'Chế tài mạnh' xử lý sai phạm kinh doanh đặt cược và trò chơi điện tử có thưởng

Nghị định số 137/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2022 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm, nâng cao nhận thức của người chơi và doanh nghiệp. Phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính về vấn đề liên quan đến nghị định này.

PV: Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng được quy định tại Nghị định 137, khi đi vào thực thi sẽ có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Trước khi có Nghị định 137, khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng được thực hiện theo các Nghị định chuyên ngành Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 về kinh doanh casino và Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm

Việc ban hành 3 nghị định nêu trên góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của một bộ phận người chơi, tạo thêm dịch vụ gia tăng đối với các sản phẩm du lịch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 lĩnh vực về trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh casino; đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế chưa được quy định đồng bộ. Mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm còn thấp, chưa phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm và đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 137 hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng nhằm đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm hành chính và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

PV: Về mức phạt tiền, Nghị định 137 có những điểm gì mới, đáng chú ý thưa bà?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Nghị định 137 đã quy định mức phạt tiền tối đa từ 180 - 200 triệu đồng đối với tổ chức khi vi phạm nghiêm trọng về điều kiện tổ chức kinh doanh, về phạm vi kinh doanh, về quản lý đối tượng được phép chơi đặt cược và trò chơi có thưởng, về số lượng máy trò chơi, bàn trò chơi và chủng loại, loại hình trò chơi có thưởng (đối với kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng) không đúng quy định của pháp luật. Hình thức xử phạt bổ sung nữa là tước quyền sử dụng có thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đến 24 tháng.

Nghị định 137 đã nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, về thể lệ trò chơi/thể lệ đặt cược… Mục đích nhằm phản ánh đúng tính chất, mức độ vi phạm và đảm bảo tính răn đe, nghiêm khắc của pháp luật.

Một số hành vi vi phạm có tính chất tương đồng, nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh casino và đặt cược cao hơn so với mức phạt tiền trong kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (như vi phạm quy định về quản lý máy trò chơi, bàn trò chơi, thiết bị trò chơi; về trả thưởng, xác nhận tiền trúng thưởng…). Việc quy định này nhằm phản ánh đúng tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm giữa các loại hình vui chơi có thưởng và tuân thủ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

PV: Được biết, Nghị định 137 đã bổ sung các hình thức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm, đó là những hành vi nào?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Có 2 nhóm hành vi bị xử phạt mới được quy định trong Nghị định 137. Đối với hành vi vi phạm về quảng cáo, Nghị định quy định phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng trong trường hợp quảng cáo hoạt động kinh doanh đặt cược và trò chơi có thưởng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh hoặc nội dung và hình thức quảng cáo không đúng quy định của pháp luật và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn từ 1 - 2 tháng.

Đối với hành vi vi phạm về phòng, chống rửa tiền, Nghị định 137 quy định 3 khung phạt tiền đối với các vi phạm về phòng, chống rửa tiền, theo đó, mức phạt tiền thấp nhất là 40 - 60 triệu đồng, tiếp theo từ 60 - 100 triệu đồng và mức tiền phạt cao nhất với hành vi này là 180 - 200 triệu đồng.

PV: Thông thường các hành vi rửa tiền thông qua trò chơi có thưởng thường được các đối tượng thực hiện qua các cách thức như thế nào?

Bà Phạm Thị Thanh Tâm: Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn đã có quy định cụ thể về dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực đặt cược và trò chơi có thưởng như khách hàng có dấu hiệu liên tục cố tình thua; khách hàng đổi số lượng đồng tiền quy ước có giá trị lớn nhưng không tham gia chơi hoặc chơi với số lượng rất nhỏ sau đó đổi lại tiền. Một số dấu hiệu khác như khách hàng yêu cầu chuyển tiền thắng cho bên thứ ba không có mối quan hệ rõ ràng với khách hàng; khách hàng bổ sung tiền vào số tiền thắng và yêu cầu doanh nghiệp chuyển thành một séc chung có giá trị lớn…

Để tăng cường khả năng giám sát và phát hiện các hành vi rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phải xây dựng quy định về phân loại khách hàng trên cơ sở rủi ro, xây dựng và tuân thủ quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật. Doang nghiệp cũng phải báo cáo các giao dịch lớn, giao dịch đáng ngờ, thực hiện cập nhật thông tin nhận biết khách hàng...

Đồng thời, để nâng cao nhận thức doanh nghiệp, phòng ngừa vi phạm, Nghị định 137 đã đưa ra các hình thức xử phạt các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ không cập nhật thông tin nhận biết khách hàng; không báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch đáng ngờ; không giám sát đặc biệt đối với các giao dịch có giá trị lớn bất thường; hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…

PV: Xin cảm ơn bà.

Các văn bản về quản lý trò chơi điện tử có thưởng
được ban hành đồng bộ

Cùng với Nghị định số 137/2021/NĐ-CP, một văn bản pháp luật khác cũng liên quan đến quản lý kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng vừa có hiệu lực thi hành là Nghị định số 121/2021/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

Nghị định số 121 thay thế các Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 và Nghị định số 175/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Theo Bộ Tài chính, văn bản này ban hành nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý giám sát chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Nghị định 121 đã đưa ra những quy định cho phép hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng được hoạt động thuận lợi, nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

Sau khi Nghị định 121 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có quyết định công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại bộ phận một cửa thuộc chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là 3 thủ tục hành chính cũ được bãi bỏ để gộp thành một thủ tục mới đó là thủ tục cấp lại/điều chỉnh/gia hạn giấy phép thu chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi có thưởng.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/che-tai-manh-xu-ly-sai-pham-kinh-doanh-dat-cuoc-va-tro-choi-dien-tu-co-thuong-100911.html