Phát xít Đức cướp kho tàng nghệ thuật Châu Âu: Tội ác bị lãng quên

Việc Đức bất ngờ phát hiện hơn 1.500 tác phẩm nghệ thuật giá trị bị giấu kỹ tại một căn hộ xoàng xĩnh ở Munich giống như hồi chuông nhắc nhở thế giới, rằng một trong những tội ác lớn nhất của phát xít Đức vẫn chưa được giải quyết triệt để cho tới tận hôm nay.

Mỏ muối Altaussee, nơi cất giấu một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật bị phát xít Đức cướp từ Châu Âu.

Phát hiện không dễ chịu

Ngày 22.9.2010, một người đàn ông tóc bạc trắng trong độ tuổi 70 đi tàu đêm từ Zurich, Thụy Sĩ, tới Munich, Đức đã bị các nhân viên hải quan kiểm tra giấy tờ ngẫu nhiên lúc tới điểm giao biên giới. Nhân vật có tên Cornelius Gurlitt này đã trả lời với vẻ căng thẳng bất thường, khiến phía viên hải quan nghi ngờ. Khi lục soát người Gurlitt, họ phát hiện một phong bì chứa 18 đồng 500 Euro mới tinh, có tổng giá trị 9.000 Euro.

Cornelius Gurlitt, nhân vật được phát hiện sở hữu hơn 1.500 tác phẩm nghệ thuật giá trị hơn 1 tỉ Euro.

Gurlitt khai rằng, ông ta mới tới Thụy Sĩ để bán một bức tranh cho một phòng trưng bày ở Bern. Nhưng số tiền không phải vấn đề mà chính thái độ kỳ lạ của ông ta mới khiến an ninh Đức muốn đào sâu hơn. Khi kiểm tra kỹ càng, họ phát hiện cuộc sống riêng của Gurlitt có nhiều bất thường: Ông ta không có vợ con, việc làm, không có thu nhập, bảo hiểm y tế và chẳng đăng ký thông tin nộp thuế với nhà chức trách.

Nghi ngờ Gurlitt có hành vi trốn thuế khi bán “chui” tác phẩm nghệ thuật, an ninh Đức quyết định khám xét nhà riêng của ông ta ở Munich vào tháng 2.2012 để tìm chứng cứ. Kết quả là bên trong căn hộ nhỏ, nằm tại một tòa chung cư vuông vức màu trắng, được giấu kỹ giữa những chiếc vali và giá để sách đầy chặt, các nhà điều tra đã tìm thấy hơn 1.500 tác phẩm nghệ thuật của những danh họa lớn của thế giới như Picasso, Matisse, Monet, Liebermann, Chagall, Durer và Delacroix. Cuộc điều tra trốn thuế rốt cục đã giúp phát hiện cả kho tác phẩm nghệ thuật đáng ngờ.

Câu chuyện về Gurlitt được giữ kín trong vòng bí mật suốt 1 năm trời, cho tới khi tạp chí Focus của Đức xuất bản một bài viết dài hơi về nó. Bài viết nói rằng kho tác phẩm nghệ thuật mới được phát hiện có giá hơn 1 tỉ Euro – một tin tức động trời. Quan trọng là nhiều hiện vật trong đó có thể là đồ ăn cướp!

Trong vòng một thập niên trước năm 1945, ước tính phát xít Đức đã cướp đi 1/5 số tác phẩm nghệ thuật ở Châu Âu. Thống kê số lượng tác phẩm nghệ thuật bị lấy đi là điều vô cùng khó thực hiện. Tuy nhiên giới chuyên gia đồng tình rằng con số rơi vào khoảng 650.000 bức tranh, tượng, bản vẽ, cuốn sách và các công trình nghệ thuật khác. Đa phần bị lấy đi từ các bảo tàng, nhà thờ và bộ sưu tập tư nhân nằm ở Châu Âu.

Cuộc đánh cướp ấy diễn ra dưới nhiều hình thức. Trước khi Thế chiến 2 nổ ra, các tác phẩm nghệ thuật hiện đại hoặc trừu tượng bị đưa ra khỏi các bảo tàng hoặc tước khỏi tay giới sưu tầm tư nhân ở Đức. Sau khi Đức xâm lược Áo vào năm 1938 và lần lượt là Tiệp Khắc, Ba Lan, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ, các tác phẩm nghệ thuật nằm trong nhiều bộ sưu tập tư nhân của người Do Thái, cũng như trong các bảo tàng quốc gia, bị lấy đi bằng vũ lực.

