Phát triển vườn cây ăn trái ở núi Dài

Từ tháng 3, 4 (âm lịch), nông dân khu vực núi Dài (Tri Tôn, An Giang) tất bật vào vụ thu hoạch nông sản. Mặc dù việc canh tác gặp nhiều khó khăn do địa hình núi cao, khí hậu khắc nghiệt… nhưng nhờ thổ nhưỡng thích hợp nên nhiều loại nông sản ở đây được đánh giá cao về hương vị, chất lượng so với nhiều nơi khác.

Đất núi cho quả ngọt

Núi Dài (Ngọa Long Sơn) dài hơn 8.000m, cao trên 500m, thuộc địa phận 4 xã: Châu Lăng, Lương Phi, Ba Chúc, Lê Trì (Tri Tôn). Những năm qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, nông dân canh tác ở khu vực núi Dài đã đẩy mạnh việc thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi từ vườn tạp sang canh tác các loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ vậy, đời sống của một bộ phận người dân ở đây ngày càng được cải thiện.

Ông Đào Văn Đua (một trong những nông dân định cư lâu năm ở khu vực núi Dài, xã Lê Trì) kể lại với chúng tôi, trước đây, ông trồng rừng phòng hộ xen với các loại cây trồng như: xoài, bơ, mít, mãng cầu… Đây là những loại cây được trồng phổ biến ở vùng núi này, tuy nhiên sau nhiều năm khai thác, chúng không còn mang lại giá trị kinh tế cao như mong muốn, nên ông quyết định tìm kiếm giống cây trồng mới để thay thế. Được sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, ông Đua đã mạnh dạn chặt bỏ những cây trồng cũ mở rộng diện tích trồng cây sầu riêng (giống Ri 6, Monthong), bưởi da xanh, bơ…

Sau thời gian canh tác, ông Đua nhận định, thổ nhưỡng ở khu vực núi Dài rất thích hợp để trồng các loại cây ăn trái. Tuy nhiên, theo ông Đua, việc trồng cây ăn trái trên Ngọa Long Sơn sẽ gặp nhiều bất lợi so với các nơi khác. Do địa hình núi cao nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thời tiết khắc nghiệt, nông dân chỉ có thể canh tác vào mùa mưa.

“Vào mùa khô bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 (âm lịch). Đây là thời điểm khắc nghiệt nhất trong năm nên sản xuất thường lâm vào tình trạng thiếu nước tưới. Do không đủ lượng nước tưới, nên nhiều loại cây trồng rụng trái, giảm năng suất.

Để khắc phục thực trạng này, nhiều người dân đã cho xây những hồ chứa để tích trữ lượng nước vào mùa mưa để dần sử dụng. Tuy nhiên, so với thực tế diễn biến của quá trình sản xuất thì lượng nước tích trữ chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn” - ông Đua nhận định.

Khi mùa mưa đến, cây trồng được cung cấp đủ nước nên phát triển khá tốt. Theo ông Đua, trái cây núi Dài cho năng suất và chất lượng không thua sản phẩm trái cây miệt vườn nổi tiếng ở các địa phương khác như: Tiền Giang, Bến Tre...

Ngoài ra, với đặc thù trồng trên đồi núi cao, hầu như không sử dụng phân bón, thuốc hóa học, nên trái cây núi Dài được nhiều người ưa chuộng không chỉ bởi phẩm chất thơm ngon, mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Hiện nay, gia đình tôi canh tác khoảng 7 công đất vườn, trồng các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng (Ri 6, Monthong), bưởi da xanh, xoài… Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng” - ông Đua chia sẻ.

Thuận tiện giao thương

Những năm gần đây, nhờ xây dựng tuyến đường chạy dài từ chân núi đến đỉnh núi (dài khoảng 3km) đã giúp đời sống người dân nơi đây có sự thay đổi rõ rệt. Giờ đây, bà con có thể chạy xe máy lên thăm vườn, vận chuyển nông sản tập kết xuống bến để thương lái đến thu mua.

“Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch nông sản, người dân phải gánh xuống chân núi để bán cho thương lái. Đoạn đường khá xa và vất vả nên phải mất hàng giờ đồng hồ mới đến được. Từ khi con đường hình thành, xe máy dễ dàng đến từng nhà để vận chuyển hàng nông sản. Nông dân nhờ vậy có thể trồng thêm nhiều loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn” - ông Đua nhận định.

Giao thông trên núi Dài được đầu tư xây dựng tạo sự thuận tiện cho người dân

Tuy là con đường nhỏ hẹp, tráng xi-măng nhưng đây là niềm mơ ước của nhiều người dân nơi đây. Ông Đua cho biết, phải mất khoảng 3 năm để hoàn thành con đường này, với tổng chi phí khoảng 1 tỷ đồng (chưa tính ngày công lao động).

Hiện nay, ông Đua đang tích cực vận động mở rộng thêm tuyến đường này lên 2m (chiều rộng) để người dân đi lại an toàn hơn, đồng thời giúp việc vận chuyển nông sản, hàng hóa của người dân được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Trì Nguyễn Văn Hữu Phước cho biết, đối với các hộ nông dân canh tác trên núi Dài (thuộc địa phận xã Lê Trì), thời gian tới, Hội Nông dân sẽ vận động bà con nông dân thành lập các tổ liên kiết để có điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Từ đó hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản núi Dài có chỗ đứng trên thị trường.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-trien-vuon-cay-an-trai-o-nui-dai-a274370.html