Phát triển xe buýt mi-ni

Nhằm hoàn thiện và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện xe buýt, nhiều chuyên gia đánh giá việc phát triển loại hình xe buýt mi-ni (xe buýt nhỏ) là hợp lý và cần thiết đối với một đô thị đặc thù như TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chủ trương phát triển hệ thống xe buýt mi-ni đang được UBND thành phố trình Chính phủ xem xét để sớm được triển khai...

Xe buýt 41 - 60 chỗ ngồi hiện đang hoạt động phổ biến ở TP Hồ Chí Minh, nhưng dễ gây ùn tắc giao thông và di chuyển chậm.

Xe buýt 41 - 60 chỗ ngồi hiện đang hoạt động phổ biến ở TP Hồ Chí Minh, nhưng dễ gây ùn tắc giao thông và di chuyển chậm.

Nhằm hoàn thiện và phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận phương tiện xe buýt, nhiều chuyên gia đánh giá việc phát triển loại hình xe buýt mi-ni (xe buýt nhỏ) là hợp lý và cần thiết đối với một đô thị đặc thù như TP Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, chủ trương phát triển hệ thống xe buýt mi-ni đang được UBND thành phố trình Chính phủ xem xét để sớm được triển khai...

Theo UBND thành phố, toàn thành phố hiện có 2.322 xe buýt phân bố trên 137 tuyến. Hầu hết xe buýt đều là xe cỡ lớn với sức chứa 41 đến 60 hành khách, chỉ chạy ở đường rộng từ 10 m trở lên (chiếm 41%), trong khi nhiều tuyến đường của thành phố lại quá nhỏ. Ðiều này dẫn đến mạng lưới bị thu hẹp, người dân phải đi khá xa mới có thể tiếp cận được xe buýt. Theo số liệu của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải), năm 2019 hầu hết xe buýt lăn bánh trên đường chỉ khai thác được gần 50% số chỗ, năm 2020 tỷ lệ này giảm xuống còn 38% một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðiều đó có nghĩa các loại xe buýt lớn hầu như không khai thác hết sức chuyên chở. Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố Ðỗ Ngọc Hải, với thực trạng hạ tầng và phương tiện như hiện nay, hành khách khó tiếp cận mạng lưới xe buýt. Ðơn cử xe buýt lớn chưa thể len lỏi vào nhiều tuyến đường nhỏ hẹp (chiếm 56% toàn thành phố) mà chỉ có thể hoạt động trên các tuyến đường rộng hơn 7 m (chiếm 44%). Khó khăn trong việc tiếp cận xe buýt vừa khiến phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh dẫn đến ùn ứ giao thông vừa làm hành khách ngày càng không mặn mà với xe buýt. Do đó, Sở GTVT nhận định, thành phố cần đưa vào sử dụng các loại xe buýt mi-ni 12 đến 17 chỗ, nhất là loại xe có ứng dụng công nghệ phù hợp với đô thị thông minh, qua đó giải quyết bài toán gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng mà chính quyền thành phố đang kỳ vọng.

Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố được sử dụng xe buýt 12 đến dưới 17 chỗ nhằm bảo đảm mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đạt tiêu chí trong phạm vi 500 m người dân có thể tiếp cận xe buýt. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Ðức cho rằng, việc đưa xe buýt mi-ni vào hoạt động tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết vì mạng lưới đường đô thị thành phố chủ yếu là đường nhỏ, hẹp mà xe buýt tiêu chuẩn (cỡ lớn) không ra vào được. Ðây chính là điểm hạn chế khiến mạng lưới xe buýt thành phố không thể tiếp cận được một lượng lớn hành khách có nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, xe buýt mi-ni dễ dàng tiếp cận những tuyến đường nhỏ để đưa khách đến các trục giao thông có xe buýt lớn, xe buýt nhanh, metro. Một số chuyên gia về đô thị cũng cho rằng, muốn phát triển vận tải hành khách công cộng thì ngoài nâng cao chất lượng phục vụ, ngành vận tải thành phố còn phải cung cấp đa dạng các loại hình vận tải cũng như mạng lưới tuyến phải được phủ rộng, phủ đều từ trung tâm thành phố đến ngoại thành, các khu đô thị mới để tạo sức hút sử dụng đối với đông đảo người dân, hành khách đi lại. Cũng theo kế hoạch được UBND thành phố Hồ Chí Minh trình Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2022, thành phố dự kiến mở mới 20 tuyến buýt sử dụng xe buýt mi-ni kết nối dọc metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các khu đô thị mới. Theo Ban Quản lý Ðường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, ngay từ bây giờ, ngành GTVT thành phố nên xây dựng và có kế hoạch đầu tư các trạm xe buýt, mạng lưới xe buýt nhiều loại hình, đặc biệt là xe buýt mi-ni để kết nối hạ tầng giao thông từ nhà ga metro đến các khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận tiện hơn.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng của TP Hồ Chí Minh chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị thành phố. Theo mục tiêu của đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng đến năm 2025, khối lượng vận chuyển đáp ứng là 15% nhu cầu và đến năm 2030 là 25%. Ðể đạt được mục tiêu này, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển vận tải hành khách công cộng; trong đó việc tổ chức mạng lưới các tuyến xe buýt và sử dụng các phương tiện có sức chở từ 12 đến dưới 17 chỗ để phù hợp với một đô thị đặc thù như TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết.

Bài và ảnh: VÕ LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/phat-trien-xe-buyt-mi-ni-637806/