Phát triển vùng trồng chuối hướng đến xuất khẩu

Với những lợi thế cũng như hiệu quả đem lại, cây chuối đã được ngành Nông nghiệp chọn vào nhóm cây ăn quả chủ lực của thành phố, thực hiện tái cơ cấu, đầu tư công nghệ, cấp mã vùng trồng… Bước đầu Hà Nội đã hình thành, phát triển được một số vùng trồng chuối công nghệ cao hướng tới xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa xung quanh vấn đề này.

Mô hình trồng chuối cho thu nhập cao tại xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm).

- Hà Nội có nhiều loại cây ăn quả đặc sản, có giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn… vậy tại sao thành phố lại chọn chuối là một trong những cây ăn quả chủ lực, thưa bà?

- Hà Nội có vùng đất bồi ven sông Hồng, sông Đà, sông Đáy… lên tới hàng chục nghìn héc ta và loại đất này phù hợp với đặc tính phát triển của cây chuối. Thêm nữa trồng chuối không mất quá nhiều công sức, lại cho thu hoạch ngay trong năm đầu, không như một số cây ăn quả khác mất thời gian từ 3 tới 7 năm mới bắt đầu thu hoạch… Đây là cơ sở để Hà Nội chọn chuối là một trong những cây trồng chủ lực.

Thời điểm hiện tại, diện tích trồng chuối của Hà Nội đã lên tới 3.294ha, tập trung chủ yếu ở xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ); các xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn (huyện Gia Lâm); xã Chu Minh (huyện Ba Vì)... trong đó, hơn 70% diện tích trồng các giống chuối nuôi cấy mô. Bước đầu Hà Nội đã hình thành các vùng trồng chuối chất lượng cao đủ điều kiện xuất khẩu tới một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Và nếu nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản… theo tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam” (VietGAP) thì loại cây trồng này có thể cho thu nhập 300-350 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

Ở góc độ khác, với xu hướng phát triển kinh tế xanh, hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa, người nông dân có thể có thêm thu nhập từ thu hoạch lá chuối, hoa chuối… Đặc biệt, thân chuối có thể làm ra sợi để sản xuất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ, giấy, các vật liệu cao cấp sử dụng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… Nguồn nguyên liệu sạch này rất được thị trường châu Âu ưa chuộng và đã có một số doanh nghiệp đưa công nghệ ép thân chuối lấy sợi vào sản xuất; đồng thời bao tiêu sản phẩm...

- Thời gian vừa qua, diện tích trồng cây ăn quả của Hà Nội mở rộng nhanh và việc chạy theo phong trào thường mang đến rất nhiều hệ lụy (vừa thừa, vừa thiếu hay được mùa, mất giá…). Theo bà, cây chuối có rơi vào tình trạng này không?

- Hà Nội chưa có kế hoạch mở rộng diện tích trồng chuối và vẫn duy trì như hiện nay nhưng sẽ nâng giá trị cây chuối bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi phương pháp trồng, chăm sóc và chọn lọc những giống chuối mới. Thực tế, dư địa để phát triển cây chuối của Hà Nội không phải là tăng diện tích một cách ồ ạt mà là thay thế các giống cũ chất lượng kém bằng các giống chuối mới chất lượng cao để gia tăng giá trị. Đến thời điểm này có thể khẳng định, phát triển cây chuối ở Hà Nội đang đi đúng hướng và không có dấu hiệu phát triển “nóng”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy mô sản xuất chuối hiện nay còn manh mún, lại phân tán nên đầu tư cho bảo quản cũng như bao tiêu sản phẩm gặp khó khăn; thêm nữa, quy trình canh tác chưa đồng bộ nên sản phẩm không đồng đều; việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm bị hư hỏng cao (25-30%)… Mặt khác, năng suất chuối của Hà Nội mới đạt 25,86 tấn/ha, ở mức thấp và vẫn tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa với tỷ lệ khoảng 90% tổng sản lượng…

- Vậy theo bà, đâu là giải pháp để cây chuối phát triển bền vững, bảo đảm nhu cầu ngày càng cao của thị trường và hướng tới xuất khẩu, góp phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp?

- Cùng với việc rà soát lại vùng trồng, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ trồng mới, thay thế 450ha chuối - sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao; đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng ròng rọc để vận chuyển chuối trong quá trình thu hoạch; đồng thời cấp mã vùng trồng trên hệ thống… nhằm tạo dựng nền tảng mới cho việc xuất khẩu chuối tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc - những thị trường có nhu cầu cao về trái cây này. Bên cạnh đó hỗ trợ, thúc đẩy kết nối với các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chuối để liên doanh, liên kết với hợp tác xã, hộ dân, từ đó có định hướng phát triển cây chuối chất lượng cao một cách rõ nét.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu đạt 20-30% sản lượng chuối hằng năm và có 60-80% vùng trồng chuối đạt Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Có thể nói, với nền tảng sẵn có và những giải pháp mang tính căn cơ, Hà Nội sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuối hàng hóa theo hướng an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1002355/phat-trien-vung-trong-chuoi-huong-den-xuat-khau