Và khi nhiều gia đình Do Thái chạy trốn khỏi nơi từng là nhà họ tại những quốc gia bị phát xít Đức chiếm đóng, nhiều người đã buộc phải bán bộ sưu tập nghệ thuật với giá rẻ mạt để có tiền tháo chạy. Một số thậm chí đã vứt bỏ lại hết. Dù theo cách nào thì cuối cùng tất cả tác phẩm đều rơi vào tay phát xít Đức.

Một kế hoạch cướp bóc tinh vi

Hoạt động cướp bóc tinh vi, có hệ thống này phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng với chính quyền phát xít. Trùm phát xít Adolf Hitler, một họa sĩ thất bại, coi sức mạnh của nghệ thuật là một công cụ tuyên truyền. Ông ta muốn thiết lập một bảo tàng mới ở Linz, Áo, và dùng nó để cho thế giới thấy sự vinh quang của đế chế Đức.

Thứ hai, Hitler đặc biệt căm ghét các tác phẩm trừu tượng hoặc thuộc trường phái biểu hiện, vốn bị ông ta xem là “thoái hóa, suy đồi”, sản phẩm đáng khinh bỉ của các nghệ sĩ Do Thái và Bolshevik. Khi phát xít Đức cướp bóc nhiều kho tàng nghệ thuật Châu Âu, những tác phẩm bị coi là “suy đồi” đều bị đem bán, với tiền thu được sẽ đổ vào phục vụ cuộc chiến đang diễn ra. Hoặc giới chức phát xít sẽ dùng chúng để đổi lấy các bức tranh cổ điển mà Hitler khao khát.

Một ví dụ cụ thể là tháng 6.1939, nhà đấu giá người Thụy Sĩ Theodor Fischer đã mở một cuộc đấu giá ở Lucerne, Thụy Sĩ, trong đó ông ta bán 126 tác phẩm “suy đồi” của các danh họa như Matisse, Braque, Van Gogh và Klee. Tất cả đều đã bị tịch thu từ nhiều bảo tàng quốc gia Đức. Và bất chấp việc đã biết về hoàn cảnh đáng ngờ vây quanh các bức tranh này, vẫn có một nhóm nhỏ thương gia Mỹ tham dự, gồm nhà xuất bản Joseph Pulitzer nổi tiếng, người khi ấy đang ở Châu Âu để nghỉ trăng mật.

“Để bảo vệ các tác phẩm nghệ thuật đó cho hậu thế, tôi đã quyết tâm mua chúng”, Pulitzer nói với tác giả Lynn Nicholas trong cuốn “Cuộc cưỡng hiếp Châu Âu”. Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở New York khi ấy là Alfred H. Barr Jr. không tham gia cuộc đấu giá vì thấy nó “có mùi”. Tuy nhiên ông ta lại sử dụng một nhà buôn nghệ thuật làm trung gian đứng ra mua tác phẩm hộ mình, qua đó tránh điều tiếng của thiên hạ.

Cần biết rằng giai đoạn năm 1939, các tác phẩm nghệ thuật “suy đồi” không bị xem là đồ ăn cướp, do chúng được lấy ra từ các bảo tàng quốc gia, thay vì từ bộ sưu tập tư nhân. Nhưng những gì diễn ra trong cuộc đấu giá của Fischer vẫn cho thấy nhiều nhà buôn đã nhắm mắt mua về các tác phẩm có quá khứ gây tranh cãi.

Riêng tại Thụy Sĩ, 4 nhà buôn nghệ thuật lớn được chính quyền phát xít Đức ưa chuộng là Ferdinand Möller, Bernhard Bohmer, Karl Buchholz và Hildebrand Gurlitt đã bán tổng cộng 8.700 tác phẩm trong giai đoạn từ năm 1937 tới năm 1941. Curt Valentin, một người tị nạn có nửa dòng máu Do Thái trong mình, người điều hành phòng trưng bày Karl Buchholz ở New York, từ lâu đã được xem là cánh cổng giúp đưa nhiều tác phẩm bị đánh cướp tới Mỹ.

