Phát triển tư duy lý luận phù hợp đường lối của Ðảng

Một trong những thành tựu quan trọng nhất mà Ðảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong quá trình tổ chức, lãnh đạo cách mạng là vận dụng một cách sáng tạo các nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để giải quyết mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Từ đó, vừa xác định đường lối, quan điểm có ý nghĩa chiến lược, xuyên suốt quá trình cách mạng, vừa phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc cần giải quyết một cách hiệu quả quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư duy lý luận với đường lối của Ðảng vẫn đang được đặt ra.

Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Để quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", Ðảng ta xác định một số giải pháp cụ thể, trong đó có vấn đề "đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Ðảng". Xem xét trong tính quá trình thì giải pháp này là tiếp nối có tính biện chứng với các thành tựu Ðảng ta đã đạt được. Vì thực tế cho thấy, một trong những yếu tố cơ bản tạo dựng nền tảng của các thành tựu đã đạt được là sự lựa chọn con đường cách mạng theo tư tưởng, nguyên lý, quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng, nguyên lý, quan điểm đó vào hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của Việt Nam, thể hiện qua việc luôn luôn chủ động, linh hoạt nắm bắt, phân tích các yếu tố khách quan - chủ quan để tổng kết thực tiễn, xây dựng nhận thức mới, lý luận mới, lấy đó làm cơ sở xác định đường lối cách mạng trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Và trong tính liên tục, đường lối được khẳng định lại tạo ra cơ sở để tiếp tục nhận thức, tổng kết thực tiễn, khái quát lý luận nhằm bổ sung, phát triển đường lối.

Ngày nay, để giải quyết một cách có hiệu quả quan hệ giữa tư duy lý luận với đường lối của Ðảng, cần phải xem xét toàn diện các yếu tố khách quan - chủ quan ở trong nước và trên thế giới, từ đó đúc kết, khái quát, rút ra các vấn đề lý luận - thực tiễn cụ thể và có tính khả thi, xác định cách thức tác động tích cực tới sự phát triển phong phú, đa dạng của thực tiễn vốn thường tập trung dưới những hình thức cơ bản: hoạt động sản xuất vật chất trong xã hội; hoạt động cải biến xã hội; nghiên cứu, thực nghiệm khoa học. Và như Báo cáo Chính trị Ðại hội XII của Ðảng chỉ ra thì đây là lĩnh vực hiện còn một số hạn chế, như: "Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ". Ðể bảo đảm vai trò "định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước", củng cố và phát triển "lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội", tư duy lý luận phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn theo cả chiều rộng, chiều sâu, phải khảo sát, đánh giá trên phạm vi rộng, nắm bắt được bản chất sự kiện, hiện tượng đã và đang tồn tại hoặc mới nảy sinh.

Thí dụ, để đánh giá chính xác về bối cảnh quốc tế, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận phải làm sáng tỏ các vấn đề: toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước; cách mạng khoa học - công nghệ, vai trò của công nghệ thông tin; tình hình chính trị - an ninh thế giới; tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên; xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng; xu hướng đa cực, đa trung tâm; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế; các thể chế đa phương đứng trước những thách thức lớn; an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh; các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới; mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; biến động của giá cả thế giới, sự bất ổn về tài chính, tiền tệ; cạnh tranh kinh tế, thương mại, và tranh giành nguồn tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng; hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định kinh tế song phương, đa phương thế hệ mới... Từ đó xác định các vấn đề này có thể tác động đến sự phát triển của Việt Nam như thế nào, dự báo các vấn đề có thể sẽ nảy sinh, và Việt Nam cần làm gì để vừa giữ vững đường lối cách mạng của Ðảng, vừa linh hoạt thích ứng với bối cảnh thế giới cũng như các quan hệ chính trị - kinh tế - văn hóa.

Cần phải nghiên cứu khẳng định các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay, các vấn đề lý luận - thực tiễn để xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Cụ thể như: xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các biện pháp trực tiếp góp phần đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi tình trạng suy giảm, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế thấp; lý giải tại sao tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn là một nguy cơ trực tiếp; cần làm gì để thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, khắc phục tình trạng phân hóa xã hội. Ðồng thời cần lý giải, chỉ rõ sự biến đổi để thích ứng của chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam với sự phối hợp có bài bản, hoặc lợi dụng các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để chỉ rõ bản chất, nguyên nhân tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cũng như nạn quan liêu, tham nhũng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp... Cần chú ý nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực từ quá trình giao lưu văn hóa, để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác nghiên cứu lý luận cần hoạch định cụ thể, chính xác về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền biển, đảo; xác định sách lược ngoại giao có khả năng thích ứng với đặc điểm mới của bối cảnh thế giới, vừa bảo đảm giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ và giữ gìn chủ quyền đất nước, vừa tranh thủ các cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa...

Sự phát triển tư duy lý luận trước hết phụ thuộc vào trí tuệ, trình độ, năng lực tư duy, sự năng động của những chủ thể hoạt động lý luận. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, các thế hệ đi trước đã thể hiện trí tuệ, trình độ, năng lực tư duy của mình khi giải quyết khoa học, thấu đáo các vấn đề lý luận - thực tiễn. Từ đó Ðảng ta đã có quan điểm, quyết sách đúng đắn làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới. Các thành tựu đó đang đòi hỏi các thế hệ hoạt động trong lĩnh vực lý luận cần tiếp nối một cách xứng đáng. Muốn tiếp nối và phát triển tư duy lý luận, chúng ta cần tự ý thức trong việc không ngừng phát triển trí tuệ, nâng cao trình độ, năng lực tư duy để tạo lập khả năng, động năng giải quyết một cách đúng đắn, hiệu quả các vấn đề lý luận - thực tiễn mà đường lối của Ðảng đã khẳng định.

HÀ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40591502-phat-trien-tu-duy-ly-luan-phu-hop-duong-loi-cua-%C3%B0ang.html