Phát triển vườn ươm khởi nghiệp trên địa bàn Thủ đô

Hà Nội được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nước. Thời gian qua, nhiều vườn ươm khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn thành phố đã ra đời, được hỗ trợ, trang bị đầy đủ các kỹ năng kinh doanh, gọi vốn.

“Bà đỡ” của các doanh nghiệp khởi nghiệp

Chia sẻ về hoạt động của các vườn ươm, ông Vũ Tấn Cương, Trưởng ban Quản lý Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin ĐMST Hà Nội (HBI-IT) cho rằng, vườn ươm doanh nghiệp với vai trò là “bà đỡ” sẽ nâng cao tỷ lệ thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vườn ươm doanh nghiệp cung cấp cơ sở vật chất và không gian nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, đồng thời hướng dẫn và tư vấn đào tạo, kỹ năng quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn; hỗ trợ tiếp cận thị trường; hỗ trợ pháp luật và dịch vụ tiện ích khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ này rất cần thiết cho sự khởi động và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với vườn ươm HBI-IT, kể từ khi đi vào hoạt động chính thức năm 2017, kết thúc hai khóa ươm tạo, HBI-IT đã ươm tạo và cấp bằng tốt nghiệp 20 dự án khởi nghiệp, trong đó, nhiều dự án đã tìm được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hỗ trợ cho việc hoàn thiện dự án cũng như phát triển kinh doanh.

 Nghiên cứu các mô hình robot tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

Nghiên cứu các mô hình robot tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật (Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

Theo ông Trần Ngọc Nam, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội, trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm Hà Nội có khoảng 20.000 doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,1% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới). Hà Nội hiện có hơn 26 tổ chức là các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, một số đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST và ươm tạo doanh nghiệp bài bản, như: HBI-IT của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội; Công ty TNHH BK-Holdings của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Vietnam Silicon Valley… Mặc dù vậy, ông Trần Ngọc Nam cũng cho rằng, bên cạnh một số vườn ươm hoạt động bài bản thì phần lớn các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn chủ yếu chỉ là cung cấp dịch vụ cho thuê không gian làm việc. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn Hà Nội còn hoạt động riêng lẻ, chưa liên kết, tương hỗ để trở thành mạng lưới chặt chẽ.

Tạo sự liên kết

Ông Trần Ngọc Nam cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục có những định hướng, chính sách để quy tụ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trở thành mạng lưới liên kết trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm, cơ sở vật chất, đội ngũ các nhà tư vấn, các chương trình đào tạo, các nhà đầu tư… góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố.

Nhiều chuyên gia cũng có ý kiến, cần thúc đẩy quan hệ hợp tác các doanh nghiệp với các vườn ươm trong viện, trường đại học. PGS, TS Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Không gian sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp (FIIS), Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho rằng, vai trò của vườn ươm trong các trường đại học là rất quan trọng đối với hệ sinh thái khởi nghiệp. PGS, TS Lê Thị Thu Hà lấy ví dụ, theo thống kê, ở Đài Loan hiện có 140 vườn ươm khởi nghiệp, trong đó có tới 81% thuộc về các trường đại học. Những vườn ươm trong trường đại học được hỗ trợ 50-70% chi phí vận hành từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp từ trường đại học được xem là biện pháp hiệu quả để nâng cao số lượng và chất lượng doanh nhân khởi nghiệp. Các trường đại học có thế mạnh riêng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều trường đại học có lợi thế về công nghệ và đang phối hợp với các hệ thống, tập đoàn nghiên cứu lớn để cùng hỗ trợ, đồng hành và triển khai những dự án trong lĩnh vực công nghệ mới. Các trường đại học có thể kết hợp với các khu công nghệ cao, công viên phần mềm để tạo lập các không gian và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết cho các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, cần có sự tập trung và kết nối các nguồn lực giữa các bên để khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành với các dự án khởi nghiệp.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để vườn ươm phát triển bền vững cần hướng tới vận hành theo mô hình doanh nghiệp. Thành phố chỉ đầu tư giai đoạn đầu để tạo tiềm năng và điều kiện cơ sở vật chất ban đầu đủ để đảm nhận vai trò hỗ trợ khởi nghiệp. Sau khi đã đi vào hoạt động ổn định, các cơ sở này cần hình thành các loại hình hoạt động có thu phí, thu hút tài trợ từ xã hội để tự đứng vững, tạo ra những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp thiết thực và hiệu quả.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-vuon-uom-khoi-nghiep-tren-dia-ban-thu-do-581059