Tính chất sôi động của thị trường nghệ thuật thời Thế chiến 2 đã mang tới ít nhất một lý do giải thích vì sao phát xít Đức lại cướp các tác phẩm nghệ thuật và vì sao chúng chưa được trả hết về cho các nạn nhân. “Không có một loại hình văn hóa nào giống như nghệ thuật thị giác, ở đó tiền đóng vai trò rất quan trọng”, ông Rein Wolfs, giám đốc Bảo tàng nghệ thuật hiện đại Bonn, chia sẻ với phóng viên trang tin Atlantic. “Các điệu nhảy hay các nhà hát không phải là hàng hóa. Nhưng tác phẩm nghệ thuật thị giác là hàng hóa. Nhiều chuyện xảy ra xung quanh những tác phẩm này, đơn giản vì chúng quá đắt tiền”.

Câu hỏi về giá trị tiền bạc đã được nêu ra cách đây gần 20 năm, tại Hội thảo Washington về tài sản trong thời kỳ diệt chủng Do Thái. Ở cuộc hội thảo diễn ra tại Mỹ này, nhà hoạt động lừng danh Elie Wiesel đã chất vấn đại diện của 44 chính quyền cũng như các giám đốc bảo tàng và nhà hoạt động có mặt khi ấy: “Tại sao phải mất quá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề tài sản bị đánh cướp cần được trả lại chính chủ?”.

Đây thực tế là một câu hỏi rất khó trả lời. Sau Thế chiến thứ hai, Chương trình tượng đài, tác phẩm nghệ thuật và lưu trữ (MFAA) do quân Đồng Minh thiết lập, đã được giao nhiệm vụ xác định tác phẩm nghệ thuật nào ở Châu Âu đã bị đánh cướp, sau đó tìm kiếm và trả lại chúng cho cố chủ.

Nhưng quy mô của vụ cướp quá lớn và MFAA đã vấp phải vô vàn khó khăn. Đầu tiên là việc tìm xem các kiệt tác bị lấy đi từ nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân đang được giấu ở đâu. Rất nhiều tác phẩm có giá nhất sau đó được phát hiện bị chất chồng lên nhau trong các khu mỏ nằm dưới lòng đất. Mỏ muối Altaussee ở Styria, Áo, từng chứa hơn 12.500 tác phẩm nghệ thuật, gồm bức tượng “Madonna và con” của Michelangelo, bên cạnh bức tranh “Nghệ thuật hội họa” của Vermeer.

Mỏ muối này ban đầu bị phát xít Đức gài mìn, với mục đích phá hủy hết các tác phẩm để chúng không rơi vào tay quân Đồng minh. Nhưng các thợ mỏ địa phương và cả các sĩ quan phát xít Đức trực tiếp thực thi mệnh lệnh, những người kinh hoảng trước kế hoạch độc ác này, đã ngấm ngầm chống lệnh khi gỡ bỏ các quả mìn cỡ lớn. Họ làm thế trước khi bịt kín lối vào mỏ muối.

Phe Đồng minh chỉ tình cờ phát hiện mỏ muối này, sau khi đại úy Robert Posey, một thành viên của MFAA, có cuộc viếng thăm Trier, Đức. Lần đó Posey bị đau răng nên đã tới gặp một nha sĩ ở đây. Người nha sĩ này có con rể là một học giả chuyên về nghệ thuật, từng bị ép giúp Hermann Goering - cánh tay phải của Hitler - cướp bóc và lưu trữ các tác phẩm nghệ thuật với số lượng lớn. Thông tin từ người con rể cung cấp cho Posey đã giúp phát hiện mỏ muối Altaussee. Chuyện này cũng cho thấy phần nào sự khó khăn của việc thu hồi các tác phẩm nghệ thuật bị cướp.

Nhưng ngay cả sau khi đã xác định được vị trí giấu các tác phẩm bị cướp, việc thu hồi và di chuyển chúng cũng không hề dễ dàng. Phải mất vài ngày để đóng gói bức tượng Madonna của Michelangelo. Các tác phẩm sau đó được đưa tới 3 điểm là Munich, Wiesbaden và Offenbach để phân loại, chụp ảnh và trả lại đất nước chúng bị lấy đi.

