Phát triển và nâng tầm quan hệ Việt Nam-Séc, Romania

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân thăm chính thức Romania từ ngày 14 đến 16/4 và thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 16 đến 18/4.

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 16-18/4.

Sáng 17/4 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Séc.

Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đã tiến hành hội đàm.

Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước và đồng chủ trì họp báo quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh Cộng hòa Séc và Việt Nam có truyền thống quan hệ hợp tác từ lâu đời, gần 70 năm, hai bên có sự phát triển tốt trong hợp tác về thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác. Hiện xuất khẩu của Cộng hòa Séc sang Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 30%. Các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc luôn mong muốn tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

Thủ tướng Andrej Babis cho biết tại hội đàm, hai Thủ tướng đã thảo luận về nhiều lĩnh vực hợp tác là tiềm năng của mỗi nước như khai thác mỏ, hợp tác phát triển du lịch, mở đường bay thẳng Việt Nam-Cộng hòa Séc; văn hóa-giáo dục.

Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên đã nhất trí một số giải pháp thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn giữa hai nước thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đánh giá cao việc Cộng hòa Séc ủng hộ sớm ký, phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là những hiệp định có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược về hợp tác kinh tế-thương mại giữa EU và Việt Nam, đặc biệt giúp các doanh nghiệp Cộng hòa Séc và EU tiếp cận thị trường trên 90 triệu dân và mở cửa thuận lợi cho hợp tác về dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, tiếp cận thị trường mua sắm công...

EVFTA giúp nâng cao vị thế, vai trò của EU tại châu Á, và Việt Nam sẽ là cánh cửa để các doanh nghiệp Cộng hòa Séc tiếp cận thị trường ASEAN, Đông Á...

Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là về giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa-du lịch, hỗ trợ sớm mở đường bay trực tiếp Hà Nội-Praha.

Trước đó, nhận lời mời của Thủ tướng Romania Viorica Dancila, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Romania từ ngày 14-16/4.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Viorica Dancila, hội kiến Tổng thống Klaus Iohannis; Chủ tịch Hạ viện Liviu Dragnea, Chủ tịch Thượng viện Călin Popescu Tăriceanu, gặp gỡ Đại diện cộng đồng người Việt tại Romania.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Viorica Dancila. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Viorica Dancila nhấn mạnh tầm quan trọng và nhất trí duy trì trao đổi đoàn thường xuyên, nhất là các đoàn cấp cao cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng, dầu khí…

Thủ tướng Viorica Dancila khẳng định trong thời gian lãnh đạo EU, Romania sẽ có những hành động cần thiết để thúc đẩy việc ký chính thức Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), tạo động lực thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung và quan hệ Việt Nam và Romania nói riêng.

Thủ tướng Viorica Dancila nhấn mạnh mong muốn của Romania cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước. Hai bên nhất trí sẽ sớm tổ chức Khóa họp lần thứ 16 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Romania trong năm 2019 nhằm tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ hai bên cùng có lợi, đặc biệt là các sản phẩm nông, thủy sản, máy móc và thiết bị điện và điện tử, dược phẩm, máy móc và thiết bị cho ngành nông nghiệp, xây dựng và dầu khí, sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, thiết bị, phụ tùng cho ngành đường sắt.

Hai Thủ tướng cam kết xác định một cách sớm nhất những thủ tục cần thiết để nhập khẩu hàng nông sản của Romania vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản Việt Nam vào thị trường Romania.

Hai bên bày tỏ mối quan tâm chung trong việc tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, kiểm dịch động thực vật, an toàn và chất lượng thực phẩm, đào tạo và nghiên cứu.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tham vấn và hợp tác hiệu quả tại các tổ chức và diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM) và Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie). Hai bên cam kết duy trì hòa bình, ổn định cũng như an ninh quốc tế vì lợi ích của tất cả các dân tộc.

Hai Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về các thách thức toàn cầu và khu vực hiện nay đồng thời nhấn mạnh ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy phối hợp thực hiện các dự án trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác tiểu vùng sông Mekong và sông Danube đã được thống nhất trong khuôn khổ Đối thoại ASEM về phát triển bền vững, với sự tham gia của các cơ quan trung ương và địa phương.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/phat-trien-va-nang-tam-quan-he-viet-nam-sec-romania-3378409/