều như vậy? The Guardian cho biết theo một nghiên cứu về vấn đề "tự sướng" năm 2017, những người chụp ảnh kiểu này thường hy vọng nâng cao địa vị xã hội, rũ bỏ suy nghĩ chán nản và dĩ nhiên là ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ.

Các bộ lọc mà Snapchat cùng nhiều ứng dụng ảnh khác đều có những tính năng như làm mịn da, mắt to, môi mọng, nâng cằm... Dù ông Taktouk nói ảnh "tự sướng" bằng các ứng dụng này không phải là khuôn mặt của con người song nếu so với chất làm đầy da - có thể gây nhiễm trùng, tắc nghẽn mạch máu, thậm chí mù lòa - thì giải pháp dùng bộ lọc chỉnh sửa ảnh vẫn an toàn hơn.

Đáng nói là nhiều người không muốn dừng lại ở những bức ảnh "ảo" mà muốn làm phẫu thuật để trở nên hoàn hảo ngoài đời, gây nên những hệ lụy khó lường mà dễ thấy trước mắt là hội chứng BDD.

Phạm Nghĩa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/phau-thuat-de-giong-anh-tu-suong-20190301230044598.htm