Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các vùng biển đảo là nhiệm vụ cấp bách

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại hội thảo Rà soát Đề án 'Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2050', được tổ chức ngày 26/11/2018, tại Bộ Xây dựng.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD phát biểu tại Hội thảo

Theo đề án, hàng năm, Nhà nước đầu tư lớn cho các công trình ven biển và trên các đảo. Tuy nhiên các công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật tại đây thường bị ăn mòn và phá hủy trầm trọng. Vì vậy, nghiên cứu phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng phục vụ cho các vùng biển đảo đang là vấn đề rất quan trọng cấp bách.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, có bờ biển dài 3.260km, trải dài trên 28 tỉnh thành với hệ thống đảo, quần đảo phong phú. Việt Nam đứng thứ 27 về chiều dài bờ biển trong số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới.

Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện về chiến lược biển Việt Nam đến năm 20202, định hướng đến năm 2030, tổng nguồn vốn đầu tư của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển bằng 55-60% so với tổng vốn đầu tư cả nước. Riêng vốn đầu tư cho hệ thống đảo từ nay đến năm 2020 khoảng 162,5 nghìn tỷ đồng.

Theo ThS Lương Văn Hùng - Chủ nhiệm Đề án trình bày báo cáo

Bên cạnh chủ trương khuyến khích dân cư sinh sống trên đảo, việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất là hết sức quan trọng, cần đi trước một bước phục vụ cho tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng công trình biển đảo một cách đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Theo các tài liệu khảo sát, các công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật bê tông cốt thép ở ven biển, trên các đảo sau 5 – 10 – 20 năm thường bị ăn mòn và phá hủy trầm trọng, đòi hỏi chi phí lớn cho việc sửa chữa và bảo vệ, chiếm khoảng 40-70% giá thành xây dựng.

Các công trình bê tông cốt thép trên các đảo hiện nay hầu hết được xây dựng dựa trên nguồn nguyên vật liệu được vận chuyển từ đất liền ra, do đó chi phí vẩn chuyển rất tốn kém. Hơn nữa, việc chuyên chở một khối lượng lớn nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo phục vụ việc thi công xây dựng tại chỗ là rất khó khăn.

Mặt khác, vật liệu khi chuyên chở trên biển vì thời gian vận chuyển dài, chịu tác động của khí hậu biển nên bản thân vật liệu bị nhiễm mặn, bị xâm thực bởi nước biển nên chất lượng của công trình bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ sẽ bị ảnh hưởng và tăng nguy cơ bị ăn mòn, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN 9346:2012.

Theo ThS Lương Văn Hùng - Chủ nhiệm Đề án (Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng), việc xây dựng, triển khai thực hiện Đề án là cụ thể hóa đường lối của Đảng và nhà nước; Chương trình hành động của Chính phủ về chiến lược biển Việt Nam, góp phần tăng cường phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cần phải có các loại vật liệu xây dựng có tính năng vượt trội, khác biệt có thể thích ứng được với môi trường xâm thực, khắc nghiệt của biển. Vì vậy, nghiên cứu phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng phục vụ cho các vùng biển đảo là rất quan trọng và đang là vấn đề đòi hỏi cấp bách.

Việc nghiên cứu các chủng loại VLXD biển đảo bao gồm: Vật liệu sử dụng cho bê tông và kết cấu thép; vật liệu xây và lợp chủ yếu (kính xây dựng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh,…) để trang trí, nội, ngoại thất, kiến trúc, vật liệu san lấp, mở rộng, cải tạo các vùng biển, hải đảo (đá, cát xây dựng,…) và các loại vật liệu phụ gia cần thiết khác.

Đại diện Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) nhận định đây là Đề án rất tốt cho quốc phòng an ninh. Phía Hải quân mong muốn ban soạn thảo Đề án sớm nghiên cứu các vật liệu tại chỗ để đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh cho rằng đây là một Đề án hết sức thiết thực, giảm được chi phí xây dựng đối với địa phương, nhất là với tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh có địa lý tự nhiên thuận lợi, có nguồn khoáng sản đa dạng, trong đó có khoáng sản phục vụ để khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng với trữ lượng lớn, chất lượng tốt.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Manh Tuấn nguồn chất thải công nghiệp (tro, xỉ, thạch cao) từ các nhà máy nhiệt điện trên địa bàn lớn, khoảng 7 triệu tấn/năm. Do vậy tỉnh Quảng Ninh mong muốn sớm đưa nguồn thải tro, xỉ, thạch cao để sử dụng sản xuất các cấu kiện bê tông, phụ gia xi măng, vật liệu xây không nung, phục vụ san lấp, tôn tạo môi trường biển, đảo.

Các đại biểu đánh giá ban soạn thảo đã nghiên cứu công phu, soạn thảo nội dung dự thảo tương đối đầy đủ, giá trị ứng dụng cao.

Toàn cảnh Hội thảo

Cơ bản nhất trí với nội dung chính của Đề án, song 1 số đại biểu cũng đề xuất nhóm thực hiện Đề án cần tập trung làm rõ thêm một số nội dung như phạm vi đối tượng nghiên cứu; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức; các giải pháp về cơ chế chính sách; nguồn vốn để phát triển VLXD biển đảo; và các giải pháp tổ chức thực hiện.

Kết luận hội thảo, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu vào đề án. Ông Phạm Văn Bắc yêu cầu Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp có giá trị, từ đó tổng hợp và hoàn thiện tờ trình và dự thảo quyết định phê duyệt Đề án, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2018.

Hải Ngọc - Cẩm Tú

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/kinh-te/phat-trien-vat-lieu-xay-dung-phuc-vu-cac-vung-bien-dao-la-nhiem-vu-cap-bach-1262272.html