Các thành viên của MFAA, làm việc trong điều kiện thiếu người và tiền, đã trả lại khoảng 5 triệu tác phẩm nghệ thuật trong khoảng thời gian từ 1945 tới 1951. Nhưng còn vô số tác phẩm khác vẫn không được tìm thấy.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn do chính sách mà chính quyền Mỹ triển khai, theo đó MFAA chỉ đưa các tài sản nghệ thuật bị cướp trở lại quê hương gốc rồi bàn giao lại cho chính quyền các nước. Những nước này sẽ phải tự xác định tài sản nào thuộc về ai. Đây là một quyết định mang tính thực dụng, bởi MFAA quá thiếu nhân lực để có thể trực tiếp trả tất cả tài sản bị cướp về cho cố chủ. Nhưng quyết định này đã khiến nhiều tác phẩm được trả lại những kẻ đã đánh cướp chúng từ người Do Thái.

Đặc biệt tại những vùng như Bavaria nhiều gia đình của các cựu thành viên chính quyền phát xít Đức đã rất tích cực đòi lại tranh và tác phẩm nghệ thuật mà họ từng bị tịch thu. Henriette von Schirach, thư ký riêng của Hitler, đã trả 300 Mark – một khoản tiền nhỏ - để lấy lại bức tranh do danh họa Jan van der Heyden vẽ. Tác phẩm này từng bị cướp đi từ một gia đình Do Thái chạy trốn khỏi Vienna vào năm 1941. Vợ của Hermann Goering cũng thành công trong việc thu hồi nhiều tác phẩm nghệ thuật đã bị tịch thu. Cho tới gần đây nhất là vào năm 2015, con gái Edda của Goering vẫn đòi chính quyền vùng Bavaria phải trả lại một số tác phẩm mà họ đã tịch thu từ cha bà ta vào cuối Thế chiến 2.

Trong những năm sau Thế chiến 2, nhiều nhà sưu tầm Do Thái đã cố tìm lại các tác phẩm nghệ thuật từng thuộc sở hữu của họ, bằng cách đơn giản nhất là mua lại. Năm 1953, nhà sưu tầm Paul Rosenberg thông báo, ông còn 71 bức tranh bị thất lạc. Nhưng nhờ nỗ lực mua lại, năm 1958 con số này giảm xuống còn 20. Năm 1974, con cháu của ông đã thu hồi một bức tranh của danh họa Braque, vốn thuộc sở hữu của ông giai đoạn trước Thế chiến thứ 2, khi nó đang được bán đấu giá tại Versailles, Pháp. Điều thú vị là trong kho tranh của Gurlitt, nhà chức trách Đức cũng tìm thấy một tác phẩm do Matisse vẽ thuộc về Rosenberg.

Một bức tranh của Matisse thu hồi từ kho tranh của Gurlitt đã được trả lạicho chủ nhân đích thực của nó.

Quá nhiều trở ngại

Từ những năm 1950 trở lại đây, nỗ lực đưa tác phẩm nghệ thuật bị cướp về với cố chủ bắt đầu suy giảm. Việc hé lộ những tội ác khủng khiếp mà phát xít Đức từng thực hiện khiến cho hoạt động cướp bóc nghệ thuật trở nên nhỏ bé, ít được quan tâm hơn. Và sau chiến tranh, nhiều người trong cuộc thấy rằng, lựa chọn đi tiếp tốt hơn là khơi lại quá khứ.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, kéo dài từ những năm 1970 tới 1980, khi Đông và Tây Đức ngả về hai phe khác nhau, những khác biệt về địa chính trị khiến cho các vấn đề tồn tại sau Thế chiến thứ hai, gồm hoạt động đánh cướp nghệ thuật, không còn được để ý tới nữa.

Thế rồi vào năm 1994, chính quyền Áo gây chú ý khi mua toàn bộ 5.000 tác phẩm nghệ thuật thuộc sở hữu của Rudolf Leopold, một nhà sưu tầm nghệ thuật có tiếng. Trong số đó có Chân dung Wally, một bức tranh do nghệ sĩ Áo Egon Schiele vẽ năm 1912. Vấn đề là bức tranh từng thuộc sở hữu của nhà buôn nghệ thuật người Do Thái Lea Bondi.

