Phạt xe quá khổ, quá tải: Cần xử lý hình sự hành vi 'chầy bửa'?

Công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên thực tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn do sự bất hợp tác, chống đối của lái xe, chủ xe…

Thực hiện kế hoạch số 1111/KH - TTS về việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP, những ngày qua Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ra quân, kiểm tra, xử phạt gắt gao vi phạm trên nhiều tuyến đường.

Qua thực tế cho thấy, công tác xử phạt vi phạm xe chở quá tải, tự ý cơi nới kích thước thành thùng, không đảm bảo vệ sinh… vẫn còn khá nhiều khó khăn.
Đơn cử như chiều 24/8, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác thuộc Đội Thanh tra GTVT Cầu Đường Bộ tiến hành kiểm tra hoạt động vận chuyển hàng hóa của các phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa trên các tuyến đường: QL6, QL21A, 21B.
Quá trình kiểm tra, lực lượng Thanh tra GTVT đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp, phạt tiền 79.600.000 đồng; tước Giấy phép lái xe 3 trường hợp; tước tem kiểm định 2 tháng đối với 3 trường hợp.
Trong đó, 2 trường hợp vi phạm chở hàng quá tải trọng xe, không có phù hiệu xe tải theo quy định; 3 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe.

Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Văn Tiến cho biết, để xử lý được 5 trường hợp nêu trên mất khá nhiều thời gian, công sức. “Nhiều tài xế xe tải hiện nay dường như đã hình thành thói quen cứ bị dừng xe kiểm tra là “lỉnh” mất” - ông Tiến chia sẻ.
Thậm chí nhiều lái xe còn khóa cửa, khóa cổ xe, mặc kệ lực lượng chức năng, bỏ đi mất tích luôn, không hợp tác trong quá trình kiểm tra. Thanh tra GTVT phải liên hệ đến DN chủ quản thì lái xe mới chịu quay lại xuất trình giấy tờ, phối hợp làm việc.
Đại diện Đội Thanh tra GTVT Cầu đường bộ thông tin thêm, một số trường hợp, DN cố tình không trả lời hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra thì còn mất thời gian hơn nữa. “Có chiếc xe mà từ lúc kiểm tra cho tới khi kéo về đến nơi tạm giữ phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ” - vị này cho hay.

Hành vi bất hợp tác của tài xế và cả chủ xe, DN… đang gây rất nhiều phiền toái, hạn chế đáng kể hiệu quả công tác tuần tra, xử lý vi phạm quá khổ, quá tải của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Tiến cho biết, vẫn chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng về việc xử phạt hành vi “bỏ đi” khỏi hiện trường của tài xế xe tải, nên rất khó xử lý. “Anh em thanh tra chỉ có thể vừa thuyết phục, vừa áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xử lý, nhưng rõ ràng là rất mất thời gian” - ông Tiến chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi cố tình tránh né kiểm tra, bỏ đi khỏi hiện trường là sự coi thường, thách thức pháp luật của tài xế xe tải. Nó cần được xem xét dưới góc độ hành vi: chống đối người thi hành công vụ và phải xử lý hình sự.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, khóa cửa xe bỏ đi là một kiểu “chầy bửa” rất đáng lên án. Thanh tra GTVT không có quyền bắt giữ người, cũng không được tự ý mở cửa xe thì làm sao có thể kiểm tra, xử lý vi phạm được.
Ông Nga phân tích thêm: “Nếu pháp luật không có những hình thức xử lý quyết liệt, mang tính răn đe thì công tác kiểm tra, xử phạt xe quá khổ, quá tải của Thanh tra GTVT cũng như các lực lượng khác sẽ còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp”.

Văn Trọng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-xe-qua-kho-qua-tai-can-xu-ly-hinh-su-hanh-vi-chay-bua-323810.html