Phẫu thuật cấp cứu cho 3 bệnh nhân thủng động mạch chủ do lao

Sáng 17-7, Bệnh viện Bình Dân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu cho 3 bệnh nhân thủng động mạch chủ do lao, gồm 2 trường hợp thủng gây chảy máu trong ổ bụng và một trường hợp vỡ vào tá tràng gây xuất huyết trong đường tiêu hóa mức độ nặng.

Ekip bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân thủng động mạch do lao

Ekip bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân thủng động mạch do lao

Trường hợp đầu tiên, bệnh nhân N.V.C (50 tuổi, Trà Vinh) được chuyển đến Bệnh viện Bình Dân trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn và hông lưng. Các bác sĩ phát hiện khối cạnh rốn đập theo nhịp tim, ấn đau. Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từng điều trị lao phổi 3 năm trước.

Kết quả siêu âm và chụp CT đa lớp cắt vùng bụng ghi nhận có vết rách thành trái động mạch chủ bụng, đoạn dưới thận, đường kính 9mm khiến máu thoát ra, tạo túi phình lớn, có huyết khối quanh túi phình và quanh động mạch chủ bụng to gần bằng trái banh tennis đang dọa vỡ.

Ca phẫu thuật cấp cứu được tiến hành nhanh chóng. Các bác sĩ bộc lộ khoang sau phúc mạc, xẻ dọc động mạch chủ tiếp cận lỗ thủng, loại bỏ thành mạch bị viêm và thay bằng ống ghép nhân tạo.

Kết quả giải phẫu bệnh tại thành mạch và hạch cạnh động mạch chủ khẳng định chẩn đoán của các bác sĩ trước phẫu thuật với tiền căn người bệnh bị lao. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân được điều trị tiếp tục với phác đồ lao ngoài phổi.

Trường hợp thứ 2 ghi nhận lao mạch máu với các biểu hiện khá tương đồng là người bệnh V.T.L (43 tuổi, Bến Tre) nhập viện vì đau nhiều vùng quanh rốn 10 ngày.

Bệnh nhân cũng có tiền sử điều trị lao phổi và lao hạch 6 tháng trước. Đặc biệt, người bệnh có thể trạng gầy yếu, suy kiệt. Khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ sờ thấy khối u cạnh rốn, lệch về phía phải, đập theo nhịp tim.

Kết quả siêu âm và MSCT bụng ghi nhận động mạch chủ đoạn nằm dưới động mạch thận có túi phình kích thước hơn quả chanh lớn, túi phình có huyết khối xung quanh.

Trường hợp thứ 3 là người bệnh Đ.M.T (64 tuổi, Cà Mau). Ông nhập viện cấp cứu vì ói máu và đi cầu phân đen từng đợt lượng nhiều không rõ nguyên do.

Trước đó, người bệnh đã cụt 2 chân do vết thương chiến tranh, từng trải qua hoại tử vùng tầng sinh môn đã mở bàng quang thoát lưu nước tiểu cách 8 tháng. Bệnh nhân có dấu hiệu mất máu nặng, phải truyền 5 đơn vị máu.

Kết quả MSCT bụng cho thấy hình ảnh ổ viêm quanh động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, phát hiện lỗ thông thương động mạch chủ vào tá tràng. Nhóm bác sĩ phẫu thuật gồm các chuyên gia phẫu thuật mạch máu và phẫu thuật tiêu hóa cấp cứu người bệnh trong tình trạng mất máu lượng nhiều đe dọa tính mạng.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện nhiều huyết khối cũ và mới, vách động mạch bị thủng 2cm, thông vào tá tràng. Các bác sĩ đã bóc tách tá tràng khỏi vách động mạch chủ, khâu lỗ thủng tá tràng.

Do động mạch chủ bụng tắc hoàn toàn, không có máu nuôi đến động mạch chậu và tiền sử bệnh nhân đã đoạn 2 chi dưới đến đùi nên ê kíp phẫu thuật quyết định cắt bỏ đoạn động mạch bị viêm dính vào tá tràng.

Kết quả giải phẫu bệnh mẫu mô tá tràng và thành động mạch cho thấy tổn thương điển hình do lao gây ra. Hậu phẫu bệnh nhân ổn định và được sử dụng thuốc lao theo phác đồ.

Cả 3 bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu kịp thời, cắt lọc túi phình, loại bỏ đoạn mạch máu bị hủy hoại do lao, đặt ống ghép động mạch nhân tạo.

Khác với các trường hợp vỡ động mạch chủ do vỡ túi phình thông thường, các trường hợp lao mạch máu cần được chẩn đoán sớm và điều trị theo phác đồ lao ngoài phổi ngay sau phẫu thuật.

Hiện nay, cả 3 người bệnh đang đáp ứng điều trị lao và thể trạng cải thiện tốt. Siêu âm kiểm tra cho thấy ống ghép Dacron hoạt động tốt, không tụ dịch xung quanh.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Khánh Đức, lao vách mạch máu dẫn tới phình động mạch chủ, thủng vỡ động mạch chủ là bệnh hiếm gặp.

Bệnh thường xuất phát từ lao phổi lan ra cấu trúc xung quanh động mạch chủ, gây lao hạch, lao màng ngoài tim, mủ màng phổi, lao cột sống hoặc lao cạnh cột sống. Sau đó, trực khuẩn lao có thể xâm nhập vào thành động mạch.

Con đường thứ 2 ít gặp hơn là lan truyền qua đường máu, trực khuẩn lao di chuyển trong máu và đóng ở mảng xơ vữa của thành mạch gây các tổn thương dạng viêm ở thành động mạch chủ, dần phá hủy thành mạch. Tốc độ diễn tiến thay đổi từng bệnh nhân. Khi thủng có thể gây chảy máu ồ ạt hoặc khu trú tạo thành túi phình giả.

Biểu hiện lâm sàng điển hình của tổn thương lao động mạch chủ là sốt và đau bụng liên tục liên quan đến vị trí của túi phình; sốc giảm thể tích hay có các triệu chứng của chảy máu ồ ạt, đặc biệt là trong trung thất hay đường tiêu hóa, cũng có thể trong khoang màng phổi, trong ổ bụng hay sau phúc mạc; khối u cạnh động mạch chủ đập theo mạch, lan rộng nhanh.

Cũng theo bác sĩ Hồ Khánh Đức, lao mạch máu không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, diễn tiến âm thầm nên rất nguy hiểm. Y văn ghi nhận tất cả các bệnh nhân sống sau điều trị đều phải phối hợp phẫu thuật và thuốc chống lao. Không có bệnh nhân nào sống nếu chỉ điều trị thuốc lao đơn thuần. Ngược lại, khả năng tái phát cao nếu chỉ phẫu thuật mà không dùng thuốc lao kèm theo.

Người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay khi phát hiện thủng mạch máu và điều trị lao ngay sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh có tiền sử đã và đang điều trị lao, nếu đau bụng kéo dài với khối u vùng bụng hoặc đột ngột mất tri giác do sốc mất máu, cần đến cơ sở chuyên khoa về mạch máu để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

THÀNH SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phau-thuat-cap-cuu-cho-3-benh-nhan-thung-dong-mach-chu-do-lao-673581.html