Phát triển vật liệu xây dựng không nung: Thực thi chính sách chưa đồng đều

Theo đánh giá, cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển VLXDKN tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi tại các địa phương không đồng đều, thống nhất. Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Thái Duy Sâm để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 Ông Thái Duy Sâm

Ông Thái Duy Sâm

Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chương trình phát triển VLXDKN đến năm 2020?

- Để phát triển VLXDKN, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg. Thông qua Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP) tài trợ dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” nhằm thực hiện được mục tiêu của chương trình, đạt tỷ lệ 40% VLXDKN trên tổng số vật liệu xây vào năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng và năng lực sản xuất hiện mới chỉ đạt xấp xỉ 30% tổng sản lượng vật liệu và công suất thiết kế, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore (chiếm tới 60 – 70%).

Theo ông, đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

- Tôi cho rằng, hiện nay, cơ chế, chính sách cho đầu tư, phát triển VLXDKN tương đối đầy đủ nhưng việc thực thi tại các địa phương thiếu tính đồng đều, thống nhất. Mỗi địa phương lại có cách thực hiện riêng nhưng đa phần chưa quyết liệt trong việc thực hiện Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng.

Trong khi đó, đây là loại sản phẩm mới cần phải có thời gian sử dụng và tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng tại Việt Nam. Để sản xuất ra VLXDKN cần phải đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nên giá thành thường cao hơn khá nhiều so với vật liệu nung. Ngoài ra, do thói quen ưa thích sử dụng vật liệu đất nung của người Việt. Vì vậy, trong thời gian qua, VLXDKN chưa được thị trường đón nhận nên chưa thể cạnh tranh được với vật liệu nung truyền thống.

Vậy giải pháp để khắc phục những tồn tại này là gì, thưa ông?

- Theo tôi, trước hết, thay vì khuyến khích cần có cơ chế bắt buộc các địa phương thực hiện theo quyết định của Chính phủ. Tăng cường đánh thuế tài nguyên đất để hạn chế việc khai thác đất sản xuất vật liệu nung. Đồng thời tiếp tục xóa bỏ các dây chuyền sản xuất và cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, năng suất thấp như lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sản xuất gạch bê tông bán cơ giới... Cùng với đó, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường trong nước và thế giới để giúp các DN có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào gây lãng phí tài nguyên, nguồn vốn. Ngoài ra, cần chú tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và truyền thông giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc sử dụng VLXDKN.

Xin cảm ơn ông!

Mai Vân thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-vat-lieu-xay-dung-khong-nung-thuc-thi-chinh-sach-chua-dong-deu-384330.html