Phẫu thuật cho nữ bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng bằng phương pháp hiện đại

Các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM) đã phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng nhờ kỹ thuật định vị 3D Navigation kết hợp X-quang.

Bệnh nhân là chị N.T.N.S (SN 1953, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau thắt lưng mạn tính, sinh hoạt khó khăn.

Chị S. cho biết, từ nhỏ đã bị té đau đôi lúc không ngồi, quay người được. Sau này, mỗi lần co chân hay khum người đều thấy đau, gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Bệnh nhân đã đi nhiều nơi và uống rất nhiều thuốc kết hợp vật lý trị liệu nhưng vẫn đau dai dẳng thắt lưng, lan dọc mông đùi lúc di chuyển. Vài tháng gần đây, bệnh nhân thấy đau nhiều, uống thuốc không hết.

Kết quả chụp MRI và X-quang cột sống thắt lưng cho thấy bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng L5-S1, độ 2. Với trường hợp này, nếu chỉ uống thuốc và tập vật lý trị liệu bệnh sẽ không hết, thậm chí có thể ngày một trở nặng do gia tăng độ trượt gây chèn ép thần kinh, dẫn đến teo cơ, yếu chân, tiểu không kiểm soát. Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Quốc tế City chỉ định mổ cho người bệnh.

Bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng L5-S1, độ 2

Bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng L5-S1, độ 2

TS.BS Huỳnh Hồng Châu, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Quốc tế City cho biết, nguyên nhân khiến bệnh nhân S. đau thắt lưng là do trượt đốt sống L5 – S1 độ 2. Ở mức này, kỹ thuật mổ sẽ khó hơn độ 1. Theo đó, để đốt sống trở lại bình thường, bác sĩ phải tiến hành bắt vít chân cung xuyên vào xương sống, cố định nẹp giữ đốt sống không bị trượt.

Bác sĩ Châu chia sẻ, phẫu thuật trượt đốt sống bằng phương pháp định vị 3D Navigation là phương pháp tiên tiến. Bệnh nhân được chụp CT vùng đốt sống bị trượt L3-L4-L5 và S1, lát cắt mịn 2 ly. Sau đó hình ảnh chụp sẽ được đưa vào máy định vị không gian 3 chiều. Phương pháp này giúp phẫu thuật viên gắn thanh định vị lên gai sống nhằm bắt vít chính xác, độ sai số ít, hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra trong mổ.

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau khi được phẫu thuật

Nếu áp dụng phương pháp cũ không dùng máy định vị thì phẫu thuật viên sẽ khó khăn trong việc xác định đúng chân cung để bắt vít mặc dù đã chiếu tia X nhiều lần để xác định vị trí bắt vít hoặc đặt đĩa đệm.

Theo bác sĩ, phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương và dây chằng xung quanh. Nếu sai số dù rất nhỏ chừng 1mm đã có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu và để lại di chứng rất nặng nề. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ vừa phải đảm bảo sự an toàn, tránh làm tổn thương thêm cho tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu gây liệt, mất máu. Vì vậy, bác sĩ vừa tái tạo lại cấu trúc sinh lý của cột sống bằng việc sử dụng vật liệu nắn chỉnh như nẹp vít, đĩa đệm nhân tạo. Ngoài ra, bác sĩ còn dùng kính vi phẫu để giải ép rễ thần kinh, nắn chỉnh đốt sống bị trượt.

Đối với những bệnh nhân bị trượt đốt sống nói chung, nếu không mổ sớm thì bệnh sẽ ngày một trở nặng, dẫn dấn biến chứng nguy hiểm như: Trượt đốt sống từ cấp độ 1 tiến triển lên độ 2, độ 3, độ 4. Độ trượt tăng sẽ ép dây thần kinh gây đau, tê liệt, thậm chí nặng có thể dẫn đến teo cơ, yếu liệt chân và đi tiêu, tiểu mất kiểm soát.

Sau khi mổ trượt đốt sống bằng phương pháp định vị Navigation 3D, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể đi lại nhẹ nhàng.

Minh Nguyệt

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/phau-thuat-cho-nu-benh-nhan-bi-truot-dot-song-lung-bang-phuong-phap-hien-dai-post54419.html