Phát triển vật liệu xây không nung: Thành công và thách thức

Việc phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình đưa các sản phẩm vật liệu này vào sử dụng trong công trình xây dựng, không ít thách thức được đặt ra cần phải xử lý, trong đó đặc biệt là vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ khâu thiết kế và thi công vật liệu này.

TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng.

Chủ trương của Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc phát triển VLXKN đồng thời giảm dần gạch đất sét nung, xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) và lò đứng liên tục sản xuất gạch đất sét nung (GĐSN) là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển đất nước bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Ở thời điểm năm 2010, Việt Nam sản xuất hơn 20 tỷ viên gạch đất sét nung và có rất nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở, phát triển đô thị rất nhanh, nhu cầu về vật liệu xây ở nước ta bắt buộc phải tăng nhanh. Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu, nhu cầu sử dụng vật liệu xây vào các năm 2010, 2015, 2020 tương ứng khoảng 25, 32, 42 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC).

Sử dụng GĐSN đã làm tiêu tốn hàng nghìn hecta đất nông nghiệp, hàng triệu tấn than mỗi năm. Theo tính toán nghiên cứu, để sản xuất 1 tỷ viên GĐSN có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 600.000 tấn khí CO2 và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng GĐSN trong công trình xây dựng còn làm khó công nghiệp hóa ngành Xây dựng.

Vì vậy, thay thế GĐSN bằng VLXKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, sản xuất VLXKN còn có thể kết hợp tiêu thụ chất thải từ các ngành khác như: Nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý chất thải.

Đứng trước tình trạng nguồn tài nguyên đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do đốt than ở các lò gạch thủ công phát thải trực tiếp ra môi trường, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật chỉ đạo phát triển VLXKN, bao gồm: Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng GĐSN, Quyết định 1469/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý VLXD; Thông tư 09/2012/TT-BXD về việc quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng (hiện nay đã được cập nhật, thay thế bằng Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 08/12/2017); Quyết định 890/QĐ-BXD ngày 29/07/2015 về việc phê duyệt chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2015-2020 “Nghiên cứu phát triển vật liệu xây và cấu kiện không nung cho công trình xây dựng đến năm 2020”… trong đó đều nêu rõ nội dung cơ chế, chính sách, nghiên cứu phát triển VLXKN. Gần đây nhất, tại Văn bản số 14/TB-VPCP ngày 09/01/2018 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung”…

Bộ Xây dựng đồng thời đã thường xuyên rà soát xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến VLXKN; ban hành Quyết định số 1264/QĐ-BXD ngày 18/12/2017 về công bố Định mức dự toán xây dựng công trình - Phần xây dựng (sửa đổi, bổ sung) - Công tác sử dụng VLXKN…

Có thể nói, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Xây dựng đối với việc phát triển VLXKN, đồng thời giảm dần sử dụng gạch đất sét nung đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung đã tăng lên khoảng 2.500 với tổng công suất thiết kế (CSTK) (năm 2018) đạt khoảng 8 tỷ viên QTC/năm chiếm gần 30% tổng CSTK vật liệu xây (năm 2010 chỉ chiếm khoảng 8%). Tổng công suất gạch xi măng cốt liệu khoảng trên 5,2 tỷ viên QTC/năm. Tổng giá trị đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. (Gạch đất sét nung: khoảng 6.630 cơ sở sản xuất với tổng CSTK đạt 26,0 tỷ viên/năm.) Hiện đã có 35/63 tỉnh có chỉ thị của UBND về việc xóa bỏ sản xuất gạch nung thủ công và tăng cường sử dụng VLXKN; 45/63 tỉnh có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch nung.

Năm 2017 đã có những nhà máy sản xuất gạch bloc rung ép công suất 200 triệu viên tiêu chuẩn/ năm tức là bằng 10 lần dây chuyền gạch đất sét nung 20 triệu viên/năm trước đây. Các tỉnh thành khác cũng đang lắp đặt và đưa vào hoạt động các dây chuyên gạch block công suất từ 10 triệu đến 140 triệu viên/năm (Cty Thanh phúc, Cty Đức thành, Harex, Trần Châu - Viết Hải, Hồng Hoàng Hồng, Amaccao,Vietcem, Sivali, Trung hậu, Hoàn Cầu, Long quân, Viana, Zenit, DMC…).

Bên cạnh đó hiện nay nhiều đơn vị đang đầu tư 14 dây chuyền sản xuất tấm penel có lỗ rỗng, mỗi dây chuyền có công suất 200.000m2/năm tương đương công suất 160 triệu viên QTC/năm và một số dây chuyền công suất nhỏ tấm sandwich.

Tuy nhiên, thực tế sử dụng VLXKN tại các công trình trong những năm vừa qua và hiện nay cho thấy có một số vấn đề mà người sử dụng chưa thực sự hài lòng với chất lượng công trình sử dụng VLXKN, đó là tình trạng nứt, thấm làm giảm mỹ quan, bất tiện khi sinh hoạt, làm việc.

Điều này đã dẫn đến hệ quả là sản lượng VLXKN không tăng nhanh như dự kiến (các nước phát triển có thể sử dụng 100% VLXKN, Thái Lan, Malaysia cũng sử dụng khoảng 60 - 70% VLXKN), đặc biệt là các sản phẩm gạch block nhẹ AAC bê tông khí chưng áp, bê tông bọt (Gạch AAC có 22 doanh nghiệp đầu tư dự án, trong đó thực tế hiện nay chỉ có 5 nhà máy hoạt động, tiêu thụ khó khăn. Gạch bê tông bọt 17 dây chuyền nhưng hoạt động cầm chừng).

Thực trạng về sử dụng VLXKN như vậy đòi hỏi các nhà sản xuất, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra, nhà thầu xây dựng, cùng với các chuyên gia cần phải nghiên cứu, thường xuyên rà soát quy trình sản xuất từ khâu lựa chọn nguyên liệu, thành phần cấp phối, trộn, tạo hình, bảo dưỡng và có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm; tính toán thiết kế, tải trọng, biến dạng, chịu lực…; quy trình thi công, bảo dưỡng kết cấu… phải chặt chẽ hơn.

Kinh nghiệm các nước sử dụng nhiều VLXKN đi trước đều cho thấy bên cạnh việc bảo đảm công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, thì nhân lực đồng bộ từ sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng, tư vấn thiết kế, thi công VLXKN phải được các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đào tạo cẩn thận, am hiểu sản phẩm mới, sự khác biệt giữa VLXKN và gạch xây truyền thống thì mới thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng thực tế.

Cùng với các bên, tổ chức và cá nhân, việc phát triển VLXKN theo hướng bền vững, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế và môi trường, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và toàn xã hội.

TS. Lê Trung Thành (Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng)

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/vat-lieu/phat-trien-vat-lieu-xay-khong-nung-thanh-cong-va-thach-thuc.html