Năm 1939, Bondi bị ép phải bán tranh cho nhà buôn nghệ thuật khác là Friedrich Welz với giá rẻ mạt. Cuối chiến tranh, bộ sưu tập của Welz bị tịch thu và các tác phẩm được trả cho chính quyền Áo. Năm 1953, Bondi biết tin tranh của bà đang nằm trong Phòng trưng bày quốc gia Áo nên đã nhờ Leopold thu hồi tranh. Tuy nhiên bà không ngờ Leopold đã lợi dụng thông tin bà cung cấp để mua tranh về cất trong bộ sưu tập của ông ta.

Năm 1997, bức Chân dung Wally được chuyển cho Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York mượn. Thời điểm này Bondi đã chết, nhưng con cháu bà vẫn tiếp tục nỗ lực đòi lại tranh. Tháng 1.1998, công tố viên Robert Morgenthau của quận New York đã định thu giữ bức tranh từ Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York để trả lại cho nhà Bondi. Cuộc giằng co pháp lý quanh bức tranh này kéo dài thêm 10 năm sau đó và những ồn ào nó gây ra đã giúp công chúng hiểu hơn nhiều về cuộc cướp bóc nghệ thuật của phát xít.

Cuối năm 1998, sự kiện Hội thảo Washington về tài sản trong thời kỳ diệt chủng Do Thái đã được tổ chức nhằm giải đáp câu hỏi vì sao có quá nhiều của cải thuộc về người Do Thái bị lấy đi nhưng lại không được trả về cho họ sau khi chiến tranh kết thúc? Cuối cuộc hội thảo, 44 quốc gia đại diện đã thông qua danh sách 11 nguyên tắc xử lý tác phẩm nghệ thuật bị cướp. Theo đó, cần tiếp tục xác định các tác phẩm bị đánh cướp; cần mở các kho lưu trữ và tài liệu để tra cứu thông tin; cần công khai các nỗ lực thu hồi tác phẩm bị đánh cướp để con cháu nạn nhân có thể thay họ nhận lại tài sản; gia đình các nạn nhân cũng cần mạnh dạn đòi trả lại tác phẩm bị cướp đi từ tay họ.

Những nguyên tắc này rất đáng ca ngợi. Nhưng chúng lại chỉ được áp dụng với các bộ sưu tập nằm trong nhiều bảo tàng công, chứ không phải các bộ sưu tập tư nhân. Và ngay cả với các bảo tàng công, những rắc rối pháp lý liên quan tới các tác phẩm bị đánh cướp cũng quá phức tạp, khiến việc trả chúng về cho cố chủ diễn ra rất chậm chạp.

Trở lại vụ của Gurlitt, tháng 4.2014, ông này đã đạt được thỏa thuận với chính quyền vùng Bavaria. Theo đó kho tác phẩm nghệ thuật sẽ được trả lại cho Gurlitt nếu ông ta hợp tác để xác định nguồn gốc của chúng. Nhưng chỉ vài tháng sau, Gurlitt qua đời. Trong di chúc, Gurlitt gây sốc khi hiến cả kho tác phẩm cho Bảo tàng nghệ thuật Bern, Thụy Sĩ.

Trong nỗ lực giải quyết đống hỗn độn Gurlitt gây ra, chính quyền Đức đã thành lập một đội chuyên trách để xác định nguồn gốc của 1.566 tác phẩm nghệ thuật thu được từ căn hộ của ông ta. Đội này kết thúc công việc vào cuối năm 2015 và sau khi tiêu tốn 2,5 triệu USD, họ mới chỉ xác định được nguồn gốc của 11 tác phẩm, qua đó gây chỉ trích vì chi phí cao mà kết quả lại hạn chế. Một đội chuyên trách thứ hai hiện vẫn đang tiếp tục công việc xác định nguồn gốc.

Kết quả này cũng cho thấy một thực tế bao quanh hoạt động xử lý tác phẩm nghệ thuật bị phát xít đánh cướp: Cho dù người ta rất nỗ lực, chỉ một số ít tác phẩm được trả lại cố chủ. Và ngay cả khi các giám đốc bảo tàng, các nhà nghiên cứu cố gắng lần theo nguồn gốc của một tác phẩm bị nghi ngờ, họ sẽ đối mặt với vô số trở ngại, tới từ những kẻ coi việc làm của họ là sự lãng phí tiền công, hoặc sự đào xới không cần thiết vào một mảng quá khứ cần phải lãng quên!

hương giang (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/phat-xit-duc-cuop-kho-tang-nghe-thuat-chau-au-toi-ac-bi-lang-quen-634292.ldo